Triển lãm nghệ thuật đương đại mang tên “dự án X A N H”

19:33 | 01/12/2020

167 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Triển lãm nghệ thuật với tên gọi “dự án X A N H”, với các sáng tác của 8 nghệ sỹ Việt Nam và quốc tế nằm trong Tháng Thực hành Nghệ thuật phiên bản 2020 (MAP 2020) - dự án trao đổi và phát triển nghệ thuật đương đại - được tổ chức hàng năm do Heritage Space khởi xướng và vận hành.

Triển lãm năm nay diễn ra từ ngày 29.11.2020 - 12.12.2020, mở cửa từ 9h30 - 17h hàng ngày trừ thứ Hai, tại Nhà Bảo tàng trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (42 Yết Kiêu, Hoàn Kiếm, Hà Nội.)

Triển lãm nghệ thuật đương đại mang tên “dự án X A N H”

Là chủ đề làm việc của dự án Tháng thực hành Nghệ thuật 2020 (MAP 2020), “dự án X A N H” khởi đầu từ sắc màu xanh (blue) trong bảng pha màu của nghệ sỹ, và mở rộng các địa hạt xã hội như tâm lý, ngôn ngữ, văn học, âm nhạc, chính trị hay quảng cáo, truyền thông. Màu xanh, tuy nhiên lại ít tồn tại trong thực tế, như sắc trời ở Hà Nội tưởng xanh mà không xanh, bởi nó không có chỗ trong đô thị ồn ào, ô nhiễm, hỗn loạn và bấp bênh. Sự thiếu vắng của màu xanh ở Hà Nội lại chính là lời giải thích cho muôn vàn câu chuyện và vấn đề khác sâu sắc hơn, và cũng cá biệt hơn và là đối tượng của nghệ thuật.

MAP 2020 được triển khai trong bối cảnh đầy thách thức khi nhiều vận động xã hội bị ngừng trệ, nguồn lực bị cắt giảm, nghệ sỹ phải ở tại chỗ và kết nối-hợp tác-tiến hành qua nền tảng trực tuyến. Từ đó, “dự án X A N H” mở ra những thử thách không dễ xóa nhòa của khoảng không vật lý, khác biệt của văn hóa và tôn giáo, múi giờ sinh học, địa lý. Mặt khác, dự án mở ra các cơ hội-nơi chốn phơi bày những trạng thái tâm lí phức tạp, những hồ nghi và biện giải tự tư, ám ảnh hay mặc cảm, của những nghệ sỹ - trước hết họ đang là những cá thể đơn độc bị cô lập trong hoàn cảnh và tâm trí như nhiều người khác.

“Dự án X A N H” giới thiệu công việc của 8 nghệ sỹ đến từ Nhật Bản, Thụy Sỹ và Việt Nam, thuộc nhiều loại hình nghệ thuật: sắp đặt, ý niệm, trình diễn, video, nghiên cứu, thủ công, tư liệu. Đó là một giải trình của những thử nghiệm lâm thời chưa hoàn thiện, được chuyển thành những cấu trúc thị giác vật lý và phi vật lý trong một không gian và bối cảnh xã hội phi lí. Sử dụng những gì thiếu vắng để kể về chính những thiếu vắng, dùng màu xanh để kể những gì không xanh, dùng nghịch lý để kể nghịch lý, chính là mục đích của MAP 2020.

Đây là mùa thứ sáu của dự án, với một khung chương trình khác biệt, và những người tham gia mới mẻ. MAP 2020 vẫn tiếp tục theo đuổi định hướng xuyên suốt những năm qua, là nhằm tạo ra một nền tảng trao đổi và giáo dục dành cho các nghệ sỹ trẻ Việt Nam với những nghệ sỹ giàu kinh nghiệm trên thế giới. Bên cạnh các hoạt động chú trọng vào nghệ thuật, MAP 2020 kiến tạo các cơ hội tương tác và tiếp xúc giữa nghệ sỹ và công chúng, nhằm nâng cao ý thức và trải nghiệm của công chúng với nghệ thuật đương đại, qua đó nhằm xóa bỏ khoảng cách của nghệ thuật với cộng đồng xã hội.

Tháng thực hành Nghệ thuật - MAP 2020 được thực hiện dưới sự hỗ trợ của Viện Goethe, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam và quỹ Pro Helvetia (Thụy Sỹ). Dự án cũng nhận được sự hỗ trợ từ Dự án Không gian Văn hóa và Sáng tạo Việt Nam, do Liên minh Châu Âu và Hội đồng Anh đồng tài trợ, và bà Nguyễn Thị Hồng Minh chủ tịch tập đoàn TID.

Các đối tác của dự án MAP 2020 là nhiều tổ chức-không gian văn hóa nghệ thuật trong và ngoài nước. Những nhóm-tổ chức nội địa bao gồm Nhà Sàn Collective, Manzi Art Space, AGO hub, Matca, Hanoi DOCLAB, Đom Đóm, Á Space, VICAS art studio, CA Library ở Hà Nội, A-sông ở Đà Nẵng, Cháo-downtown ở TP. Hồ Chí Minh. Các tổ chức quốc tế bao gồm Art Initiative Tokyo (Japan), Art&Market (Singapore), Dodooba.com (Singapore), Cambodia Living Arts (Cambodia).

MAP 2020 được hỗ trợ bởi các đối tác truyền thông là Hanoi Grapevine - nền tảng thông tin trực tuyến về văn hóa nghệ thuật Việt Nam, Urbanist Hanoi - mạng truyền thông về văn hóa nghệ thuật lối sống đô thị, và Mekong Cultural Hub - mạng lưới kết nối văn hóa nghệ thuật của các nước tiểu vùng sông Mê-kông và Đài Loan.

Các nghệ sỹ tham gia dự án bao gồm:

Phan Anh (TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam)/ Mai Huyen Chi (Đà Nẵng, Việt Nam)/ Flinh (Hà Nội, Việt Nam)/ Katja Jug (Zurich, Thụy Sỹ)/ Masahiro Wada (Tokyo, Nhật Bản)/ Miho Shimizu (Tokyo, Nhật Bản)/ La Mai (Hà Nội, Việt Nam)/ Trag Lem (Stuttgart, Đức/ Hà Nội, Việt Nam)

Không chỉ có các nghệ sỹ, những nhân tố giúp đỡ cho việc hình thành triển lãm “dự án X A N H” còn bao gồm các chuyên gia nghệ thuật là nghệ sỹ, giám tuyển, nhà nghiên cứu, giáo dục nghệ thuật – những người giàu kinh nghiệm làm việc trên môi trường quốc tế. Họ thực hiện các bài giảng chuyên đề trong dự án, đóng góp vào xây dựng nội dung làm việc, và đối thoại-phản biện với nghệ sỹ trong các thực hành và nghiên cứu cho công việc.

Các chuyên gia tham gia dự án bao gồm:

Trần Trọng Vũ (Hà Nội, Việt Nam/ Paris, France), nghệ sỹ và nhà sáng lập dự án Tháng thực hành Nghệ thuật.

Naoko Horiuchi, giám tuyển của tổ chức Arts Initiative Tokyo (Tokyo, Nhật Bản).

Julia Schäfer (Germany) giám tuyển của Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Lepzig (Đức).

Marc Glöde (Germany/ Singapore), giám tuyển phim-hình ảnh động, Đồng giám đốc chương trình Thạc sỹ Nghiên cứu Bảo tàng và Thực hành Giám tuyển, Trường Nghệ thuật, Thiết kế và Đa phương tiện, Đại học Tổng hợp Nanyang, Singapore.

Đặng Thanh

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps