Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam:

“Tự chủ đại học không có nghĩa là bị Nhà nước… cắt đầu tư”

20:23 | 30/09/2016

363 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Tôi khẳng định tự chủ không phải là Nhà nước không đầu tư, chỉ có điều sẽ thay đổi cách đầu tư”.

Trong buổi Hội thảo "Tự chủ đại học - Cơ hội và Thách thức" do Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam tổ chức hôm nay (30/9), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có những góp ý tâm huyết với ngành giáo dục, đặc biệt với giáo dục ĐH.

Tự chủ để khắc phục tồn tại

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ ra nhiều điểm đáng mừng trong nền giáo dục nước nhà, nhất là giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng nêu ra một thực tế cần phải xem xét. Đó là chất lượng đào tạo với hàng vạn cử nhân, thạc sĩ học xong nhưng không có việc làm, hoặc không ổn định đang là vấn đề gây nhức nhối trong xã hội.

“Trong khoảng 10.000 tạp chí ISI (tạp chí khoa học có chất lượng quốc tế) thì Việt Nam không có cái nào; trong số khoảng 20.000 tạp chí Scorpus thì Việt Nam có 3 cái, nhưng không có cái nào của trường đại học cả mà toàn của các viện nghiên cứu” là những con số đáng buồn mà Phó Thủ tướng đã nêu ra.

tu chu dai hoc khong co nghia la bi nha nuoc cat dau tu
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị

Cùng với đó, Phó Thủ tướng cũng giúp các đại biểu tại hội thảo nhìn nhận về mô hình hệ thống sáng tạo quốc gia của Việt Nam còn chưa năng động.

Theo ông, mô hình này là một tam giác đều. Ba đỉnh của tam giác gồm đại học, viện nghiên cứu, nhà nước, trung tâm tam giác là doanh nghiệp.

Nhưng mô hình của Việt Nam hiện nay tạm hình dung là tam giác cân, cạnh đáy nhỏ nên không xoay nhiều chiều được mà buộc phải đứng cố định. Trong đó, đỉnh cao nhất là nhà nước, hai đỉnh dưới là đại học và doanh nghiệp, ở trung tâm là viện nghiên cứu. Hầu như trường đại học không tham gia vào nghiên cứu được nhiều như các trường đại học quốc tế.

Như vậy, rõ ràng đại học Việt Nam không chứng minh được năng lực và tầm quan trọng của mình với sự nghiệp sáng tạo quốc gia.

Dựa vào những tồn tại trên, Phó Thủ tướng nhận định: “Chúng ta cần đổi mới giáo dục căn bản toàn diện, và đại học cần vừa căn bản toàn diện, vừa mạnh mẽ. Bởi tiếp cận đầu ra của thị trường lao động thì đại học gần hơn”.

Cần nhận thức đúng về tự chủ đại học

Trên thực tế, vấn đề tự chủ đại học ở Việt Nam đã được đặt ra từ rất lâu. Song, nhiều trường đại học lại e dè trước ngưỡng cửa tự chủ. Nguyên nhân chính xuất phát từ nỗi lo kinh tế của các trường. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có ý kiến còn cho rằng, trường nào đó được trao cơ chế tự chủ đại học thì sẽ không được Nhà nước hỗ trợ đầu tư vào đó nữa.

Trước những cách hiểu sai lệch đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Tôi khẳng định tự chủ không phải là Nhà nước không đầu tư, chỉ có điều sẽ thay đổi cách đầu tư”

Để khiến các trường yên tâm hơn, ông còn dẫn ra những ví dụ minh chứng rất cụ thể.

Theo Phó Thủ tướng: Hiện đã có 14 trường thực hiện tự chủ nhưng Nhà nước vẫn tiếp tục đầu tư. Hiện Học viện Nông nghiệp Việt Nam đang chuẩn bị được cho vay vốn 50 triệu USD. Đại học Bách khoa Hà Nội đang trình tự chủ cũng được khoản vốn tương tự. Đại học Kinh tế quốc dân cũng được tiếp tục hỗ trợ một phần kinh phí.

Có thể thấy, tự chủ đại học không phải là một gánh nặng tài chính như nhiều trường vẫn nghĩ. Thậm chí nó còn giúp các trường có nhiều lợi thế hơn so với trước.

Ngoài câu chuyện băn khoăn tài chính, theo Phó Thủ tướng, việc tự chủ đại học còn vướng mắc ở một số điểm.

Thứ nhất là tăng học phí. Khi tự chủ, ngân sách giảm, trường có quyền quy định học phí cao hơn. Điều này nhiều người lo ngại làm ảnh hưởng đến cơ hội giáo dục của đối tượng người nghèo, chính sách.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Việc tăng học phí là cần thiết để nâng cao chất lượng đào tạo.

“Chúng ta không thể giữ học phí thấp mãi. Điều quan trọng là nâng cao chất lượng giáo dục, thu hút người học. Từ những người có khả năng đóng góp học phí cao, trường có thêm học bổng, cộng thêm chính sách hỗ trợ của nhà nước vẫn có thể đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh nghèo. Không chỉ cấp học bổng cho học sinh giỏi xuất sắc mà cả những sinh viên học khá nhưng nghèo”- Phó Thủ tướng nói.

Thứ hai, tự chủ liên quan đến quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT. Tự chủ bao gồm cả các trường ngoài công lập, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục rà soát những quy định nào mà Bộ thấy không cần thiết thì sẽ bỏ.

Thứ ba, tự chủ bộ máy tổ chức, nhân sự. Theo Phó thủ tướng đây là vấn đề lớn nhất của các trường. Thực tế cho thấy các Hội đồng trường (trừ nhóm trường ngoài công lập) vẫn chưa phát huy hết vai trò của mình, mang hình thức bộ máy chuyên quyền khi mà quyền lực vẫn tập trung lớn ở Hiệu trưởng.

Trong khi đó, để chuyển sang tự chủ đại học, Hội đồng trường rất quan trọng với trách nhiệm giải trình xã hội, giảm và bỏ can thiệp hành chính của các cơ quan chủ quản.

Như vậy, tự chủ đại học cũng là một khía cạnh quan trọng trong quá trình đổi mới nền giáo dục nước nhà. Một quá trình mà Phó Thủ tướng cho là phức tạp, khó khăn vì liên quan tới con người. Từ đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các cơ quan, ban ngành, cá nhân có liên quan phải có trách nhiệm hơn, khấu triệt và quyết tâm cao hơn trong thời gian tới.

Lan Phương

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.