TS Vũ Thế Khanh: Phải dám vượt qua biểu tượng "di tích Đàn Xã Tắc" trong chính mình!

06:52 | 03/07/2013

758 lượt xem
|
(Petrotimes) - Các vua chúa phong kiến xưa kia tuy bảo thủ, nhưng họ vẫn dám thay đổi thể chế nếu thấy cần thiết (điển hình như Lý Thái Tổ dám bỏ Hoa Lư mà dời đô về Thăng Long để chấn hưng đất nước...), không lẽ trong thời đại VĂN MINH KHOA HỌC ngày nay lại không dám vượt qua cái biểu tượng “Di tích Đàn Xã Tắc” do chính mình tự dựng lên để xây dựng một công trình giao thông văn minh, tiện ích hay sao?!

TS.KTS Vũ Thế Khanh - Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học UIA

Vừa qua, UBND thành phố Hà Nội đã có cuộc họp trưng cầu ý kiến của đại diện một số cơ quan, ban, ngành và tham khảo ý kiến của một số nhà khoa học về các phương án giải tỏa ách tắc tại nút giao thông Ô Chợ Dừa.

Thông qua cuộc họp này, chúng tôi thấy UBND thành phố Hà Nội và nhóm tư vấn thiết kế cầu vượt qua nút giao thông Ô Chợ Dừa rất chú trọng và cố gắng chấp hành triệt để chủ trương của Nhà nước về việc “bảo tồn di tích Đàn Xã Tắc”.

Đây là việc làm thận trọng và cần thiết, thể hiện sự nghiêm túc trong việc chấp hành luật pháp về việc bảo tồn di tích đã xếp hạng.

Tuy nhiên, nếu Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng có một chủ trương cởi mở hơn cho UBND thành phố Hà Nội và cho nhóm thiết kế tư vấn thì không những làm cho giải pháp giao thông ở Ô Chợ Dừa hợp lý hơn, đẹp hơn, mà còn có thể tiết kiệm cho ngân sách hàng trăm tỉ đồng.

Biểu tượng Đàn Xã Tắc tại Ô Chợ Dừa

Nếu chúng ta cung cấp thông tin đầy đủ hơn về vị trí, vai trò và ý nghĩa của “Di tích Đàn Xã Tắc triều Lý tại Ô Chợ Dừa” thì việc bảo tồn rất dễ dàng và có nhiều phương án phong phú, vừa tôn trọng luật pháp, vừa tạo điều kiện phát triển kinh tế của đất nước trong thời đại mới.

Bằng những chứng cứ xác thực và bằng những kinh nghiệm trong gần 20 năm qua về nghiên cứu ngoại cảm, tâm linh, 3 cơ quan khoa học (Liên hiệp Khoa học UIA, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an, Trung tâm Bảo trợ văn hóa kỹ thuật truyền thống) trân trọng gửi kiến nghị lên lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, ban, ngành chức năng nhằm ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc giải tỏa ách tắc giao thông tại Ô Chợ Dừa, đồng thời có thể tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng cho ngân sách Nhà nước.

Các kiến nghị khoa học

Ba cơ quan chúng tôi (Liên hiệp Khoa học UIA, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an, Trung tâm Bảo trợ văn hóa kỹ thuật truyền thống) là những đơn vị đầu tiên được Chính phủ tin tưởng trao nhiệm vụ khảo nghiệm về tâm linh, ngoại cảm, hưởng ứng tích cực chủ trương của Đảng và Nhà nước trong nghĩa cử cao đẹp “đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn”.

Với những bằng chứng khoa học và kết quả giải mã các thông điệp từ thế giới tâm linh, chúng tôi trân trọng kính đề nghị Đảng, Chính phủ, các cơ quan chức năng Nhà nước duyệt phương án di dời biểu tượng “Đàn Xã Tắc” sang vị trí hợp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho dự án giải tỏa ách tắc giao thông thành phố, góp phần tích cực vào sự nghiệp tái thiết đất nước.

Một ví dụ về mô hình nhìn theo phương thẳng đứng

Chúng tôi tin rằng, bằng trí tuệ khoa học và tâm nguyện thiết tha vì lợi ích của nhân dân, chắc chắn các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ có những sự chỉ đạo kịp thời và hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, ban, ngành chức năng tuyển chọn được phương án tối ưu cho dự án giao thông Ô Chợ Dừa. Dưới đây là các kiến nghị của chúng tôi:

1- Việc tế Đàn Xã Tắc của triều đình phong kiến ngày xưa là một nghi thức tín ngưỡng riêng của từng triều đại, mỗi triều đại đều có những phương thức hành xử riêng về tín ngưỡng tâm linh, long mạch... do vậy, các triều đại sau không kế thừa vị trí và nội dung đàn tế của triều đại trước.

2- Quy mô khu trung tâm của Đàn Xã Tắc thời xưa khoảng từ 4 đến 5ha, cho nên việc cắm biển di tích cho Đàn Xã Tắc hoàn toàn có thể chọn một vị trí bất kỳ nào trong phạm vi từ 4 đến 5ha.

3- Vị trí cắm biển “Di tích Đàn Xã Tắc triều Lý” tại Ô Chợ Dừa Dừa chỉ mang tính tượng trưng và hoàn toàn không phải là trung tâm của khu nội đàn (có chứng minh kèm theotại phụ lục phần I ).

4- Ngay từ thời nhà Lý (đời Lý Huệ Tông) đã chủ động hủy bỏ việc tế Đàn Xã Tắc, Tông Miếu; đồng thời mật lệnh cho con cháu dòng họ Lý phải thay tên đổi họ, cao chạy xa bay để bảo toàn dòng giống; do vậy, vị trí “di tích Đàn Xã Tắc thời Lý” chỉ mang tính bảo tồn sự kiện lịch sử chứ không hề mang tính truyền thừa về tín ngưỡng văn hóa tâm linh (có chứng minh kèm theo tại phụ lục phần II).

5- Biên cương đất đai triều Lý chỉ giới hạn từ Quảng Bình trở ra, do vậy “giang sơn Xã Tắc” thời đó chưa bao hàm toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải như ngày nay, do vậy không nên tuyên truyền coi cái “Xã Tắc” thời đó “là trời đất, tổ tiên...” của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ngày nay.

6- Việc lập bát hương và “hô thần nhập tượng” vào cái biểu tượng mới dựng tại Ô Chợ Dừa là việc làm phản cảm, không có ý nghĩa về tâm linh, lại tạo cơ hội lễ lạy xì xụp cho những người hành nghề mê tín dị đoan, bởi thực tế thì không có vị Thiện Thần nào muốn “nhập” vào đấy và cũng không có oai linh của vị vua nào muốn “ngự” tại đó cả. Do vậy, việc lập ra nghi thức cúng lễ tại vị trí này chỉ tạo chỗ trú ngụ cho các hạng căn cơ bậc thấp, thậm chí chỉ là cô hồn, ngã quỷ đói khát trú ngụ tại đó mà thôi.

7- Thời đại Hồ Chí Minh đã chọn Ba Đình là nơi đắc địa cho việc lập “Đàn Xã Tắc”, linh khí quốc gia đang hội tụ về đó (thể hiện bằng lễ Tuyên ngôn Độc Lập 2/9/1945, lãnh thổ của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam hiện nay từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau, lãnh hải có cả Trường Sa, Hoàng Sa, Côn Đảo, Phú Quốc và nhiều đảo khác...). Mọi hoạt động văn hóa, mọi nghi thức về tín ngưỡng tâm linh hiện thời đều phải hướng tới sự đoàn kết và hòa hợp dân tộc trên toàn lãnh thổ, lãnh hải, tránh tư tưởng cục bộ, cát cứ, tránh việc bày vẽ thêm các điểm cúng lễ không cần thiết, khiến cho những kẻ lạm dụng tín ngưỡng dễ bề tuyên truyền mê tín dị đoan.

8- Vị trí cắm biển di tích Đàn Xã Tắc triều Lý tại Ô Chợ Dừa là vị trí tượng trưng, biểu tượng cũng chỉ mới sáng tác và lập dựng cách đây mấy năm, không phải là di vật có từ triều đại nhà Lý, không nên coi cái vị trí cắm biển là cố định, là “bất di bất dịch”.

9- Quốc hội có quyền sửa đổi hiến pháp, có quyền quyết định được những việc trọng đại của quốc gia (kể cả việc mở rộng hoặc di dời thủ đô...), vậy cớ sao lại không thể quyết định di dời cái vị trí đang đặt cái biển tượng trưng cho “Di tích Đàn Xã Tắc” sang chỗ khác ?!.

Nếu dịch chuyển cái biển hiệu “Di tích Đàn Xã Tắc” sang vị trí phù hợp, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia thiết kế của ngành giao thông được phát huy hết năng lực chuyên môn của mình, tìm ra các phương án tối ưu về kinh tế kỹ thuật thì có thể tiết kiệm cho ngân sách hàng trăm tỉ đồng, mà lại đảm bảo được mỹ quan thành phố.

10- Các vua chúa phong kiến xưa kia tuy bảo thủ, nhưng họ vẫn dám thay đổi thể chế nếu thấy cần thiết (điển hình như Lý Thái Tổ dám bỏ Hoa Lư mà dời đô về Thăng Long để chấn hưng đất nước...), không lẽ trong thời đại VĂN MINH KHOA HỌC ngày nay lại không dám vượt qua cái biểu tượng “Di tích Đàn Xã Tắc” do chính mình tự dựng lên để xây dựng một công trình giao thông văn minh, tiện ích hay sao?!

11- Với trình độ khoa học và thiết bị hiện đại, hoàn toàn có thể chuyển hình thức bảo tồn di tích đang ở dạng “mặt bằng” (tốn diện tích giao thông mà hiệu quả lại thấp) sang hình thức bảo tồn di tích dạng “dựng đứng” (bằng cách dựng mô hình lên theo phương thẳng đứng) để mọi người có thể nhìn thấy di tích từ xa, hiệu quả thông tin lại cao hơn mà không hề ảnh hưởng tới diện tích giao thông.

12- Ngoài ra, ta vẫn có thể dùng 200 đến 300m2 để làm nhà trưng bày, hoặc triển lãm về Đàn Xã Tắc thời xưa, như vậy vẫn bảo tốn được di tích mà không ảnh hưởng tới giao thông, lại tiết kiệm cho ngân sách hàng trăm tỉ đồng khi giải quyết nút giao thông theo phương án mới. (Ví dụ như khi bảo tồn di tích “Chiến thắng Bạch Đằng”, chả lẽ ta cứ phải cắm cái cọc xuống sông để “giữ nguyên hiện trạng”, ngăn không cho thuyền bè đi lại trên sông mới gọi là bảo tồn di tích hay sao?)

I. Giải pháp hợp lý cho Đàn Xã Tắc tại Ô Chợ Dừa như thế nào?

1- Căn cứ vào dấu tích khai quật thì vị trí hiện nay tại Ô Chợ Dừa chưa phải là trung tâm nội đàn của Đàn Xã Tắc triều Lý.

Trung tâm nội đàn xã tắc phải đủ rộng, vừa đảm bảo sự trang nghiêm quy mô cho đàn tế của bậc quân vương, lại phải đảm bảo hành lang an toàn (đề phòng thích khách bắn tên từ xa), nên khu nội đàn phải rộng (ít nhất là từ 4 đến 5ha), việc tiếp tục tổ chức khai quật để tìm trung tâm nội đàn là điều không cần thiết, hơn nữa chức năng của “Đàn Xã Tắc” đã bị triều nhà Lý xóa bỏ, cho nên nó chỉ có ý nghĩa về tư liệu lịch sử chứ không hề có giá trị truyền thừa về văn hóa tâm linh cho các triều đại về sau.

2- Không nên gọi Đàn Xã Tắc triều Lý “là trời đất, là tổ tiên...” như một số nhà nghiên cứu lịch sử, bởi đó chỉ là tín ngưỡng một thời của nhà Lý. Thời nhà Lý, biên giới của Đại Việt chỉ đến Quảng Bình, toàn bộ các tỉnh phía Nam lúc đó còn thuộc Chiêm Thành (đến đầu thế kỷ XIV mới được vua Chế Mân dâng cho nhà Trần làm đồ sính lễ để cưới công chúa Huyền Trân). Nếu người ta cũng tìm được dấu tích cái gọi là “Đàn Xã Tắc” của triều đại Chiêm Thành tại các tỉnh phía Nam thì chả lẽ ta cũng phải coi đó là “trời đất, là tổ tiên của Đại Việt” hay sao?

3- Vì di tích Ô Chợ Dừa đã được xếp hạng, nên trước mắt ta vẫn cứ phải tôn trọng pháp luật về việc bảo tồn di tích, nhưng không nên ghi là “Đàn Xã Tắc” mà chỉ nên ghi là nơi tìm thấy “dấu tích vật liệu làm Đàn Xã Tắc thời Lý”, bởi vì nơi đó thực ra không phải là trung tâm của Đàn Xã Tắc và diện tích hiện tại cũng quá nhỏ bé so với quy mô thực của một Đàn Xã Tắc ngày xưa.

Thứ vật liệu làm biểu tượng hiện nay cho Đàn Xã Tắc là mới tạo ra, không đáp ứng được thẩm mỹ của công trình văn hóa tâm linh.

4- Nên thay biểu tượng khác cho Đàn Xã Tắc, bằng các loại vật liệu ngũ sắc tìm được trong khi khai quật, hoặc ít ra cũng nên thiết kế biểu tượng mới với bút pháp nghiêm túc NỘI PHƯƠNG NGOẠI VIÊN, là biểu trưng của các đàn tế tâm linh. Người xưa dùng hình tròn tượng trương cho Trời, hình vuông tượng trưng cho Đất và bên ngoài phải tròn trịa thì mới lăn, di chuyển lưu động được (chỉ cho sự ngoại giao linh hoạt và biến hóa tùy duyên), bên trong phải vuông vức (chỉ sự nghiêm túc khuôn phép, kỷ cương của nội trị).

Có thể thiết kế biểu tượng này cao hơn cả cầu vượt, vừa để làm di tích vừa để làm công trình nghệ thuật của thời đại ngày nay. Cũng có thể làm một căn phòng triển lãm cạnh đó với diện tích khoảng 200 đến 300m2 để giới thiệu về Đàn Xã Tắc, hoặc trưng bày các loại vật liệu cũng như sa bàn về Đàn Xã Tắc thời xưa để mọi người đến chiêm ngưỡng, du lịch...

5- “Đàn Xã Tắc” thời đại ngày nay đã chuyển về khu Ba Đình và phải hiểu trên tinh thần văn hóa mới, khoa học hơn, lành mạnh hơn, nhằm đoàn kết mọi tôn giáo, đoàn kết được mọi tầng lớp nhân dân trên khắp mọi miền đất nước, biên cương là vùng đất, vùng trời, vùng biển, hải đảo của nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Tín ngưỡng về Đàn Xã Tắc thời bây giờ khác hẳn thời nhà Lý:

- Về diện tích, biên giới quốc gia vùng đất, vùng trời, biển đảo thời Lý chỉ bằng 1/3 diện tích nước ta bây giờ.

- Chủ thể của quốc gia lúc đó là triều Lý, nhưng bây giờ chủ thể quốc gia là của toàn dân (dân là chủ).

- Triều Lý lập đàn cầu đảo xin hộ trì cho vương triều và long mạch nhà Lý được vạn tuế vững bền, cầu nguyện thế lực thần bí giúp cho nghề canh nông được mưa thuận gió hòa, mà không coi trọng đến sức mạnh tự lực của muôn dân.

Nhưng ngày nay chúng ta “tế đàn” với một nội dung văn hóa mới, không phải cầu xin trời đất phù hộ như ngày xưa mà ta phải làm chủ đất trời, chúng ta phải trực tiếp bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển, hải đảo, chúng ta phải phát nguyện giữ cho bầu trời trong sạch, không bị ô nhiễm, không bị hiệu ứng nhà kính, Enino..., phải làm cho môi trường đất, nước không bị nhiễm hóa chất độc hại, sói mòn, khoa học công nghệ không chỉ nghề canh nông mà còn được mở mang, khai quang nhiều ngành khoa học khác.

- Về mặt Tâm linh, lấy ý nguyện của muôn dân làm sức mạnh, lấy quyền lợi của muôn dân làm mục đích thì tín ngưỡng mới trở nên thiêng liêng, không nên cầu xin hoặc bám vào thế lực ở bên ngoài.

II. Đàn Xã Tắc Triều Lý đã bị hủy từ thời Lý Huệ Tông

Vua thứ 8 của triều Lý là Lý Huệ Tông, không có con trai, Trần Thủ Độ liền ép vua phải xuống chiếu nhường ngôi cho con gái là Lý Chiêu Hoàng (rồi Lý Chiêu hoàng lại phải nhường ngôi cho Trần Cảnh vào năm 1225).

Sau đó vua xuất gia đi tu với pháp danh là Huệ Quang đại sư.

Sau khi làm sư, Huệ Tông vẫn thường đi dạo chơi trong kinh thành. Một hôm đi qua chơi chợ Đông, dân chúng nhận ra, xúm lại xem, có người còn khóc thương.

Năm 1226, Trần Thủ Độ cho người theo dõi, thấy sự kiện này, sợ lòng dân nhớ về nhà Lý, bèn chuyển Huệ Quang vào chùa Chân Giáo trong nội thành Thăng Long để dễ bề khống chế, kiểm soát. Những người khóc thương Huệ Tông hoặc nhớ về tông miếu họ Lý đều bị giám sát và bức hại.

Một lần Trần Thủ Độ vào chùa thấy Huệ Tông nhổ cỏ ở vườn, Thủ Độ nói: “Nhổ cỏ thì phải nhổ cả rễ sâu” (ý nói phải triệt hạ cả mầm mống, gốc rễ). Lý Huệ Tông nói: “Điều ngươi nói, ta hiểu rồi”.

Lý Huệ tông liền mật chỉ cho các con cháu dòng họ Lý phải thay tên đổi họ, cao chạy xa bay, không được lộ diện tại Thái Miếu, Thái Xã, Thái Tắc để tránh sự bức hại của Trần Thủ Độ.

Sắp đặt xong xuôi ông liền ra sau vườn chùa thắt cổ tự vẫn.

Như vậy, ngay từ thời vua thứ 8 nhà Lý (là Lý Huệ Tông) thì Đàn Xã Tắc triều Lý đã bị triệt hạ, và bị xóa bỏ hoàn toàn chức năng, xóa bỏ hoàn toàn ý nghĩa tâm linh từ thời đó.

Ngày nay, cho dù có tổ chức nghi lễ “hô thần nhập tượng” vào biểu tượng “Di tích Đàn Xã Tắc” thì cũng chẳng thể mời được THIỆN THẦN hoặc HỶ THẦN nào về ngự nữa, mà chỉ có những tần số BI LỤY, THÊ LƯƠNG gá vào đó mà thôi.

Nếu chúng ta có lòng thành kính nhớ công ơn triều nhà Lý thì có thể đến đảnh lễ trước tượng Lý Thái Tổ tại vườn hoa cạnh Hồ Gươm, hoặc đền thờ các vua nhà Lý tại Bắc Ninh, không nên phục chế, khơi lại hoặc lễ lạy ở những nơi phế tích mà tại đó dã từng lưu giữ những tần số ảm đạm mà chính vua Lý Huệ Tông đã phải hủy đi.


V.T.K

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc