Truyền hình thực tế: Có nên “ép” cho giống?!

07:00 | 14/05/2013

619 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những năm gần đây, truyền hình thực tế đã trở thành “món ăn” quen thuộc đối với khán giả. Không chỉ giúp người chơi có thêm kiến thức, mà còn là cơ hội giao lưu, trải nghiệm và tìm kiếm những nhân tố mới lạ. Tuy nhiên, sự gượng ép thái quá khi “bê” nguyên format của các chương trình nước ngoài khiến người xem cảm thấy khó chịu.

Là giám khảo thì được “quyền”?

Trong tập 10 của chương trình MasterChef Việt Nam mới đây, khán giả sẽ không khỏi ngạc nhiên và không hài lòng khi chứng kiến giám khảo Luke Nguyễn thẳng tay “đổ đĩa bánh xèo của một thí sinh vào sọt rác” vì không đạt yêu cầu.

Tại sao vị giám khảo này lại hành xử như vậy? Vì chương trình yêu cầu vậy “cho giống format của nước ngoài” hay vì họ tự cho mình có quyền được như thế. Đành rằng, khi mua bản quyền chương trình, êkip sản xuất phải tôn trọng những quy định riêng và nhất là cần xét đến văn hóa của nước ta để thay đổi cho phù hợp. Người Việt Nam vốn cư xử tế nhị chứ không quen với cách “mắng xối xả”, bị chỉ trích trước đám đông một cách thẳng thừng như vậy.

Một khán giả trẻ chia sẻ: “Tôi thấy bắt chước y hệt giám khảo trong chương trình MasterChef phiên bản Mỹ. Có cảm giác giám khảo của ta đang cố “diễn” cho giống với kịch bản!”.

Trong một bài phỏng vấn trên Elle, Luke Nguyễn đã từng nói: “Tôi không đồng ý với việc gọi món ăn của một người là rác. Họ lặn lội đến tham gia, nấu những món ăn dễ thương họ yêu thích dành cho ba vị giám khảo. Thậm chí, nếu món đó có dở thì đối với họ đó không phải là rác, mà là tình yêu, là đam mê. Tôi cảm thấy độc ác khi nói những câu nhận xét như thế với người khác. Ví dụ như bạn làm khách của ai đó, nếu món ăn của họ không ngon, bạn cũng không thể nói món ăn của họ là rác. Bạn cần trân trọng, ăn thử và có thể từ chối khéo. Món ăn người khác dành cho bạn là một món quà”. Vậy mà trong chương trình này, anh lại làm ngược lại với những gì đã nói.

Giám khảo Luke Nguyễn thẳng tay đổ bánh xèo của thí sinh vào sọt rác.

Trước đó, hẳn khán giả vẫn nhớ giám khảo Vietnam’s Next Top Model khi nhận xét các thí sinh với những lời lẽ khá… chợ búa. Liên tiếp những tình huống được đặt ra cùng những lời nhận xét không mấy “lọt” tai của Xuân Lan không chỉ khiến thí sinh “đơ tại chỗ” mà công chúng cũng ngỡ ngàng.

Khán giả theo dõi mùa giải trước hẳn vẫn còn nhớ GK Xuân Lan đã không ngần ngại đưa ra tình huống để thử thí sinh: Giả sử bây giờ chị tát em một nhát, không vì lý do gì, chỉ vì nhìn em thấy ghét ghét thì tát thôi, em phản ứng thế nào? Hay "Em thấy tôi hay cảnh ở đây đẹp hơn? Nếu em nói tôi đẹp hơn thì tôi cho em vào...". Vẫn biết, đưa ra những tình huống khó nhằn như thế để thí sinh bộc lộ rõ cá tính cũng như sự thông minh trong xử lý tình huống. Nhưng cách GK Xuân Lan đặt tình huống với thái độ trịch thượng, thậm trí bỡn cợt thí sinh thật khó chấp nhận với “cái tình”  trong văn hóa giao tiếp của người Việt. 

Thêm nữa là những câu nói chẳng mấy lọt tai khi Xuân Lan là người dành quyền công bố thí sinh phải dừng chân sau mỗi phần thi nhưng lại mang thái độ lạnh lùng không đáng có như: "Người sau đây sẽ phải về phòng thu dọn hành lý và rời khỏi đây ngay lập tức". Chắc hẳn, câu nói này cũng nằm trong kịch bản mà Xuân Lan phải tuân thủ?

Không thể phủ nhận, những cao trào tạo nên sức hút đối với mỗi chương trình truyền hình thực tế. Nhưng việc tuân theo quá nhiều kịch bản gốc nhưng lại không mấy phù hợp với thuần phong của người Việt thì chỉ đem đến sự phản cảm, thậm chí là phải nhận sự tẩy chay của người xem. 

Để truyền hình thực tế gần với khán giả Việt

Khi thực hiện một chương trình, hẳn êkip đã có sự chuẩn bị rất chu đáo và kỹ lưỡng. Nhưng đối với chương trình thực tế tổ chức tại Việt Nam, người chơi là người Việt, giám khảo là người Việt và khán giả cũng là người Việt, vậy thì lý do gì mà ta phải khiên cưỡng, gò ép nó cho giống phiên bản nước ngoài. Có nhất thiết phải có những hành xử thái quá như vậy để “gây ấn tượng” hay tạo cao trào cho người xem hay không?! Câu trả lời sẽ là: Không cần thiết!

Ban giám khảo khó tính của Vietnam's Next Top Model.

Với những vị giám khảo đáng kính trên, sau khi hành xử như vậy đều biện minh rằng để “động viên” thí sinh. Nhưng với những lời lẽ có thể nói là xúc phạm cá nhân như thế thì động cơ của giám khảo đã bị đảo ngược. Người chơi sẽ cảm thấy bị tổn thương, cảm thấy mình bất lực hay vô dụng. Những chương trình THTT, xét cho cùng cũng chỉ là một cuộc chơi, một trải nghiệm nhỏ trong cuộc sống nhưng sẽ để lại những ấn tượng không mấy đẹp đẽ với những thí sinh không may "nhận được" những lời nhận xét nghiêm khắc đến thô bạo từ phía giám khảo.

Mặt khác, một điều cần có ở những chương trình THTT là chuyển tải những gì chân thật nhất có thể. Nhưng dường như, những chương trình kiểu tìm kiếm tài năng được mua bản quyền như thế này lại không được áp dụng vào thực tế tài năng Việt. Nên chăng chính điều này, khiến chương trình thực tế ngày càng xa rời khán giả.

Thiết nghĩ một chương trình đi vào lòng người vẫn hơn là một chương trình khán giả xem mà cảm thấy xa lạ và phẫn nộ. Vẫn biết, cần tôn trọng bản quyền ở mỗi chương trình, nhưng tôn trọng một cách tuân thủ thì lại thể hiện ở sự thiếu sáng tạo.

Một điều không thể phủ nhận, khán giả Việt đang ngày càng bội thực với những chương trình thực tế nhảm và nhạt. Điển hình như MasterChef mặc dù lần đầu tiên phiên bản này xuất hiện trên sóng truyền hình Việt nhưng lại ít thu hút được sự quan tâm từ phía công chúng. Sự nặng về tuân theo kịch bản gốc cộng với những tình huống mang lối "diễn" quá nhiều của các thí sinh khiến khán giả cảm thấy bực. Không ít những màn “bỗng dưng khóc” một cách vô duyên của các thí sinh tưởng rằng gây hiệu ứng nhưng thực ra lại phản tác dụng.

Có lẽ những chương trình THTT cần cấp thiếp hơn nữa việc trả lời câu hỏi làm sao để đến được gần hơn với công chúng Việt?! Một thực tế đáng bàn nữa là sự không chịu đổi mới, nên nhiều chương trình chỉ thu hút được ở mùa đầu, còn những mùa sau thì rất nhạt nhòa. Còn về khán giả, thay vì họ được thưởng thức những chương trình của người Việt thì lại ngỡ ngàng vì những gì thể hiện trong gameshow ấy quá xa lạ với văn hóa người Việt!

L.Trang -  H.Anh

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

Phát hiện thêm 22 hang động mới ở Quảng Bình

(PetroTimes) - Đợt khảo sát tháng 3/2024, đoàn thám hiểm hang động Anh - Việt đã ghi nhận thêm 22 hang động mới và 3 hang động khảo sát bổ sung với tổng chiều dài 3.550m.