Triều Tiên: Bước tiếp theo sẽ là thử nghiệm hạt nhân?

11:38 | 17/04/2012

667 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vụ phóng tên lửa Unha3 mang vệ tinh nhân tạo Kvanmenson3 của Triều Tiên đã kết thúc không thành công. Hai lần trước, sau khi phóng vệ tinh thất bại, Bình Nhưỡng liền thử hạt nhân. Liệu lần này có khác? Sẽ là ngây thơ khi hy vọng rằng, tân lãnh đạo Triều Tiên sẽ đột ngột thay đổi chính sách và khuất phục phương Tây.

Vì sao thất bại?

Triều Tiên đã tiến hành phóng tên lửa Unha-3 mang vệ tinh trên khoang vào sáng 13/4. Theo tư liệu của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, tên lửa phóng lên từ sân bay vũ trụ Tonchan-ri vào lúc 7h39 (giờ địa phương) ngày thứ Sáu và đã bay trong vài phút. Sau đó, tên lửa vỡ và rơi xuống đại dương, như Reuters đưa tin. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Naoki Tanaka cũng xác nhận thông tin này.

Theo thông tin từ phía Nhật Bản, tên lửa đã bay tổng cộng 120km và sau đó vỡ thành 4 mảnh. Có giả thiết rằng, trong suốt thời gian bay tầng thứ nhất và tầng thứ hai của tên lửa đã không thể tách rời khỏi nhau. Ban Chỉ huy quân sự Hàn Quốc cho rằng, những mảnh vỡ của tên lửa đã rơi xuống khu vực cách thành phố Kunsan nằm trên bờ biển phía tây của Hàn Quốc khoảng 190-210km. Tên lửa có thể tự hủy khi lệch khỏi quỹ đạo bay, chuyên viên Nhật Bản trong lĩnh vực tên lửa Tetsuo Yasaka tuyên bố với Đài Truyền hình NHK.

Vụ phóng vệ tinh hôm 13/4 đã thất bại, liệu nước này có thử hạt nhân để gỡ “sĩ diện”?

Việc tên lửa Triều Tiên rơi xuống biển chỉ vài phút sau khi phóng cho thấy đã phát sinh những trục trặc nào đó trong giai đoạn tăng tốc đầu tiên, vị chuyên viên lý giải với các nhà báo. Kết quả là xảy ra vụ nổ, tên lửa bắt đầu đi chệch khỏi đường bay ấn định và cũng có khả năng là chính các chuyên viên Triều Tiên ra lệnh hủy diệt tên lửa, chuyên viên Nhật nêu giả thiết. Tóm lại, các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân thất bại là do các kỹ sư Triều Tiên chưa có đủ kinh nghiệm trong việc chế tạo loại thiết kế phức tạp như tên lửa đa tầng.

Ngoài lý do kỹ thuật, một số chuyên gia phân tích rằng, sức ép về thời gian phóng vào Lễ kỷ niệm sinh nhật 100 năm của nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành đã khiến vụ phóng tên lửa lần này được tiến hành một cách vội vàng. Cũng có chuyên gia cho rằng, lệnh cấm vận đã ngăn cản Triều Tiên tiếp cận với các công nghệ tên lửa thật sự hiện đại.

Công nghệ tên lửa Triều Tiên mạnh cỡ nào?

Giới truyền thông phương Tây luôn rêu rao rằng, Triều Tiên là một trong những nước sở hữu kho vũ khí tên lửa có sức mạnh kinh hoàng nhất thế giới. Theo ước tính của Mỹ, Bình Nhưỡng đã phát triển tới 600 quả tên lửa Scud, khoảng 200 tên lửa Nodong và khoảng 50 tên lửa Taepodong.

Năm 1976, Ai Cập đã cung cấp cho Triều Tiên những tên lửa Scud-B của Liên Xô kèm theo thiết kế của loại tên lửa này để đổi lấy sự ủng hộ của Triều Tiên trong cuộc chiến tranh mang tên Yom Kippur giữa Ai Cập và Israel.

Sơ đồ mô tả kho tên lửa hiện nay của Triều Tiên

Từ tên lửa do Ai Cập cung cấp, các chuyên gia quân sự của Triều Tiên đã nâng cấp thành hai phiên bản mới Scud-C (Hwasong-5) và Scud-D (Hwasong-6) với tầm bắn lần lượt là 500 và 700km. Với hai loại tên lửa này, Triều Tiên có thể tấn công vào bất kỳ khu vực nào trên lãnh thổ Hàn Quốc. Vì vậy, tên lửa Scud trở thành cơn ác mộng đối với nước láng giềng sát nách của Triều Tiên.

Đến cuối năm 1980, Triều Tiên bắt đầu bắt tay vào phát triển một loại tên lửa đạn đạo tầm trung Nodong. Khi tên lửa Nodong đã dần được triển khai một cách đầy đủ, thì các kỹ sư quân sự của Triều Tiên bắt đầu làm việc cật lực để phát triển một loại tên lửa mới có những tính năng vượt trội hơn – tên lửa Taepodong-1.

Tháng 8/1998, Triều Tiên đã khiến cả thế giới phải sửng sốt khi lần đầu tiên phóng thử tên lửa Taepodong-1. Đây chính là thế hệ tên lửa tầm xa đầu tiên của Triều Tiên. Loại tên lửa này đã khẳng định sự phát triển vượt bậc của Bình Nhưỡng trong công nghệ phát triển tên lửa.

Cuối tháng 5/2006, vệ tinh gián điệp của Mỹ và Nhật Bản đều chụp được những bức ảnh cho thấy Triều Tiên đang nạp nhiên liệu lỏng vào một quả tên lửa lớn. Phân tích các dấu hiệu khác liên quan, các chuyên gia quân sự Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đi đến kết luận rằng, Bình Nhưỡng đang chuẩn bị cho một cuộc thử tên lửa vượt đại châu (ICBM), thế hệ mới Taepodong-2. Quả thật, ngày 5/7/2006, Triều Tiên tiến hành hai loạt thử tên lửa với ít nhất 5 quả được bắn xuống vùng biển Nhật Bản, gồm 2 tên lửa tầm ngắn Nodong-2, một tên lửa Scud và 2 tên lửa Taepodong-2. Giới chuyên gia quốc tế không biết nhiều về Taepodong-2. Phần lớn số họ đoán rằng tầm bay tối đa của nó vào khoảng 5.000 tới 9.000km. Nếu Taepodong-2 thực sự bay được 9.000km, nó có thể mang đầu đạn tới bờ biển phía tây của Mỹ.

Tháng 4/2009, tên lửa Unha-2 – một phiên bản nâng cấp của Taepodong-2 được phóng đi từ bãi phóng vệ tinh Tonghae, ở Musudan-ri, thuộc đông bắc Triều Tiên. Tên lửa này mang theo vệ tinh Kwangmyongsong-2 lên quỹ đạo của trái đất. Triều Tiên ngay sau đó tuyên bố vệ tinh này đã được đưa lên quỹ đạo. Tuy nhiên, Mỹ và Hàn Quốc cho rằng, tầng thứ nhất của tên lửa này đã rơi xuống vùng biển nằm giữa bán đảo Triều Tiên và biển Nhật Bản, những phần còn lại bị rơi xuống vùng biển Thái Bình Dương. Trong khi Cơ quan Vũ trụ Nga cho hay không có vệ tinh nào của Triều Tiên xuất hiện trên quỹ đạo ở thời điểm đó.

Hôm 16/3 vừa qua, Triều Tiên đã công bố kế hoạch phóng tên lửa mang vệ tinh lên quỹ đạo bất chấp sự phản ứng hết sức quyết liệt của các cường quốc hàng đầu thế giới. Tuy vậy, Triều Tiên vẫn giữ lập trường và cho rằng, phát triển tên lửa vì mục đích hòa bình.

Như vậy, tính quân bình cứ 5 năm, Triều Tiên lại cho ra một phiên bản tên lửa mới.

Bước kế tiếp là gì?

Các quan chức Hàn Quốc ước tính Bình Nhưỡng đã chi 850 triệu USD cho cuộc phóng tên lửa/vệ tinh thất bại hôm 13-4, trong khi Triều Tiên còn phải nhận viện trợ lương thực.

Một tài liệu của Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên dùng số tiền thu được từ việc xuất khẩu than trong năm 2011 là 1,14 tỉ USD để chi tiêu cho dự án phóng tên lửa và các chương trình khác, nằm trong Đại lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh ông Kim Nhật Thành.

Số tiền này có thể mua được 2,5 triệu tấn ngũ cốc và 1,4 triệu tấn gạo. Nền kinh tế Triều Tiên được coi là kém phát triển và tình trạng thiếu lương thực vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi trên đất nước.

Hiện giờ Triều Tiên, Hàn Quốc và Nhật Bản đang tìm kiếm mảnh vỡ của tên lửa Unha-3. Seoul và Tokyo thì tìm bằng chứng về ý định quân sự của Triều Tiên, còn Bình Nhưỡng tìm để xác định nguyên nhân vụ tai nạn. Bây giờ, bằng cách nào đó "phục hồi danh dự” mà không bị mất mặt sau vụ phóng vệ tinh không thành công, Triều Tiên có thể thực hiện những vụ thử hạt nhân tiếp theo. Chuyên gia về châu Á – Thái Bình Dương Artyom Lukin của Nga nói: “Bước tiếp theo sẽ là thử nghiệm thiết bị hạt nhân. Triều Tiên đã tiến hành hai cuộc thử nghiệm như vậy trong năm 2006 và 2009. Công nghệ hạt nhân của Triều Tiên đã phát triển và hoàn thiện hơn so với tên lửa. Vì vậy, nếu Triều Tiên có kế hoạch như vậy, rất có khả năng một vụ nổ hạt nhân dưới lòng đất sẽ thành công”.

Và như thế, thế giới lại được dịp nhảy dựng lên.

Hùng Phan