TP HCM: Doanh nghiệp không phải dừng hoạt động khi phát hiện F0

07:14 | 03/11/2021

172 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Theo quy trình mới của Sở Y tế TP HCM, sau khi phát hiện ca nhiễm Covid-19, doanh nghiệp vệ sinh khử khuẩn khu vực F0 làm việc, xét nghiệm cho tất cả F1, nếu trên 80% người lao động tiêm chủng đầy đủ thì toàn bộ F1 tiếp tục làm việc.

Sở Y tế TP HCM vừa ban hành hướng dẫn tạm thời phương án phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu công nghiệp với nhiều điểm mới giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động liên tục khi phát hiện ca nhiễm Covid-19.

TP HCM: Doanh nghiệp không phải dừng hoạt động khi phát hiện F0
Khi phát hiện ca nhiễm Covid-19, doanh nghiệp vệ sinh khử khuẩn khu vực F0 làm việc, xét nghiệm cho tất cả F1 (ảnh minh họa).

Theo đó, người lao động tham gia hoạt động sản xuất phải đảm bảo một trong các điều kiện sau: đã tiêm vắc xin đủ liều, đã tiêm ít nhất 1 mũi và có kế hoạch tiêm mũi 2, hoặc nhiễm Covid-19 đã khỏi bệnh.

Nếu tổ chức đưa rước tập trung thì doanh nghiệp phải khử khuẩn phương tiện sau mỗi lần đưa đón, đo thân nhiệt và yêu cầu người lao động rửa tay trước khi lên xe; nếu người lao động đã tiêm đủ 2 mũi thì được chở đủ công suất của xe.

Khi phát hiện người có triệu chứng nghi ngờ nhiễm Covid-19 hoặc có yếu tố dịch tễ, bộ phận sàng lọc thông tin ngay cho tổ y tế hoặc báo cáo lãnh đạo cơ sở, doanh nghiệp liên hệ với đơn vị y tế để tổ chức xét nghiệm kiểm tra SARS-CoV-2 theo quy định.

Sở Y tế đề nghị cơ sở trên phải tổ chức khu vực làm việc thông thoáng, người lao động tuân thủ 5K, giữ khoảng cách 1m; người lao động ăn theo ca, giữ khoảng cách 2m, không ngồi đối diện, có vách ngăn, phân luồng ra vào nhà ăn…

Cơ sở sản xuất, kinh doanh phải thành lập tổ y tế để theo dõi sức khỏe người lao động, giám sát sự tuân thủ các quy định phòng, chống dịch Covid-19.

Sở Y tế TP HCM xây dựng quy trình 4 bước hướng dẫn các doanh nghiệp xử lý khi phát hiện F0 tại cơ sở sản xuất, doanh nghiệp.

Bước 1: Tạm thời cách ly F0 ở buồng cách ly hoặc khu vực cách ly của đơn vị và liên hệ ngay cơ quan y tế địa phương để được hỗ trợ.

Bước 2: Đánh giá tình trạng sức khỏe của F0. Nếu phát hiện F0 có dấu hiệu suy hô hấp (thở nhanh hoặc khó thở hoặc SpO2 dưới 96%) cho thở oxy, liên hệ và chuyển F0 đến bệnh viện có chức năng điều trị Covid-19.

Nếu F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ thì tư vấn và hướng dẫn F0 tự đánh giá mức đạt các tiêu chí cách ly tại nhà. Nếu không đủ điều kiện cách ly tại nhà thì F0 tự đề nghị địa điểm cách ly phù hợp, có thể chọn cơ sở cách ly của doanh nghiệp, cơ sở cách ly tập trung hoặc cơ sở cách ly có thu phí.

Bước 3: Nhập thông tin F0 vào ứng dụng “Hệ thống Quản lý người cách ly và người bệnh Covid-19”.

Bước 4: Tạm ngưng hoạt động khu vực xảy ra F0 để vệ sinh khử khuẩn, xét nghiệm cho tất cả F1 theo quy mô ổ dịch, điều tra xác định quy mô, tính chất ổ dịch.

Nếu F0 ở 1 dây chuyền sản xuất thì xử lý trên quy mô dây chuyền. Nếu F0 ở từ 2 dây chuyền sản xuất trở lên trong cùng 1 phân xưởng thì xử lý trên quy mô toàn phân xưởng.

Nếu F0 ở từ 2 dây chuyền trở lên nhưng ở các phân xưởng khác nhau và không có mối liên quan dịch tễ với nhau thì chỉ xử lý trong quy mô từng dây chuyền. Trong trường hợp F0 ở từ 2 dây chuyền trở lên ở các phân xưởng khác nhau và có mối liên hệ dịch tễ thì xử lý trên quy mô toàn cơ sở sản xuất.

F1 là những người tiếp xúc gần với F0 ở khoảng cách dưới 2m trong thời gian trên 15 phút như làm việc cạnh F0 trong dây chuyền sản xuất, ngồi cùng bàn ăn, ngồi cùng bàn trong cùng phòng làm việc...

Về việc theo dõi F1, nếu cơ sở sản xuất có trên 80% người lao động tiêm chủng đầy đủ thì tất cả F1 tiếp tục lao động, xét nghiệm lại vào ngày thứ 3 và ngày thứ 7, tiếp tục xét nghiệm 7 ngày/lần cho đến khi không còn phát hiện F0.

Trường hợp cơ sở sản xuất có dưới 80% người lao động tiêm chủng đầy đủ, thì đối với F1 chưa được tiêm vắc xin Covid-19 đầy đủ phải cách ly 14 ngày tại nhà (nếu đủ điều kiện) hoặc tại cơ sở cách ly, xét nghiệm lại vào ngày thứ 14. Còn đối với F1 đã tiêm vắc xin đầy đủ thì xử lý như trường hợp F1 của cơ sở sản xuất có trên 80% người lao động đã tiêm đủ vắc xin.

Thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ về ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, ngày 1/11, UBND TP HCM có Thông báo số 161 về cấp độ dịch trên địa bàn TP xét theo báo cáo của Sở Y tế TP. Theo đó, tính đến ngày 1/11, TP HCM đạt cấp độ 2 trong kết quả đánh giá cấp độ dịch Covid-19.

Ở cấp quận, huyện, TP Thủ Đức: có 13/22 địa phương đạt cấp độ 1; 9/22 địa phương đạt cấp độ 2 (quận 3, quận 11, quận 12, quận Bình Tân, Bình Thạnh, Phú Nhuận, huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè và huyện Hóc Môn).

Ở cấp phường, xã, thị trấn: có 207/312 địa phương đạt cấp 1; 101/312 địa phương đạt cấp 2; 04/312 địa phương đạt cấp 3 (phường 4 - quận Phú Nhuận, xã Hiệp Phước - huyện Nhà Bè, xã Vĩnh Lộc B - huyện Bình Chánh và thị trấn Hóc Môn).

Theo bản tin chiều 2/11 của Bộ Y tế, cả nước ghi nhận 5.637 ca mắc mới, trong đó có trên 2.250 ca cộng đồng. Sau 3 tháng liên tục có số mắc lớn nhất cả nước, hôm nay TP HCM lùi xuống vị trí số 3.

Các tỉnh, thành phố mở lại xe khách với TP HCM Các tỉnh, thành phố mở lại xe khách với TP HCM
Sở Y tế TP HCM đề xuất cho mở lại vũ trường, quán bar không giới hạn công suất Sở Y tế TP HCM đề xuất cho mở lại vũ trường, quán bar không giới hạn công suất

H.T