Trăm lẻ một nốt trầm với 110 sắc thái

15:01 | 19/01/2022

55 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Nhà thơ Lê Thị Hồng Hạnh đã có lối đi riêng trong tập thơ Trăm lẻ nốt trầm. Với Trăm lẻ nốt trầm, người đọc sẽ cảm nhận những sắc thái cuộc đời chân thực, nhiều thăng trầm sướng khổ, bể dâu, bế tắc, dằn vặt,… rồi sau đó lại thoát trần tới yên bình thái lai qua tư duy đa chiều của tác giả.
Trăm lẻ một nốt trầm với 110 sắc thái
TRĂM LẺ NỐT TRẦM với 110 sắc thái

Trăm lẻ nốt trầm của Lê Thị Hồng Hạnh được coi là một “Vũ điệu khách qua đường’’; một “Ô San” (Kim Quỳ, một dạng kim loại quý, nó khắc nhập khắc biến ở trong không gian, thời gian. Nó rất vững chắc, luôn luôn sáng và không bị hoen gỉ hay bị đập nát); là những điều mà con người bước qua, điều mà có thể xảy đến với con người như nỗi đau: “Đau từ trong đâm ra, buồn từ ngoài lao lại”; Là tâm tư, mâu thuẫn đặc biệt, là “Nỗi nhớ vu vơ”, là “Sự dễ dãi của một thằng đàn ông”,… Cuối cùng, sau tất cả những lộn xộn ấy, là một thế giới bên ngoài (thoát trần) không phải cuộc đời của họ. Là tuyên ngôn: Vũ trụ này rất rộng và tất cả những gì xảy đến với ta đều rất ngắn. Bước qua để biết mình là ai.

Phần đời:

Phần mà ở đó có những câu chuyện đời thường chân thực, đau đớn, tổn thương, mất mát, tan vỡ. Nơi có những nỗi đau lưng chừng, nỗi đau hằn sâu, nỗi đau lần một rồi thêm một lần đau, thêm những cơn đau, nơi có những điều tất yếu khi người con gái bước vào cuộc sống gia đình; Nơi có những yêu thương tan vỡ, có những cú sốc quay Vòng quay kiếp đàn bà; Nơi chứa những buồn đau, sướng khổ, đau thương, mất mát, thất vọng tới Cô độc, Uất hận:

Em ngồi gọt lại trái tim

Rưng rưng máu chảy nhấn chìm tâm can

(Cô độc)

Cuộc sống dần dày xéo con người tới độ tan nát, tới độ chai sạn, tới độ vô cảm và sống cuộc sống:

Đêm mong thoát cảnh xô bồ

Ngày mong thoát cảnh dở rồ, dở điên

Sáng mong gặp kẻ dịu hiền

Chiều mong tái kiếp gặp tiên cứu mình

(Vòng quay kiếp đàn bà)

Mặc dù vậy nhưng nếu được chọn lại, con người ta vẫn muốn bước đi trên con đường đó, vẫn muốn trải nghiệm để trưởng thành, vẫn muốn yêu, muốn hận, muốn mong, muốn chờ, muốn giận, muốn thương, muốn bước vào duyên phận bởi vì:

Không yêu

đâu biết là sướng khổ

Không gặp

đâu biết mà thân quen

(Duyên phận)

Để rồi viết lên những vần thơ cho mình, cho người, cho chàng lang bạt, cho nàng phù du thật đáng thương.

Chưa hay thì muốn tỏ tường

Biết rồi lại ước vô thường ngu si

(Đàn bà có mấy lần say)

Thoát trần:

Phần xuất hiện sau khi nhìn thấy nhân gian đủ chuyện “ê chề”, đôi khi muốn chết để thoát được cuộc đời, để được Du nhập cõi vô hình hoặc Tịnh tu - thoát trần, tĩnh lặng với tiếng nhạc nguyệt hằng, nhìn lại đời mình trước nay, một đời sống trải qua nhiều sóng gió “đường, muối mặn mà” cuối cùng chỉ còn lại những nếp nhăn và tuổi già tới điêu tàn. Đêm tới bỏ qua mọi khó nhọc, thoát tư tưởng khỏi đời sống khổ hiện tại, quên đời đắng cay, để:

Yên bình tâm trí thái lai

Rèn châu giữ ngọc, trí tài sẽ lên.

Bỏ qua quạ với kền kền

Cấy nhân, trồng quả giữ bền mai sau

(Gửi người em gái nhỏ)

Đó là lúc con người ta ngộ ra cuộc sống thực tế, tích lũy những bài học; biết thực hành khó khăn gian khổ, chịu đắng cay để có được quả ngọt; biết tự mình chữa lành sau những tổn thương; biết Giải thoát cho chính mình; biết trưởng thành từ nỗi đau, trải nghiệm để hồi sinh, cứu vớt và giành lấy tự do; biết Dấu thời gian, xóa ký ức để Tiếng cười trong veo trước mọi cơn bão nổi (Thềm thế kỷ).

Ngoài ra Trăm lẻ nốt trầm còn nhắc tới một số vấn đề thời sự hiện tại gây ảnh hưởng tới đời sống người dân, gây những đau thương, mất mát như những Nỗi đau từ covid 19; Xã hội thời 4.0; Xét cho cùng đàn bà tự mình đau….

Tập thơ hay không chỉ ở nội dung đặc sắc, phong phú; hay vì thể hiện được bút pháp nghệ thuật linh hoạt, độc đáo lại hợp lý như sự đối lập giữa: đau buồn - sướng khổ, đêm ngày, sáng chiều, đâm ra - lao lại, tỏ tường - ngu si, trời đất, thức ngủ,… Hoặc một loạt những động từ gây liên tưởng mạnh mẽ khi miêu tả về cuộc đời như: xô bồ, dở rồ, dở điên, xót xa, thương tiếc, nhấn chìm, gọt lại trái tim, nức nở, buông xuôi, lăn lóc, lặng thinh, vót vú, mài chân, ái ân, gục đầu,…

Trăm lẻ nốt trầm bao gồm 110 bài thơ, 110 sắc thái gây ấn tượng mạnh mẽ cho người đọc. Đọc tập thơ, bạn sẽ thấy một thực tế cuộc sống đầy bể dâu được khắc họa một cách chân thực để rồi sau đó lại thoát trần ra khỏi đời thực. Như là một cuộc sống khác, một tư duy khác đầy hiểu biết, bao dung thể hiện rõ sự từng trải, trưởng thành, nhận ra sự đau khổ để đi tới niết bàn, thoát khỏi khổ đau.

Hồng Nhung