Trở lại với chữ Chệch

14:45 | 13/06/2015

|
Bạn đọc: Sau bài “Chệch chứ không phải Chệc hay Chệt” của ông trên Báo Năng lượng Mới số 426, có người ký tên là Duc Duong Cong đã bình luận: “Ngôn ngữ nào cũng có bất quy tắc, người biết vài ngoại ngữ sẽ thấy việc này. Cho nên viết Chệt chưa hẳn đã sai. Một khi đã được thừa nhận hàng trăm năm và thể hiện được tính riêng biệt của nó thì sẽ thành đúng. Ngôn ngữ có tính bất quy tắc và sự thú vị như thế”. Xin ông cho biết ý kiến về lời bình luận này. Xin cảm ơn. Nguyễn Trung Chánh (Đakao, TPHCM)

Năng lượng Mới số 430

Học giả An Chi: “Bất quy tắc” vốn không phải là một khái niệm ngữ pháp của tiếng Việt. Đây là một khái niệm mà người Việt Nam biết đến qua tiếng Pháp, rồi sau này là tiếng Anh. Trong tiếng Pháp, đó là “irrégulier” (tính từ), “irrégularité” (danh từ); trong tiếng Anh, đó là “irregular” (tính từ), irregularity (danh từ). Tuy hiện tượng bất quy tắc có thể thấy ở một vài từ loại nhưng trong hai ngôn ngữ này, ta thấy nói đến nhiều nhất là ở từ loại động từ.

Tiếng Pháp có gần 8.000 động từ (có nguồn ghi con số mới nhất là gần 9.000) mà tuyệt đại đa số là những động từ hợp quy tắc (verbes réguliers) thuộc nhóm thứ nhất (premier groupe) và nhóm thứ hai (deuxième groupe). “Khó nhai” hơn là những động từ bất quy tắc (verbes irréguliers) thuộc nhóm thứ ba (troisième groupe). Trong số 1.000 động từ thường dùng thì động từ bất quy tắc chiếm đến 1/3. Nhưng dù có nhiều đến thế, những động từ bất quy tắc này cũng đã có “khuôn mẫu” sẵn mà người dùng có thể tham khảo một cách dễ dàng, ngày nay gọi là “conjugueur”, mà nghĩa chính xác là “máy chia”, tức là bảng/sách chia động từ. Conjugueur đầu tiên của tiếng Pháp là quyển Bescherelle của Louis-Nicolas Bescherelle, ra đời vào giữa thế kỷ XIX. Còn bây giờ thì conjugueur trên mạng có thể giúp ta trong vài giây (nếu đường truyền không chạy cà rịch cà tang!).

Tiếng Anh có khoảng 200 (có nguồn ghi 212) động từ bất quy tắc (irregular verbs), mà hai động từ quen thuộc nhất chính là “to be” (là) và “to have” (có). Ta cũng có thể tìm cách chia một cách không khó khăn gì trong từ điển, chưa kể đến conjugueur, mà tiếng Anh là “conjugator”. Tiếng Tây ban Nha cũng có conjugueur cho động từ, gọi là “conjugador”. Trong một số ngôn ngữ Ấn - Âu khác, người ta cũng có làm “máy chia”.

Thế là trong một số ngôn ngữ Ấn - Âu, hiện tượng bất quy tắc đã xảy ra trong phạm vi một vài từ loại, đặc biệt là từ loại động từ, mà tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Ý, Bồ Đào Nha, Nga, v.v… đều có. Nhưng đây chỉ là những hiện tượng cục bộ trong từng ngôn ngữ đó chứ nói như Duc Duong Cong rằng “ngôn ngữ có tính bất quy tắc” thì hoàn toàn sai. Nếu ngôn ngữ mà “bất quy tắc” thì sẽ không thú vị đâu vì sự giao tiếp sẽ hỗn loạn.

Duc Duong Cong cũng không đúng khi liệt chữ “chệt” vào phạm trù “bất quy tắc” rồi ngay sau mệnh đề “viết Chệt chưa hẳn đã sai” thì lại khẳng định tiếp rằng “một khi đã được thừa nhận hàng trăm năm và thể hiện được tính riêng biệt của nó thì sẽ thành đúng”. Thực ra, chuyện này không liên quan gì đến hiện tượng bất quy tắc cả còn những trường hợp mà Duc Duong Cong nói đến (một cách chung chung) chỉ là hệ quả của từ nguyên dân gian mà thôi. Xin nêu mấy thí dụ trong tiếng Pháp.

Thành ngữ “être en nage” là ướt đẫm mồ hôi. Nhưng hình thái gốc của nó chẳng liên quan gì đến danh từ “nage” là sự bơi lội cả. Vốn nó là “être en age”. “Age” là một hình thái phương ngữ của “eau” là nước. Vậy “être en age” = “être en eau” = ướt đẫm (mồ hôi). Vì không biết rõ hình thái gốc, lại do phải nối vần (liaison) giữa “n” của “en” với “a” của “age” thành [naʒ] nên người ta mới viết thành “être en nage”. Nói đến nước thì lại nhớ đến hồ. Thành ngữ “tomber dans le lac” có nghĩa là thất bại, là hỏng bét. Nhưng hình thái gốc của nó không liên quan gì đến “lac” là hồ cả. Nó vốn là “tomber dans le lacs”. “Lacs” là cái dò, tức là cái bẫy thường làm bằng dây thòng lọng để bắt chim, bắt thú. Vậy “tomber dans le lacs” có nghĩa là sa bẫy, mắc bẫy, hiểu xa hơn một chút thì coi như là “đi đoong”, do đó mới ra cái nghĩa “hỏng bét”. Chẳng qua người ta đã nhầm “lacs dò” thành “lac hồ”. Một thí dụ nữa là tên một con đường ở quận 3 thành phố Paris. Đó là “rue aux Ours” (= phố Gấu). Tên thì như thế nhưng tại con đường này xưa nay không hề có bóng dáng hoặc dấu chân của gấu. Chỉ có ngỗng mà thôi. Xưa tại một quãng trên con đường này có những cửa hàng thịt quay (trong đó có ngỗng). Do đặc điểm này mà con đường đã mang tên là “rue aux Oues”. Oue(s) là hình thái cổ xưa của “oie” (= ngỗng). Vậy “rue aux Oues” là “phố Ngỗng”. Từ nguyên dân gian đã biến “oues” thành “ours” nên phố Ngỗng mới trở thành phố Gấu.

Sau đây là hai thí dụ nhỏ trong tiếng Anh. “Sand-blind” (từ cổ) có nghĩa là lòa, mà cứ theo cấu tạo thì lại là “mù (blind) vì cát (sand) [vào mắt]”. Nhưng nghĩa gốc đích thực của từ cổ này là “nửa mù” vì gồm có “sam”, một hình vị cổ có nghĩa là phân nửa và “blind” (= mù). Nhân chuyện “sand” (cát), xin nói về cái ký hiệu “&” (= và) mà tên hiện nay là “ampersand”. Nó có một lịch sử thú vị liên quan đến bảng chữ cái tiếng Anh. Xưa kia, ngoài 26 chữ cái quen thuộc (a, b, c, d, e, f, g, h, i, j, k, l, m, n, o, p, q, r, s, t, u, v, w, x, y, z), bảng chữ cái tiếng Anh còn có “chữ” thứ 27 là “&” mà học sinh phải học thuộc. Sau khi đọc xong chữ “z” thì đọc tiếp “and per se and”, nghĩa là “và [chữ] tự nó [là] và” (“and” = và; “per se” = tự nó). Với thờì gian và do từ nguyên dân gian, bốn từ “and per se and” bị nhập thành một từ trong đó hai âm đầu lưỡi - răng “nd” của “and” bị âm môi “p” của “per” đồng hóa theo bộ vị phát âm thành âm hai môi “m” còn “se and” thì nhập một thành “sand”. Do đó mà có tên “ampersand” dành cho ký hiệu “&” (còn gọi là “short and”). Cũng cùng một con đường “biến hóa”, tiếng Occitan “es per lo et” ( = đây là dấu hiệu thay cho “và”) đã trở thành “esperluette” trong tiếng Pháp để gọi ký hiệu “&”.

Cứ như trên thì chữ “chệt” chẳng những không thuộc phạm trù “bất quy tắc” mà cũng không thuộc từ nguyên dân gian vì đó chỉ là kết quả của một sự siêu chỉnh (hypercorrection) rất vô lý. Hình thức gốc “chệc” (thực ra cũng không chuẩn) đã có từ 1772 ở Đàng Trong còn hình thức bị siêu chỉnh thì chỉ bắt đầu xuất hiện trên giấy trắng mực đen năm 1931 trong từ điển của Khai trí Tiến đức. Nếu lấy cái lý “hàng trăm năm” thì ta phải gạt bỏ “chệt” (1931) để xài “chệc” (1772) là hình thức đã được đa số công nhận từ lâu ở trong Nam. Nhưng ngay cả hình thức này (“chệc”) cũng không đúng chuẩn chính tả của tiếng Việt vì trừ nó ra thì tất cả mọi từ có âm cuối là biến thể ngạc hóa [c] của phụ âm gốc lưỡi [k] đều viết với “ch” cuối về mặt chính tả. “Chệc” là một cách viết trật đường rầy chứ không phải là bất quy tắc. Xin nhớ rằng không có trường hợp bất quy tắc nào trong tiếng Pháp hoặc tiếng Anh lại mâu thuẩn với quy định về chính tả của hai thứ tiếng này cả.