Trường sư phạm khó tuyển thí sinh giỏi

11:24 | 11/08/2017

600 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trái ngược với bức tranh tuyển sinh sôi động vào các trường công an, quân đội, y dược trong năm 2017 thì điểm chuẩn vào các trường sư phạm lại khá thấp, khiến dư luận xã hội lo lắng cho chất lượng của đội ngũ “trồng người”.  

Đầu vào thấp thê thảm

Năm nay, hai cơ sở đào tạo ngành sư phạm danh tiếng là ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh vẫn có điểm trúng tuyển vào top cao nhất nước cả nước. Cụ thể, với ĐH Sư phạm Hà Nội, ngành sư phạm Toán dạy bằng tiếng Anh có điểm chuẩn cao nhất là 27,75 điểm. Mức điểm chuẩn thấp nhất là 17 điểm đối với ngành Giáo dục công dân và Giáo dục quốc phòng - an ninh. ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh lấy điểm chuẩn cao nhất là ngành sư phạm Toán với 26,25 điểm và ngành thấp nhất là sư phạm tiếng Nga với 17,75 điểm.

So với mặt bằng điểm chuẩn trong nhóm ngành sư phạm, điểm chuẩn của 2 cơ sở đào tạo uy tín nhất cả nước này tương đối ổn định. Tuy nhiên, so với điểm chuẩn của một số ngành khác như: công an, quân đội, y dược, kinh tế thì khối trường sư phạm lại “lép vế”, nhất là các trường sư phạm địa phương.

truong su pham kho tuyen thi sinh gioi
Sinh viên Trường Sư phạm

Trong khi các ngành thuộc top, thí sinh 30 điểm vẫn trượt đại học thì khối trường sư phạm hạ điểm chuẩn “kịch sàn” vẫn không chiêu sinh đủ. Theo thống kê điểm chuẩn trúng tuyển của các trường sư phạm tại các địa phương cho thấy, đa phần các trường chỉ lấy điểm chuẩn bằng hoặc nhích hơn một chút so với điểm sàn của Bộ GD&ĐT quy định cho mùa tuyển sinh năm 2017 là 15,5 điểm.

Cụ thể, ĐH Hà Tĩnh lấy điểm chuẩn 15,5 cho tất cả ngành học, trừ sư phạm mầm non. ĐH Hồng Đức nằm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thì 10/10 ngành sư phạm thuộc hệ đại học của trường lấy điểm chuẩn xét theo kết quả thi THPT quốc gia là 15,5 điểm. ĐH Hùng Vương nằm trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có đến 8/10 ngành đào tạo sư phạm có mức trúng tuyển bằng điểm sàn là 15,5 điểm. ĐH Sư phạm - ĐH Huế dù lý giải có cách tính điểm riêng, nhưng với điểm chuẩn 12,5 điểm để vào trường cũng không khỏi khiến dư luận ngỡ ngàng.

Trong khi các ngành thuộc top, thí sinh 30 điểm vẫn trượt đại học thì khối trường sư phạm hạ điểm chuẩn “kịch sàn” vẫn không chiêu sinh đủ.

Thê thảm hơn là các trường CĐ sư phạm, điểm xét tuyển và xét học bạ chỉ trên 10 điểm là thí sinh có thể đỗ. Đơn cử như Trường CĐ Sư phạm Hải Dương, trong 16 chuyên ngành đào tạo của trường thì cả 16 chuyên ngành đều lấy điểm chuẩn là 10 điểm theo điểm thi THPT Quốc gia và 10,5 điểm theo diện xét tuyển học bạ.

Với số điểm đầu vào như vậy không khỏi khiến dư luận xã hội lo lắng về chất lượng đội ngũ giáo viên tương lai.

Không lẽ “chuột chạy cùng sào”?

Cứ thử so sánh sẽ thấy sự chênh lệch khá rõ giữa các trường công an, quân đội với ngành sư phạm. Thực tế, khối trường sư phạm lâm vào tình trạng này cũng là hệ lụy của nhiều yếu tố.

Với các trường thuộc khối công an, quân đội cánh cửa đầu vào rất hẹp, số lượng chỉ tiêu ít và được sàng lọc một cách gắt gao. Học viên tốt nghiệp ra trường đều được bố trí công việc ngay, với thu nhập cao hơn mức lương công chức thông thường… Với những yếu tố này, đương nhiên việc tranh để được một “vé” vào trường là khó.

Trong khi các trường sư phạm có số lượng đào tạo, cũng như chỉ tiêu vào các trường hằng năm khá lớn nên mức cạnh tranh vào không cao. Nếu như trước đây, sinh viên sư phạm ra trường cũng được sắp xếp nơi làm việc thì nay lại “tự bơi”, do số lượng sinh viên ra trường hằng năm lớn. Tình trạng sinh viên sư phạm phải vất vả đi xin việc, nhiều sinh viên phải đi vùng sâu, vùng xa mới có việc làm, một số khác lại phải đối mặt với vấn đề tiêu cực trong xin việc… Vất vả là vậy nhưng nhiều năm qua, câu chuyện chế độ đãi ngộ dành cho giáo viên vẫn chưa có hồi hết. Chưa kể đến việc trong tương lai có thể bỏ biên chế với giáo viên. Vì thế, các thí sinh không còn quá mặn mà với khối ngành sư phạm.

Lâu nay, Đảng và Nhà nước đã luôn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu thì nhiệm vụ của chúng là phải thực hiện quốc sách ấy. Đó không phải là thực hiện bằng khẩu hiệu, bằng lý thuyết mà phải chính bằng hành động thực tế. Đã đến lúc xã hội cần đánh giá mức độ đóng góp của ngành sư phạm để có sự phát triển vượt bậc, thu hút người tài, tâm huyết đi theo nghề để đào tạo một thế hệ tương lai có ý thức, có nhận thức đầy đủ hơn, đáp ứng nhu cầu và sự phát triển xã hội.

ĐBQH Phạm Tất Thắng - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội:

truong su pham kho tuyen thi sinh gioi

"Trước đây, khi chúng ta có chủ trương miễn học phí cho sinh viên sư phạm thì điểm của các trường sư phạm thuộc top cao nhất và chế độ đãi ngộ này trong nhiều năm đã giúp ngành sư phạm thuộc top các trường điểm. Sau đó, do những biến động về kinh tế xã hội, những chính sách ấy ở thời điểm này dường như không còn sức hấp dẫn. Việc này liên quan đến hoạch định chính sách. Có lẽ, một chính sách không nên áp dụng thời hiệu quá dài, mà phải phụ thuộc vào điều kiện kinh tế xã hội để thay đổi.

Sắp tới, muốn thu hút người tài cần phải làm cuộc cách mạng từ tuyển sinh, đào tạo cho tới sử dụng, chọn lọc và đãi ngộ. Nhất là phải thay đổi chế độ đãi ngộ cho giáo viên, vì hiện nay nhiều giáo viên vẫn phải “chân trong, chân ngoài” làm thêm kiếm sống. Nếu đáp ứng đủ các tiêu chí đó, tôi tin ngành sư phạm sẽ có những thí sinh tài giỏi thi tuyển vào ngành, vì đây này là một ngành đặc thù, gắn với sự nghiệp “trồng người”, họ sẽ là lớp người dạy dỗ các thế hệ mầm non tương lai của đất nước. Việc xét tuyển vào các trường sư phạm năm nay là một sự nhắc nhở với chúng ta, cần khẩn trương có những chính sách mới mạnh hơn để thu hút sinh viên giỏi vào các trường sư phạm”.

Huyền Anh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.