Triển lãm "Hoàng Sa, Trường Sa - Chủ quyền Việt Nam"

15:48 | 16/07/2014

976 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hơn 300 hình ảnh, tư liệu, hiện vật là những bằng chứng lịch sử không thể chối cãi về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, những mảnh vỡ của tàu cảnh sát biển 2012 và 2016 bị tàu Trung Quốc đâm vỡ khi thực thi nhiệm vụ tại quần đảo Hoàng Sa cũng được trưng bày tại triển lãm "Hoàng Sa, Trường Sa - Chủ quyền Việt Nam” tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.

Triển lãm chuyên đề “Hoàng Sa, Trường Sa- Chủ quyền Việt Nam” được Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phối hợp với Cục Thông tin Đối ngoại, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển, Bảo tàng Hải quân và Bảo tàng Biên phòng tổ chức.

Châu bản khẳng định chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

Hơn 300 hình ảnh, tư liệu, hiện vật được trưng bày với 3 chủ đề chính: Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử; Bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa; Hoàng Sa, Trường Sa trong trái tim Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Phần trưng bày chủ đề "Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử", giới thiệu những tư liệu, hình ảnh, hiện vật khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo này. Tiêu biểu như một số Châu bản triều Nguyễn; hệ thống bản đồ khá phong phú thể hiện chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa, Trường Sa như "Đại Nam nhất thống toàn đồ" do vua Minh Mạng cho vẽ năm 1883; "An Nam quốc họa đồ" của Giám mục Tarberd vẽ năm 1838; "Hoàng triều trực tỉnh dư địa toàn đồ" (1904).

Phần trưng bày chủ đề “Bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa" giới thiệu những hình ảnh, hiện vật phản ánh quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của các lực lượng qua các thời kỳ lịch sử. Như nhóm hiện vật của Lữ đoàn 146 Hải quân gồm ống nhòm sử dụng quan sát chỉ huy bộ đội xây dựng và bảo vệ các đảo thuộc quần đảo Trường Sa năm 1988; cáng thương chuyển cán bộ chiến sỹ đã chiến đấu hy sinh bảo vệ quần đảo Trường Sa năm 1988; máy soi hàng, ống nhòm nhìn đêm; súng bắn điện; súng bắn cao su... trang bị cho lực lượng cảnh sát biển khi thực thi nhiệm vụ...

Hình ảnh “Hoàng Sa, Trường Sa trong trái tim Việt Nam và bạn bè quốc tế”

Chủ đề "Hoàng Sa, Trường Sa trong trái tim Việt Nam và bạn bè quốc tế" được thể hiện rất sinh động thông qua những hình ảnh ghi lại những hình ảnh, tài liệu, hiện vật thể hiện sự quan tâm, tình cảm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, quân đội, nhân dân, các tổ chức chính trị-xã hội và kiều bào ta ở nước ngoài với những hành động thiết thực, chung sức bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Điều này thể hiện qua các phong trào, chương trình hoạt động hướng về Trường Sa, Hoàng Sa như: Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa; Góp đá xây dựng Trường Sa; Triệu trái tim hướng về biển đảo quê hương…

Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa - Chủ quyền Việt Nam” là hoạt động thiết thực nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức và khẳng định chủ quyền của Việt Nam với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, tôn vinh những đóng góp to lớn của các lực lượng bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Qua đó giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc, cổ vũ quân và dân ta phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, quyết tâm đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Triển lãm cũng giúp bạn bè quốc tế thấy được thiện chí cũng như mong muốn nguyện vọng của nhân dân Việt Nam trong việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.

Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa - Chủ quyền Việt Nam” được diễn ra từ ngày 15/7 đến hết ngày 15/8 tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Một số hình ảnh tại triển lãm:

Các mảnh thành tàu, boong tàu của tàu CSB 2012 và 2016 bị tàu Trung Quốc đâm hỏng được trưng bày trong Triển lãm là những bằng chứng không thể chối cãi cho hành động ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc.

Đại Nam Nhất Thống Toàn Đồ (giữa) do Vua Minh Mạng cho vẽ năm 1838 có thể hiện hai địa danh Hoàng Sa và Vạn Lý Trường.

Một số tài liệu về chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được xuất bản trong thời gian qua.

Các chiến sĩ đảo Song Tử Tây đi bầu cử Hội đồng nhân dân huyện đảo Trường Sa ngày 10/5/1984

Mâm ngũ quả do các chiến sĩ phân đội 1, cụm chiến đấu 1, đảo Trường Sa Lớn thuộc Lữ đoàn 146 vùng 4 Hải quân tự làm và cành hoa ốc biển do đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, pháo thủ pháo 23mm phân đội 3, cụm chiến đấu 1 đảo Trường Sa Lớn làm từ 12/2009-2/2000 để trang trí hội trường đón xuân Canh Thìn (2000).

Các chiến sĩ trên đảo Song Tử Tây đón chào tàu từ đất liền ra, ngày 10/5/1984.

Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo giới thiệu về tượng “Chiến sĩ hải quân”

Nguyễn Hoan

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc