Trung Quốc sẽ còn bao nhiêu vụ Thiên Tân nữa?

14:00 | 23/08/2015

1,467 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc quản lý lỏng lẻo những loại vật liệu độc hại ở Trung Quốc có thể sẽ khiến nước này phải gánh chịu nhiều thảm họa như vụ Thiên Tân nữa.
36-thienthan
Vụ nổ các kho hóa chất tại Thiên Tân, Trung Quốc ngày 12/8

Chỉ vài ngày sau vụ nổ các khoa hóa chất ở Thiên Tân ở miền bắc làm ít nhất 121 người chết, hàng trăm người bị thương và hơn 50 người mất tích, tối ngày 22/8 lại xảy ra một vụ nổ hóa chất khác ở Sơn Đông, miền đông Trung Quốc. Những nghi vấn đối với việc Trung Quốc chấp hành các luật lệ quản lý những loại vật liệu độc hại đang ngày càng trở nên rõ ràng.

Kết quả một cuộc thanh tra vừa được giới truyền thông Trung Quốc thông báo ngày 21/8, gần 70% nhà máy có sử dụng hóa chất độc hại ở Bắc Kinh đều không đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn.

Theo nguồn tin từ Cục an toàn lao động Trung Quốc, tại 124 cơ sở ở Bắc Kinh được thanh tra, 85 cơ sở mang nhiều rủi ro. Hai trong số này đã bị yêu cầu đóng cửa vì không tuân thủ tiêu chuẩn về an toàn.

Theo tuyên bố của Phó chủ tịch Cục an toàn lao động, “những doanh nghiệp nào chưa đáp ứng được các yêu cầu thanh tra được đề nghị ngưng tạm hoạt động và các kho hàng được đặt dưới sự giám sát chặt chẽ 24/24”.

Đặc biệt trong số các doanh nghiệp bị điểm mặt, các thanh tra còn phát hiện nhân viên an toàn tại chi nhánh Bắc Kinh của Tập đoàn hóa dầu Sinopec không nắm rõ quy trình dập tắt hỏa hoạn tại các thùng chứa dầu. Thanh tra còn nhận thấy nhân viên hút thuốc tại các khu nhà ở nằm gần kho dầu.

Chính thảm họa công nghiệp Thiên Tân, cảng biển lớn hàng thứ 10 trên thế giới, đã buộc chính quyền Bắc Kinh tiến hành đợt thanh tra an toàn công nghiệp trên toàn quốc. Nguyên nhân vụ nổ tai Thiên Tân đã được chính quyền khẳng định là do 700 tấn chất nitrat xyanua được cất trữ trong kho. Nằm cách Bắc Kinh 200 km, Thiên Tân là cửa ngõ để vào các vùng đông-bắc Trung Quốc.

Vụ nổ Thiên Tân còn làm phát sinh những mối lo ngại về việc vi phạm các tiêu chuẩn an toàn, từ xét nghiệm và ghi vào hồ sơ các loại hoá chất cho tới cách thức niêm phong, vận chuyển và tồn trữ những vật liệu nguy hiểm.

Theo các chuyên gia trong công nghiệp hóa chất, có những qui định nghiêm ngặt cho mỗi loại hoá chất độc hại, tuỳ thuộc vào mức độ rủi ro. Một số hoá chất phải được giữ ở những nhiệt độ nhất định và tránh những nơi ẩm thấp. Một số hoá chất thậm chí phải cất giữ ở những cơ sở dưới lòng đất.

Các giới chức chính phủ Trung Quốc trong các cuộc họp gần đây đã ngần ngại không muốn qui trách nhiệm cho ai và thậm chí còn không trả lời những câu hỏi cơ bản về những qui định pháp lý trong công nghiệp hoá chất, mặc dù các nhà báo không ngớt nêu ra những câu hỏi như làm thế nào mà công ty Thuỵ Hải được phép hoạt động tại một nơi cách khu vực dân cư chỉ có một kilomét, trái với các luật lệ quốc gia về phân chia khu vực.

Các giới chức xác nhận 700 tấn sodium cyanide đã được tồn trữ tại hiện trường vụ nổ, nhưng họ không nói gì nhiều về việc làm như vậy là vi phạm các tiêu chuẩn, trong đó có qui định là chỉ được tồn trữ 10 tấn ở một nơi. Họ viện lý do là cuộc điều tra đang tiến hành để từ chối bình luận.

Các nhà phân tích cho biết vì là một khu kinh tế mới được thiết lập năm 2009, Khu Tân Hải Mới, nơi xảy ra vụ nổ, là nơi áp dụng những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về xử lý hoá chất độc hại; nhưng vấn đề ở đây là những qui định an toàn có được chấp hành một cách nghiêm chỉnh hay không.

Truyền thông nhà nước cho biết công ty Thuỵ Hải, điều hành nhà kho, đã không có giấy phép hợp lệ để điều hành nhà kho chứa hoá chất độc hại từ tháng 10 năm ngoái cho tới tháng 6 năm nay.

Những sự vi phạm tiêu chuẩn an toàn cũng được báo cáo trong quá khứ. Các nhà phân tích nói rằng bên cạnh vấn đề giấy phép, việc huấn luyện cho những nhân viên xử lý những hoá chất như vậy và cơ sở tồn trữ cũng là những vấn đề rất hệ trọng.

Mối lo ngại của công chúng tiếp tục gia tăng sau những vụ nổ, không những về sự phát tán của các chất độc hại trong không khí và nước, mà còn về những nhà kho tương tự và khoảng cách của những nhà kho đó với khu vực dân cư.

Trong vài năm gần đây, dân chúng Trung Quốc đã trở nên mạnh dạn hơn trong việc bày tỏ sự chống đối và phong trào “không được xây những cơ sở nguy hiểm gần nhà tôi” đã bắt đầu hình thành..

Sau những vụ nổ này, ngành kho bãi sẽ bị soi xét nhiều hơn. Trước đây những vụ chống đối và phản kháng thường tập trung vào những nhà máy hoá chất. Từ giờ trở đi, người dân sẽ chú ý nhiều hơn tới vấn đề tồn trữ các loại hoá chất.

Chất độc ở Trung Quốc lan sang các nước láng giềng?
Trung Quốc bắt hàng loạt giới chức liên quan đến vụ nổ ở Thiên Tân
Có thể xử lý thảm họa tràn hóa chất trong vụ nổ Thiên Tân như thế nào?
Mưa chất độc tại Thiên Tân

Nh.Thạch

Năng lượng Mới

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc