TP HCM: Hàng giả tung hoành, doanh nghiệp khốn đốn

14:15 | 04/10/2012

1,041 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Mặc dù các cơ quan chức năng đã tiến hành thanh kiểm tra nhưng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn được bày bán tràn lan trên thị trường TP HCM. Hậu quả của nó khiến không chỉ người tiêu dùng bị lừa mà ngay chính các doanh nghiệp cũng lãnh đủ.

Thống kê của Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP HCM cho thấy. Trung bình mỗi tháng, đơn vị này phát hiện khoảng 50 vụ hàng giả, hàng nhái các loại từ các nhóm hàng thực phẩm ăn uống, đến các nhóm hàng thời trang, thiết bị máy móc… Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2012 QLTT TP HCM phát hiện 2.283 vụ vi phạm. Trong đó, 92 vụ kinh doanh hàng cấm, 567 vụ hàng nhập lậu, 254 vụ hàng giả nhãn hiệu. Tổng số hàng bị tạm giữ lên đến 1,5 triệu sản phẩm với 175,4 tấn hàng hóa các loại, cụ thể trong tháng 9 này, đơn vị đã tiêu hủy trên 1 tấn hàng nhái, hàng giả, hàng lậu các loại.

Hàng gì cũng nhái

Ngoài các sản phẩm có giá trị cao như mỹ phẩm, túi xách, áo quần mà ngay cả các mặt hàng ăn uống, thực phẩm cũng bị làm giả, làm nhái thương hiệu. Tại TP HCM chỉ cần dạo quanh một vòng các chợ nội thành thì người mua cũng phải chóng mặt vì các loại hàng hóa na ná nhau về thương hiệu và kiểu dáng sản phẩm. Đáng chú ý là các nhóm hàng thực phẩm bị làm giả, làm nhái với số lượng rất lớn và có xuất xứ không rõ ràng. Tại một số chợ có quy mô lớn của thành phố có thể dễ dàng phát hiện hàng trăm loại hàng hóa thực phẩm từ bánh, kẹo, mứt… không có nhãn mác được bày bán la liệt. Không riêng gì khách hàng mà ngay cả người bán cũng không thể biết rõ mặt hàng này được sản xuất từ đâu.

Chị Nguyễn Thị An, chủ hàng bánh kẹo tại chợ Nguyễn Đình Chiểu (quận Phú Nhuận) cho biết: “Mình lấy hàng lại từ các đầu mối, mỗi loại lấy vài chục ký được đóng thành nhiều gói, thấy khách hàng mua nhiều, hàng bán được thì lấy bán cho bằng các quầy khác chứ không quan tâm việc hàng này do ai sản xuất”.

Cũng theo nhiều tiểu thương ở đây, đa phần các loại hàng hóa không có nhãn mác do các cơ sở tư nhân sản xuất, một số được lấy từ Trung Quốc về rồi được đóng gói nhỏ bán lẻ.

Lực lượng quản lý thị trường TP HCM đang kiểm tra hàng giả

Trong khi đó, đối với các nhóm hàng mỹ phẩm, giày dép, túi xách… do có giá thành cao nên việc làm giả, làm nhái tinh vi hơn nhiều. Anh Nguyễn Quang Hòa, Trưởng phòng Phân phối nhãn hàng mỹ phẩm Olay tại TP HCM cho biết: “Nếu như mỗi sản phẩm của công ty mình có giá bán trung bình là 200 nghìn đồng thì hàng giả chỉ có giá khoảng 40-50 nghìn đồng. Các sản phẩm này được làm giả theo nhiều cấp khác nhau. Trong đó có thể chia ra thành hai dòng chính, “bình dân” và “cao cấp”. Dòng hàng “bình dân” thường có giá từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng được sản xuất chủ yếu trong nước. Riêng dòng “cao cấp” có giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng chủ yếu là các loại túi xách, quần áo của các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài. Theo các tiểu thương tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) thì dòng hàng nhái, hàng giả cao cấp chủ yếu được đặt hàng từ Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan… do được làm giả tinh vi, vì vậy dễ đánh lừa thị hiếu người mua. Cá biệt, một số mặt hàng có giá trị cao như: xe máy, tivi, máy điều hòa… cũng được làm nhái nhãn hiệu gây lẫn lộn cho người tiêu dùng cũng xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều trên thị trường. 

Kỹ xảo tinh vi

Có thể thấy với tốc độ làm giả, làm nhái nhanh đến mức chóng mặtä khiến nhiều sản phẩm có thương hiệu phải chịu không ít ảnh hưởng về doanh số bán hàng và lòng tin của người tiêu dùng. Anh Nguyễn Hữu Vinh, đại diện kinh doanh nhãn hàng EL Vina cho biết: “Trung bình mỗi năm doanh số bán hàng của công ty chúng tôi bị giảm sút khoảng 30% so với kế hoạch đề ra ban đầu, nguyên nhân chủ yếu đến từ việc các sản phẩm bị làm giả, làm nhái quá nhiều và chi phí để giúp khách hàng nhận biết các sản phẩm giả mạo mỗi năm cũng tăng theo tỉ lệ thuận, bên cạnh đó, số tiền phải bỏ ra để đào tạo cho đội ngũ nhân viên bán hàng các kỹ năng về nhận biết và tuyên truyền chống hàng giả cũng tiêu tốn khoản kinh phí khá lớn”.

Xe máy làm nhái kiểu dáng bị lực lượng QLTT kiểm tra

Đồng tình với ý kiến trên, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM cũng cho rằng: “Hàng giả, hàng nhái đang là vấn nạn mà các doanh nghiệp đang phải đau đầu đối phó. Nguy cơ doanh nghiệp giảm thị phần và mất uy tín trên thị trường đã lộ rõ. Hàng hóa bị làm giả, nhái sẽ khiến người tiêu dùng mất niềm tin vào sản phẩm. Trong khi đó, doanh nghiệp vì mất uy tín, không tiêu thụ được hàng hóa lại phải bỏ tiền ra để khôi phục thương hiệu.

Theo TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia về kinh tế, việc chống hàng giả, hàng nhái phải có sự phối hợp từ nhiều phía, trong đó, doanh nghiệp cũng cần phải có động thái tích cực đi đầu để giúp cơ quan chức năng dễ phát hiện và xử lý. Cụ thể là doanh nghiệp phải đăng ký, báo cáo nhãn hiệu hàng hóa, xuất xứ… cho phía cơ quan chức năng chứ không ngồi chờ đến khi có vụ việc xảy ra mới loay hoay đi khai báo sẽ mất cơ hội làm sáng tỏ vụ việc vì thủ tục khai báo quá chậm. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, nếu không mạnh tay xử lý mạng lưới hàng giả, hàng nhái các doanh nghiệp sẽ không còn chỗ đứng trên thị trường.

Quản lý lúng túng 

Trong khi đó, vấn đề thanh, kiểm tra của cơ quan chức năng cũng gặp không ít khó khăn khi lực lượng quá mỏng, dàn trải trên địa bàn quá rộng. Công tác kiểm tra cũng chỉ dừng lại ở mức “cưỡi ngựa xem hoa”, chưa nói đến việc các mặt hàng ngày càng được làm giả, làm nhái tinh vi mà lực lượng chức năng lại chưa có đủ kinh nghiệm và máy móc để phục vụ công tác kiểm tra, giám định. Nhiều trường hợp trong quá trình kiểm tra, phát hiện nghi ngờ hàng giả nhưng không có cơ sở dữ liệu để có thể cung cấp các thông tin cấp thiết nên cũng bó tay.

Đặc biệt, từ trước đến nay các doanh nghiệp Việt Nam khi đi vào kinh doanh đều bỏ qua khâu đăng ký cấp sở hữu trí tuệ và mẫu mã nên lúc bị làm giả, làm nhái cơ quan chức năng rất khó để xác định được nhãn hiệu hàng hóa. Riêng với những sản phẩm có xuất xứ từ nước ngoài, dù đã xác định là giả, nhưng cũng vướng phải khó khăn vì không được đăng ký sở hữu trong nước.

Ông Lê Văn Liêu, Phó chi cục trưởng Chi cục QLTT TP HCM cho biết: “Khó khăn lớn của đơn vị là việc thiếu nhân lực và kinh nghiệm. Nhiều đối tượng lợi dụng kẽ hở của pháp luật để bán hàng lậu, hàng không hóa đơn, chứng từ, hàng trôi nổi không rõ nguồn gốc...”. Mặt khác, không thể không nói đến vấn đề tuyên truyền chống hàng giả, hàng nhái cho người tiêu dùng hiện vẫn chưa được quan tâm. Khiến cho một bộ phận người tiêu dùng đang vô tình tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái. Đây cũng là nguyên nhân để các loại hàng dỏm có đất sinh sôi, phát triển. Vì vậy, yếu tố đầu tiên trong việc tuyên chiến với hàng giả, hàng nhái đó là nhất thiết phải có sự phối kết hợp ăn ý giữa doanh nghiệp, cơ quan chức năng và người tiêu dùng. 

Thùy Trang