Về cuộc gặp giữa Tập Cận Bình và Obama:

Trung Quốc sẽ 'vỡ mộng'?

09:16 | 20/09/2015

7,214 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Về cơ bản, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung sẽ không thể mang lại cho Bắc Kinh các kết quả mà họ muốn nhất. Nói cách khác, Mỹ sẽ khiến Trung Quốc “vỡ mộng”

trung quoc se vo mong

Trung Quốc trở mặt với Venezuela?

Giữa lúc những trợ giúp từ Nga và Cuba giảm do các nước này đang gặp khó khăn về kinh tế, tình hình khủng hoảng tại Venezuela như được làm sâu sắc hơn bởi quyết định của Trung Quốc.

Nhà phân tích Elizabeth C. Economy của Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ (CFR) nhận định, mặc dù trong chuyến thăm Mỹ sắp tới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai nước có thể đạt được một vài kết quả đáng kể về hợp tác khí hậu, hoặc một số tiến bộ trong quan hệ quân sự song phương.

Nhưng về cơ bản, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung sẽ không thể mang lại cho Bắc Kinh các kết quả mà họ muốn nhất. Nói cách khác, Mỹ sẽ khiến Trung Quốc “vỡ mộng”.

Theo bà Economy, những gì mà Trung Quốc mong muốn đạt được nhất qua cuộc hội ngộ lần thứ 4 giữa ông Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama có thể gói gọn trong 3 vấn đề: Công nhận một trật tự quốc tế mới, Tôn trọng hệ thống chính trị của Trung Quốc và cuối cùng là chấp nhận những ưu tiên an ninh của Trung Quốc.

Các học giả và quan chức Trung Quốc gần đây vẫn thường nói về một trật tự quốc tế mới. Hiện chưa rõ ý nghĩa chính xác của điều này là gì nhưng có thể thấy họ đang có niềm tin rằng, Trung Quốc đang trên đà khẳng định vai trò cân bằng với Mỹ từ việc bảo đảm an ninh, thiết lập các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, dù là trong bối cảnh một thế giới lưỡng cực hay đa cực.

Đối với một số người Trung Quốc, trật tự quốc tế mới đó được phản ánh trong các sáng kiến của Bắc Kinh như “Một vành đai, một con đường”, mà theo đó, Trung Quốc sẽ kết nối với phần còn lại của thế giới (chủ yếu là châu Á, châu Âu, châu Phi) thông qua một hệ thống giao thông vận tải, công nghệ, cơ sở hạ tầng và năng lượng khổng lồ, do Trung Quốc - với hầu bao rủng rỉnh hỗ trợ. Bắc Kinh kỳ vọng “quyền lực mềm” của mình cũng sẽ lan tỏa ở bất cứ nơi nào “một vành đai, một con đường” đi qua.

trung quoc se vo mong
Tổng thống Mỹ Bacrack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Những người khác thì lại đề cập tới một cấu trúc lưỡng cực rõ ràng hơn trong quản trị toàn cầu, dựa trên ý tưởng Mỹ và Trung Quốc là hai quốc gia lớn nhất trên thế giới. “Sự mơ mộng” này bắt nguồn từ các cuộc thảo luận “G-2” tay bo giữa nhà lãnh đạo 2 nước, bàn về “mối quan hệ mới giữa những cường quốc”, cũng như niềm tin “mối quan hệ Mỹ - Trung là mối quan hệ song phương quan trọng bậc nhất trên thế giới”.

Trong khi đó, chính quyền Obama rõ ràng là nghiêng về phía ý kiến cho rằng vai trò toàn cầu và tầm quan trọng của Trung Quốc đang gia tăng và hợp tác Mỹ - Trung có thể là một lực lượng tích cực cho hệ thống toàn cầu rộng lớn hơn, chứ không phải là thừa nhận Trung Quốc đã ngang cơ Mỹ.

Về vấn đề tôn trọng đối với hệ thống chính trị của Trung Quốc, các quan chức Bắc Kinh lâu nay vẫn lo ngại rằng Mỹ tìm cách phá hoại hệ thống chính trị của Trung Quốc, cũng như sự lãnh đạo của Đảng cộng sản. Trong khi đó, Mỹ không có ý định nêu ra, hoặc nói là sẽ làm như vậy, mặc dù nói một cách công bằng thì hệ thống chính trị của Trung Quốc là một trọng tâm trong chính sách của Mỹ và là nguồn gốc của các cuộc tranh luận đáng kể trong lãnh thổ Hoa Kỳ.

Chắc chắn, mọi thành phần trong xã hội Mỹ đều quan tâm đến những bước tiến của Trung Quốc trong quá trình cải cách chính trị, cải cách các quy định pháp luật…  theo hướng minh bạch hơn. Những tiến bộ này không chỉ phục vụ lợi ích của chính phủ Trung Quốc mà còn là lợi ích của các doanh nghiệp Mỹ và các lực lượng khác tham gia sâu sắc vào quan hệ đối tác với chính phủ Trung Quốc.

Cuối cùng, không thể không nói đến vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và biển Hoa Đông - các vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố là “lợi ích cốt lõi” và “ưu tiên an ninh” của mình, đồng thời là một trong những vấn đề thường xuyên nằm trong các chương trình nghị sự Mỹ - Trung những năm gần đây.

Phía Trung Quốc luôn bất mãn và khó chịu với Hoa Kỳ vì 3 vấn đề:

Thứ nhất, Mỹ không công nhận yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở các vùng biển này, đặc biệt, Washington đã nhiều lần phản bác bản đồ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc là mập mờ, không có cơ sở và trái với luật pháp quốc tế hiện hành.

Thứ hai, Mỹ cam kết sẽ luôn sát cánh bên các đồng minh và đối tác của mình trong khu vực, trong khi đó, cả 2 đồng minh thân cận của Mỹ là Nhật Bản và Philippines đều đang có tranh chấp trực tiếp gay gắt với Trung Quốc ở biển Hoa Đông và Biển Đông.

Thứ ba, Mỹ luôn giương cao ngọn cờ bảo vệ tự do hàng hải, hàng không trên các vùng biển này để làm cơ sở cho các tuyên bố và hành động mà Bắc Kinh cho là “ngáng chân” họ. Từ việc cho máy bay B-52 bay vào vùng nhận diện phòng không (ADIZ) mà Trung Quốc đã đơn phương thiết lập từ tháng 12-2014 trên biển Hoa Đông, đến việc điều máy bay trinh sát P-8A Poseidon giám sát các hoạt động bồi đắp, xây đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc ở khu vực quần đảo Trường Sa. 

Đặc biệt, đối với việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo trái phép ở Trường Sa, Hoa Kỳ tỏ ra quan ngại cực kỳ sâu sắc. Washington đã nhiều lần báo động về quy mô rộng lớn và tốc độ san lấp nhanh chưa từng có, cũng như ý đồ quân sự hóa của Trung Quốc ở khu vực này. Washington cũng đã hối thúc Bắc Kinh ngừng ngay các hoạt động trong khu vực và sớm cùng ASEAN đạt được Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

Bản thân Bắc Kinh hồi tháng 8 cũng đã khẳng định đã ngừng việc cải tạo đất, nhưng  các bức ảnh vệ tinh được chụp ngày 7-9 do Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) tại Washington công bố lại cho thấy Trung Quốc đang san phẳng nền đất để phục vụ việc xây dựng một đường băng tại bãi đá Su Bi, thuộc quần đảo Trường Sa.

Trên bãi Đá Vành Khăn, Trung Quốc cũng san lấp một khu vực dài khoảng 3.000m - một tiến trình y hệt như những gì Trung Quốc đã làm trước đó tại bãi Su Bi và đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) - nơi một sân bay đã được hoàn thành. Rõ ràng, một bên dọa cứ dọa, một bên làm vẫn làm.

Do đó, Biển Đông chắc chắn sẽ là một trong những vấn đề gai góc được đề cập trong cuộc gặp giữa Tổng thống Obama và ông Tập Cận Bình. Tuy nhiên, cả hai bên đều khó có khả năng đạt được những gì mà họ mong muốn trong vấn đề này, bởi tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc là bất biến và Mỹ nếu chỉ đe dọa suông mà không có hành động cứng rắn hơn thì cũng không ngăn cản được Bắc Kinh.

 

Linh Phương

Năng lượng Mới số 457