Trung Quốc và chiến thuật UAV tại Biển Đông

06:42 | 28/09/2013

1,113 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 17/9/2013, Bộ Quốc phòng Nhật tuyên bố họ có thể bắn hạ các máy bay không người lái (UAV) của Trung Quốc nếu tiếp tục xâm phạm bầu trời quần đảo Senkaku, như ngày 9/9/2013… Không chỉ là các hạm đội tàu chiến, Trung Quốc giờ đây còn tung UAV ra Biển Đông.

Tăng tốc đầu tư UAV

Trung Quốc đầu tư rất mạnh vào UAV vài năm gần đây. Tại cuộc triển lãm hàng không Chu Hải tháng 11/2012, số UAV được trưng bày giới thiệu “nhiều đến mức không thể đếm được” - theo cách nói của Defense News (30/4/2013), so với vài chiếc trong cuộc triển lãm 6 năm trước. Sự phát triển UAV Trung Quốc đã hiện diện trong báo cáo “The Role of Autonomy in DoD Systems” của Ban Khoa học Quốc phòng thuộc Lầu Năm Góc công bố tháng 10/2012 như một cảnh báo mang tính đe dọa. Báo cáo có đoạn rằng, đầu tư UAV mà Trung Quốc đang thực hiện “đạt tương đương hoặc nhỉnh hơn ngân sách Mỹ, với sự tiếp cận nhanh và rút ngắn khoảng cách kỹ thuật và trở thành một đối thủ cạnh tranh toàn cầu đáng sợ”.

Lần đầu tiên Trung Quốc “khoe” UAV tự chế một cách chính thức là vào tháng 10/2009, trong cuộc diễu hành nhân Quốc khánh. Từ đó đến nay, Trung Quốc có thể có ít nhất 280 UAV - theo nghiên cứu của Viện Project 2049 (Mỹ). Tập đoàn Xuất - nhập khẩu kỹ thuật hàng không quốc gia Trung Quốc (CATIC) đã tung loạt UAV dòng ASN, trong đó có ASN-15 nhỏ gọn tương tự loại RQ-11 Raven của Mỹ; ASN-209 to hơn (tương tự loại ScanEagle của Mỹ) có thể bay 20 tiếng ở độ cao tầm trung (ASN-209 đã tham gia cuộc tập trận tại Biển Đông năm 2011). Năm 2012, loại UAV cất cánh thẳng đứng SVU-200 đã bay thực hiện chuyến bay đầu tiên; và trực thăng không người lái V750 mới đây cũng được đưa vào phục vụ…

Quân đội Trung Quốc phô diễn tiềm lực UAV

Với “năng lực sản xuất dư thừa”, Trung Quốc thậm chí đang nhắm đến việc xuất khẩu UAV. So với giá khoảng 4,5 triệu USD một chiếc Predator hay 10-30 triệu USD một chiếc Reaper (mà nước nhập khẩu phải trải qua loạt hàng rào thủ tục nhiêu khê phức tạp của Mỹ), một chiếc UAV Trung Quốc “có hiệu năng tương đương” với giá không đến 1 triệu USD rõ ràng là quá rẻ. Tại cuộc triển lãm hàng không Singapore (tháng 2/2012), công ty Trung Quốc Yotaisc đã mang đến chào hàng chiếc X200, loại UAV có thể cất cánh thẳng đứng. Đại diện Yotaisc cho biết, X200 có thể bay hoàn toàn tự động và là một trong những mẫu UAV trực thăng lớn nhất của Trung Quốc. Yotaisc nói thêm, họ có ba phiên bản và nhiều quốc gia lẫn công ty nước ngoài “đang tìm cách mua”. Mang theo 100kg, bay ở độ cao 5.000m, với vận tốc tối đa 212km/giờ, X200 có thể phục vụ công tác do thám, chụp ảnh đa phổ…

Giữa năm 2013, theo China Daily (20/6/2013), cũng có “ít nhất 5 nước đang thương lượng với Trung Quốc” việc mua UAV Dực Long (Wing Loong). Theo CATIC, Dực Long được phát triển “hoàn toàn độc lập” bằng trình độ kỹ thuật của nội lực Trung Quốc, với dự án bắt đầu vào năm 2005, được chuẩn y xuất khẩu tháng 6/2006, bay thử đầu tiên năm 2007, trưng bày tại Triển lãm hàng không Chu Hải năm 2008, tham gia Paris Air Show 2012, nơi nó “thu hút sự chú ý hết mực của giới đam mê hàng không và giới quan sát nước ngoài”…

Trong thực tế, trình độ công nghệ UAV Trung Quốc vẫn chưa thể bắt kịp Mỹ hay Israel. Trung Quốc bắt đầu nghiên cứu - phát triển UAV vào thập niên 60 của thế kỷ trước, dựa vào mẫu UAV Ryan Firebee của Mỹ bị bắn rơi trong cuộc chiến Việt Nam. Năm 1972, Trung Quốc bắt đầu sản xuất UAV WuZhen-5; và dùng nó thực hiện công tác do thám năm 1979. Thập niên 90, họ mua 100 chiếc UAV Harpy của Israel để “nghiên cứu” (sau này, dưới sức ép Mỹ, Israel đã không nâng cấp Harpy theo yêu cầu Trung Quốc). Đến nay, dù Trung Quốc đã tiến một chặng khá xa so với cách đây vài thập niên nhưng thật khó có thể tin nước này thiết kế UAV bằng chính chất xám của mình.

Hầu hết các loại UAV nổi bật sản xuất ở Trung Quốc đều có thiết kế hệt của Mỹ hoặc châu Âu: chiếc Ẩn Kiếm giống Avenger; Dực Long giống Reaper; Tường Long (Xiang Long BZK-005) giống Global Hawk; trong khi UAV tàng hình Lợi Kiếm (Lijian) vừa giống chiếc “nEUROn” của Tập đoàn Dassault vừa giống X-47B của Northrop Grumman… Được sản xuất từ Tập đoàn Hàng không Hồng Đô ở Nam Xương (Giang Tây), Lợi Kiếm lần đầu tiên được giới quân sự thế giới biết đến là do tấm ảnh “rò rỉ” lên mạng ngày 14/5/2013. Dựa vào tấm ảnh “rò rỉ”, một chuyên gia quân sự Trung Quốc nói rằng Lợi Kiếm sử dụng động cơ RD-93 nhập từ Nga, tương tự động cơ của máy bay chiến đấu Kiêu Long (JF-17 Xiaolong; hợp tác sản xuất với Pakistan), có nghĩa nó bay rất khỏe.

Với bán kính hoạt động 4.000km - theo China Aviation News (20/5/2013), Lợi Kiếm có thể tấn công bất kỳ mục tiêu nào ở Tây Thái Bình Dương, “có thể được triển khai hoạt động ở eo biển Đài Loan, Biển Đông, trong một chiến dịch đánh Mỹ, Nhật, Đài Loan, Việt Nam hoặc Philippines”! Tờ Global Times (21/6/2013) cho biết, Lợi Kiếm, sử dụng hệ thống định vị toàn cầu Bắc Đẩu, “có khả năng tấn công chính xác các mục tiêu phía sau phòng tuyến kẻ thù và có thể tác chiến từ boong hàng không mẫu hạm”.

Sự giống nhau giữa các mẫu thiết kế UAV Trung Quốc khi so với phương Tây ít nhất cũng cho thấy rằng, họ đã sao chép ít nhiều trong quá trình nghiên cứu chế tạo, nhờ vào loạt chiến dịch đánh cắp bằng kỹ thuật tin tặc, trong đó có một chiến dịch mà họ thực hiện ráo riết từ “căn cứ” ở Thượng Hải. “Tôi tin rằng đây là chiến dịch lớn nhất của Trung Quốc mà chúng ta từng thấy, khi họ tập trung mạnh vào kỹ thuật thiết bị quân sự không người lái” - phát biểu của Darien Kindlund, giám đốc bộ phận hiểm họa an ninh tình báo thuộc Công ty FireEye tại California (New York Times 20/9/2013). Chiến dịch đánh cắp kỹ thuật công nghệ UAV của Trung Quốc được FireEye gọi là Beebus. Kết luận của FireEye cũng trùng với khảo sát của nhóm kỹ sư an ninh mạng AlienVault Labs (Mỹ).

Cụ thể, năm 2011, loạt e-mail mang nội dung liên quan kỹ thuật quân sự, ở định dạng PDF lẫn Word, đã bất ngờ được gửi đến nhiều công ty sản xuất UAV của Mỹ. Tiêu đề các thư đều có vẻ bình thường, chẳng hạn “dodd-frank-conflict-minerals.doc”, “Boeing_Current_Market_Outlook_2011_to_2030.pdf” hoặc “April Is the Cruelest Month.pdf”… nhưng chúng lại được cài malware! Điều tra sau đó cho thấy chúng được gửi từ nhóm hacker Thượng Hải. Trong 261 vụ tấn công bị phát hiện, 123 vụ là nhằm vào các công ty UAV Mỹ…

UAV Trung Quốc và Biển Đông

Trung Quốc không e ngại khi nói rằng, UAV sẽ là một trong những phương tiện - vũ khí được sử dụng mạnh tại Biển Đông, đặc biệt tại các khu vực tranh chấp. Tháng 1/2013, tướng hưu Bành Quốc Cường (Peng Guoqian) trả lời giới truyền thông Trung Quốc rằng UAV “đang được dùng để chụp ảnh và thực hiện công tác do thám tại khu vực quần đảo Điếu Ngư” (AP 3/5/2013). Vai trò chiến lược tăng dần của UAV Trung Quốc đã thể hiện ở một sự kiện vào năm 2011, khi họ dùng UAV bắn chết một trùm ma túy Tam Giác Vàng dính dáng vụ giết 13 thủy thủ Trung Quốc. Nói về chiến lược UAV Trung Quốc tại Biển Đông, Ian Easton thuộc Viện Project 2049 nhận xét: “Tôi cho rằng đây thật ra chỉ là sự khởi đầu của một khuynh hướng rộng hơn nhiều mà chúng ta sẽ thấy, về việc Trung Quốc tăng cường khả năng giám sát Biển Đông và Tây Thái Bình Dương, ở phạm vi vượt khỏi vùng biển Philippines, cũng như nhằm tăng cường phạm vi hoạt động tấn công trong các cuộc hải chiến tương lai”.

Không như UAV Mỹ “không được thiết kế để tác chiến ở không phận hẹp hoặc vùng trời bị khước từ”, UAV Trung Quốc lại được thiết kế với phương thức hoạt động ngược lại, đặc biệt dùng để theo dõi và thậm chí tham chiến tại Biển Đông. “Nó (UAV) là công cụ rất hữu dụng để bảo vệ chủ quyền biển” - tướng hưu Từ Quang Vũ (Xu Guangyu; Giám đốc Hiệp hội giải trừ quân bị và kiểm soát vũ khí Trung Quốc) phát biểu - “Trung Quốc sẽ dần mở rộng sử dụng UAV tại khu vực này”. Ian Easton, người từng nghiên cứu hơn 100 chuyên san kỹ thuật quân sự in tại Hoa lục bằng tiếng Hoa, nói rằng, một số sĩ quan quân đội Trung Quốc thậm chí đã nghĩ đến việc sử dụng “bầy” UAV để tiêu diệt hàng không mẫu hạm Mỹ (US News & World Report 14/3/2013)!

Theo The Diplomat (2/3/2013), Trung Quốc đang xây dựng hai căn cứ UAV để giám sát khu vực Hoàng Hải và vịnh Bột Hải; trong khi Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc tuyên bố vào tháng 8/2012 rằng, họ sẽ lập 11 căn cứ UAV tại mỗi tỉnh duyên hải của mình… Rõ ràng UAV quân sự đang được Trung Quốc sử dụng như một công cụ để tăng cường sức mạnh hải quân, với tham vọng tạo ra thế vượt trội so với lực lượng các nước láng giềng. Điều này càng khiến cục diện an ninh khu vực thêm phần phức tạp. Một cuộc chạy đua đầu tư UAV, như một phản ứng tự vệ đối phó với Trung Quốc là những gì đang diễn ra tại châu Á…

Mạnh Kim