TS Nguyễn Trí Hiếu: Không điều chỉnh tỷ giá là hợp lý

07:00 | 09/04/2015

974 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trước sự tăng giá của USD so với các ngoại tệ khác, nhiều ý kiến cho rằng nên điều chỉnh tỷ giá để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, NHNN đã ra thông điệp khẳng định sẽ không điều chỉnh tỷ giá trong giai đoạn hiện nay, xung quanh vấn đề này PV Báo Năng lượng Mới có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính Ngân hàng.

Năng lượng Mới số 411

PV: Với tình trạng USD tăng giá trên thị trường thế giới nhưng giá trị VND so với USD vẫn được giữ tương đối cao như hiện nay, ông nhận định như thế nào về việc điều hành tỷ giá của NHNN trong thời gian vừa qua?

TS Nguyễn Trí Hiếu: NHNN chủ trương không điều chỉnh tỷ giá USD/VND và tôi cũng đồng quan điểm này vào thời điểm hiện nay. Bởi với việc ổn định tỷ giá trong lúc này sẽ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và củng cố niềm tin của người dân đối với VND. Việc điều chỉnh tỷ giá có thể làm giảm lòng tin của người dân với đồng Việt Nam, tạo tâm lý găm giữ USD, tình trạng đôla hóa có thể trở lại. Nhiều năm qua, NHNN đã thành công ở việc tạo dựng niềm tin vào VND, nên nếu liên tiếp phá giá VND niềm tin đó có thể bị tổn thương và không dễ tạo dựng lại.

TS Nguyễn Trí Hiếu

Tất nhiên đối với xuất khẩu việc không điều chỉnh tỷ giá sẽ tác động bất lợi bởi khi giữ giá VND trong khi các đồng tiền khác đã phá giá đối với đồng USD sẽ làm cho hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu kém cạnh tranh trên thị trường thế giới. Giá hàng xuất khẩu sẽ cao hơn các nước và các nhà xuất khẩu xuất hàng đi để nhận vào một lượng USD, nếu đổi ra tiền VND sẽ được một khoản thấp hơn so với giá trị của USD trên thị trường thế giới. Vì lý do đó mà nhiều ngành hàng xuất khẩu bị sụt giảm trong thời gian vừa qua.

Thế nhưng tại lúc này theo tôi cũng chưa nên điều chỉnh bởi vì những yếu tố vĩ mô chưa hỗ trợ cho việc điều chỉnh này. Việc điều chỉnh tỷ giá có thể làm lạm phát quay trở lại và làm tăng giá hàng hóa nhập khẩu. Bởi khi nhập khẩu doanh nghiệp phải thanh toán bằng USD hay các ngoại tệ khác và họ phải mua ngoại tệ bằng VND, khi điều chỉnh giá VND giảm xuống so với USD và các ngoại tệ khác thì doanh nghiệp sẽ sử dụng lượng một lượng lớn hơn VND cho việc nhập khẩu hàng hóa. Khi giá hàng hóa nhập khẩu tăng thì sẽ tạo áp lực lên giá cả hàng tiêu dùng nội địa. Như vậy, lạm phát sẽ quay trở lại là điều không tránh khỏi. Ngoài ra, điều chỉnh tỷ giá còn làm cho nợ công của Việt Nam tăng lên khi tính theo VND. Mà theo tính toán thì cứ tăng khoảng 1% tỷ giá thì chi phí nợ công đội thêm khoảng 10.000 tỉ đồng.

PV: Tại sao rất nhiều quốc gia trên thế giới đã điều chỉnh tỷ giá mà Việt Nam lại chưa nên điều chỉnh trong thời điểm này, thưa ông?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Thế giới rất nhiều quốc gia đã điều chỉnh tỷ giá, trên 20 quốc gia, kể cả các quốc gia lớn như Nhật Bản cũng đã tìm cách giảm giá đồng nội tệ so với USD để hỗ trợ xuất khẩu. Tuy nhiên, việc điều chỉnh tỷ giá ở nhiều quốc gia không giống như Việt Nam, bởi phần lớn các quốc gia họ đều thả nổi đồng tiền của họ so với đồng USD và họ để cho đồng tiền của họ giảm giá so với USD là muốn hỗ trợ xuất khẩu. Còn tại Việt Nam vẫn giữ ổn định giá VND vì chúng ta vẫn đang điều hành chính sách kiểm soát hối đoái và chúng ta cũng xét thấy việc không điều chỉnh tỷ giá sẽ có lợi hơn. Hiện tại, cung - cầu ngoại tệ trên thị trường vẫn ổn định, không có biến động đáng quan ngại, cán cân thanh toán vẫn thặng dư cao, lạm phát thấp, nhu cầu nhập khẩu chưa tăng đột biến, chưa xuất hiện tình trạng đầu cơ ngoại tệ, VND ổn định... tất cả điều này không hỗ trợ cho việc điều chỉnh tỷ giá.

PV: Trong điều kiện không điều chỉnh tỷ giá thì theo ông có giải pháp nào để hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu hay không?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Do phần lớn nguyên, phụ liệu, thiết bị phục vụ cho xuất khẩu của nước ta là từ nhập khẩu, do đó việc điều chỉnh tỷ giá cũng sẽ chỉ hỗ trợ một phần cho xuất khẩu mà thôi. Nhà xuất khẩu không phải hoàn toàn bất lợi mà cũng được lợi là giảm giá hàng hóa nhập khẩu phục vụ cho xuất khẩu. Ngoài ra, theo tôi không điều chỉnh tỷ giá thì có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu bằng lãi suất và các ưu đãi tín dụng khác. Có lẽ NHNN nên hạ lãi suất trần huy động kỳ hạn dưới 6 tháng để kéo mặt bằng lãi suất huy động xuống rồi từ đó tiến đến giảm lãi suất cho vay, đặc biệt là giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp xuất khẩu để họ có thể cạnh tranh hơn trên thị trường thế giới qua việc giảm chi phí sản xuất, giảm chi phí vốn, giảm giá hàng hóa xuất khẩu.

PV: Hiện nay, lãi suất huy động tương đối thấp, theo ông có điều kiện để tiếp tục hạ lãi suất huy động nữa hay không?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Tôi nghĩ vẫn còn điều kiện vì tỷ lệ lạm phát của nước ta hiện rất thấp. Lãi suất huy động bình quân cho tất cả mọi kỳ hạn trên toàn hệ thống khoảng 6%, trong đó lãi suất huy động cho kỳ hạn dưới 6 tháng là 5,5%. Và lãi suất cho vay theo tôi tính toán hiện nay vào khoảng 10%. Nếu có thể, theo tôi mặt bằng lãi suất huy động chung nên giảm xuống còn khoảng 5% và lãi suất cho vay vào khoảng 8% thì tốt nhất. Với lãi suất tiền gửi 5%, lãi suất cho vay 8% thì biên độ lợi nhuận ở mức 3% là ổn.

PV: Hiện nay, NHNN vẫn còn dư địa để điều chỉnh tỷ giá so với kế hoạch đầu năm, vậy trong trường hợp như thế nào mới nên điều chỉnh, thưa ông?

TS Nguyễn Trí Hiếu: Tại thời điểm hiện tại, theo tôi quyết định không điều chỉnh tỷ giá của NHNN là hợp lý. Tuy nhiên, không có nghĩa là trong mọi thời điểm chúng ta cũng nên cố định tỷ giá suốt cả năm 2015, nhất là khi tình hình ngoại hối biến động nhiều hơn. Trong trường hợp việc không điều chỉnh tỷ giá tỏ ra quá bất lợi cho xuất khẩu và nó tạo điều kiện cho đầu cơ ngoại tệ, cũng như bất lợi cho nền kinh tế thì nên xem xét điều chỉnh. Hiện nay, theo mục tiêu đề ra của NHNN dư địa có thể điều chỉnh tỷ giá còn 1%. Tuy nhiên, nếu cần theo tôi có thể điều chỉnh hơn 1% trong năm nay, vấn đề là phải quan sát thị trường thế giới biến động như thế nào, đến lúc chúng ta thấy vấn đề điều chỉnh là cần thiết để tránh thiệt hại cho xuất khẩu cũng như hỗ trợ cho kinh tế và đặc biệt, cần quan tâm đến vấn đề cán cân thanh toán, nếu cán cân thanh toán bất ổn, bị âm thì nên điều chỉnh.

PV: Xin cảm ơn ông!

Trong thông điệp phát ra ngày 25/3, Ngân hàng Nhà nước khẳng định, tiếp tục duy trì ổn định tỷ giá sẽ có lợi nhiều hơn việc điều chỉnh tỷ giá trong giai đoạn này. Do đó, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành tỷ giá ổn định trong biên độ đề ra từ đầu năm. Đồng thời, sẽ theo dõi diễn biến của kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, chủ động điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ cũng như thực hiện các giải pháp cần thiết để ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối.


Mai Phương (thực hiện)