Trung Quốc giương móng vuốt trong tranh chấp Biển Ðông
Hộ tống hạm Hải Quân Trung Quốc mắc cạn gần bãi đá ngầm Half Moon Shoal, cách bờ biển Philippines 70 hải lý về phía Tây và trong vùng lãnh hải đặc quyền kinh tế của Philippines ngày 14/7
Nhưng biến chuyển trong mấy tháng gần đây cho thấy chủ trương thứ hai không còn được chú trọng với những hành động khiêu khích và gây hấn ngày càng gia tăng. Ngoài ra Trung Quốc tìm cách gây chia rẽ khối ASEAN bằng cách mua chuộc ảnh hưởng một vài nước thành viên.
Thái độ cứng rắn dần dần của Trung Quốc trước hết có thể nhận thấy qua các cơ quan truyền thông của họ. Nhiều báo chí nhà nước Trung Quốc lập luận rằng chủ quyền, quyền hàng hải và lợi ích của nước họ đang bị xâm phạm bởi các quốc gia Ðông Nam Á và Nhật Bản. Do đó Trung Quốc cần phải mạnh mẽ xác định và bảo vệ quyền lợi của mình hơn, gia tăng hiện diện quân sự trong vùng biển tranh chấp và nếu cần chuẩn bị sẵn những biện pháp răn đe các nước này.
Bài bình luận trên một tờ báo phe diều hâu Trung Quốc viết: “Hợp tác phải trong sự thành thật, cạnh tranh phải mạnh mẽ và đương đầu phải dứt khoát”.
Cũng theo lập luận của Trung Quốc, trong khi họ kiềm chế thì những nước như Việt Nam và Philippines lại tiếp tục “khiêu khích” và “hành động bất hợp pháp” chiếm đoạt tài nguyên dầu lửa và hải sản mà Trung Quốc coi là của mình.
Một lập luận nữa của Trung Quốc là Hà Nội và Manila muốn lôi kéo Mỹ xen lấn vào Biển Ðông.
Hành động đáng kể nhất của Trung Quốc mới đây là thành lập thành phố Tam Sa và nâng cấp quy chế hành chính lên thành một khu vực bao trùm cả Hoàng Sa và Trường Sa.
Trung Quốc đã mặc nhiên sử dụng Hoàng Sa như là một đầu cầu cho những hành động khiêu khích và gây hấn của mình gần đây. Hoạt động của các tàu Trung Quốc, dân sự cũng như quân sự, càng ngày càng gia tăng.
Cuối tháng 7, Trung Quốc loan báo đưa 30 tàu đánh cá đến hoạt động ở vùng biển Trường Sa và từ tháng 8 cho biết hơn 20.000 tàu sẽ ra đánh cá trên Biển Ðông.
Từ cuối tháng 6 vừa qua, Bộ Quốc Phòng Trung Quốc đã loan báo khởi sự những cuộc tuần tiễu trong tư thế “sẵn sàng chiến đấu” trên Biển Ðông.
Ngày 14/7, một hộ tống hạm Hải Quân Trung Quốc mắc cạn gần bãi đá ngầm Half Moon Shoal, cách bờ biển Philippines 70 hải lý về phía Tây và trong vùng lãnh hải đặc quyền kinh tế của Philippines. Chỉ trong vòng 24 giờ chiến hạm này được kéo ra, chứng tỏ là nhiều tàu Hải Quân Trung Quốc có mặt trong vùng, một bằng chứng hiển nhiên của sự gia tăng hoạt động quân sự ở khu vực này trên Biển Ðông.
Chủ quyền biển theo “đường 9 đoạn” (Lưỡi Bò) mà Trung Quốc vẫn tuyên bố, thật ra không có một giá trị pháp lý gì. UNCLOS (Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982) không thừa nhận những đòi hỏi về lãnh hải “dựa trên yếu tố lịch sử”. Tuy vậy Trung Quốc vẫn ngang nhiên cho gọi thầu khai thác dầu khí ở 9 lô thuộc chủ quyền biển của Việt Nam. Người ta không tin là các công ty quốc tế lớn sẽ tham gia nhưng có thể những công ty nhỏ sẽ nhập cuộc kiếm lợi với sự ưu đãi của Trung Quốc.
Cho đến bây giờ các giới phân tích vẫn cho rằng triển vọng chiến tranh trên Biển Ðông hãy còn là xa vời. Tuy nhiên nếu Trung Quốc làm quá, xung đột khó tránh khỏi.
Tại hội nghị ASEAN ở Phnom Penh vừa qua, lần đầu tiên Trung Quốc đã dùng ảnh hưởng của mình ngăn chặn sự can dự chung của cả khối ASEAN vào tranh chấp trên Biển Ðông vì lập trường của Trung Quốc đến nay vẫn là chỉ thương lượng song phương giữa hai quốc gia liên hệ.
Tờ Global Times, một tờ báo có quan điểm của phái diều hâu và khuynh hướng dân tộc cực đoan coi thất bại không đưa ra được một thông cáo chung của hội nghị Phnom Penh là “thắng lợi của Trung Quốc” vì ASEAN không phải là chỗ để thảo luận các vấn đề này.
Ít ngày sau, ngoại trưởng Indonesia mở chuyến đi vận động qua 5 nước với kết quả tất cả ngoại trưởng các quốc gia Ðông Nam Á đồng ý đưa ra “Tuyên bố 6 điểm nguyên tắc về Biển Ðông”. Sáu điểm này thật ra không là một bước tiến gì mới và quan trọng mà chỉ là xác nhận về sự đồng thuận trong ASEAN đối với vấn đề Biển Ðông. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc tuyên bố có thể thảo luận với ASEAN để thực thi “Tuyên bố Ứng xử Biển Ðông 2002” (DOC). Nhưng “Quy tắc Ứng Xử” (COC), quy định cụ thể hơn mà ASEAN muốn có, trong đó Việt Nam và Philippines là hai quốc gia nhiệt thành thúc đẩy nhất, có lẽ sẽ còn lâu mới đạt được. Hiện nay chưa có một lịch trình nào được thỏa thuận giữa ASEAN và Trung Quốc về bàn thảo COC.
Sự đoàn kết và thống nhất của ASEAN được xem là yếu tố then chốt cho việc giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Biển Ðông. Nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày thành thành lập tổ chức này, Indonesia, Việt Nam, Malaysia, Philippines đã là những nước mạnh mẽ cổ vũ chủ trương ấy.
Cuối cùng người ta khó có thể dự đoán sau một loạt những hoạt động vừa qua và hiện nay trên Biển Ðông, sắp tới Trung Quốc sẽ còn tiến đến những gì khác, đặc biệt là vào thời điểm sắp có việc chuyển giao quyền lực trong giới lãnh đạo cấp cao ở nước này.
Th.Long (Theo AFP)