TP HCM "mạnh tay" với doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường

18:33 | 11/11/2012

2,089 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Để TP HCM không còn nguồn thải ô nhiễm, ngay từ năm ngoái, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã đề xuất đưa chương trình giảm thiểu ô nhiễm môi trường trở thành một trong những chương trình trọng điểm của thành phố.

Đã có hơn 1.600 doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất ở TP HCM đã được đưa vào danh sách di dời theo ban chỉ đạo di dời các cơ sở ô nhiễm của Sở Công thương.

Rất nhiều cơ sở đã được đưa vào các khu công nghiệp tập trung như Lê Minh Xuân, Tân Tạo và Hiệp Phước. Số ít không vào khu tập trung cũng đã chuyển đổi sang hoạt động ngành nghề không phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường.

TP HCM rất quyết liệt trong việc di dời những DN gây ô nhiễm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, 10 DN trên địa bàn đã bị di dời hoặc ngưng hoạt động; 14 DN đã khắc phục và xử lý xong ô nhiễm môi trường theo quy định; 11 DN đã hoàn tất việc xử lý ô nhiễm môi trường triệt để.

Tuy nhiên, theo Sở TN&MT thì hiện nay trên địa bàn TP HCM còn tồn tại rất nhiều khu dân cư ô nhiễm hoặc cơ sở ô nhiễm mới phát sinh, cụ thể như ở một số phường ở quận Bình Tân, quận 12...

Cụ thể, theo thống kê của Sở TN&MT, quận Bình Tân có khoảng 450 DN có lượng nước thải lớn từ 10m3/ngày đêm nằm dọc hệ thống kênh rạch thải nước ra sông Sài Gòn, trong đó có 60% DN có chất lượng nước thải chưa đảm bảo yêu cầu.

Điều đáng nói là những DN, cơ sở sản xuất kinh doanh này nằm trong nhóm ngành nghề thuộc 17 ngành nghề có nguy cơ phát sinh ô nhiễm cao sẽ bị tước giấy phép và cấm kinh doanh.

Xả thải không qua xử lý sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Thời gian qua, TP HCM đã tập trung đầu tư hạ tầng rất lớn nhằm cải thiện chất lượng nước kênh rạch để cắt đứt hoàn toàn nguồn thải ô nhiễm nhằm ngăn chặn nguy cơ tái ô nhiễm chất lượng nước kênh.

Bên cạnh đó, thành phố cũng đang triển khai thi công dự án tiêu thoát nước và cải thiện ô nhiễm kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên. Việc đưa vào vận hành dự án này sẽ chống ngập úng cho khu vực rộng 14.900 hecta đất nông nghiệp và khu dân cư, góp phần cải thiện tình hình ô nhiễm, kết hợp giao thông thủy trên các tuyến kênh hiện có.

Công tác triển khai nhiều đợt nạo vét, vớt rác bồi lấp gây ô nhiễm môi trường kênh rạch tại một số khu vực được thành phố thực hiện thường xuyên.

TP HCM còn hợp tác với các địa phương lân cận như Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu trong việc giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường liên tỉnh. Điển hình như cải tạo kênh Ba Bò, kiểm soát các nguồn ô nhiễm xả thải ra sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông, kênh Thầy Cai - An Hạ; giải quyết vấn đề ô nhiễm và bồi thường thiệt hại ở sông Thị Vải, xây dựng khu xử lý chất thải rắn chung giữa TP HCM và Long An, xây dựng năng lực ứng phó sự cố tràn dầu ở vùng hạ lưu hệ thống sông Đồng Nai...

Thế nhưng, trở ngại lớn nhất ở đây là ý thức của một bộ phận người dân, thường thấy nhất là tình trạng xả rác bừa bãi vẫn còn diễn ra khắp nơi. Nên TP HCM cần có những biện pháp xử lý với những người xả rác gây ô nhiễm môi trường.

Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường đã có kế hoạch tăng cường kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm. Những đơn vị nào tái vi phạm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thì sẽ kiên quyết xử lý bằng cách buộc tạm ngưng hoạt động. Còn đối với các hộ dân thì vẫn chưa có biện pháp xử lý cụ thể.

Nguyễn Hiển