Tổng vốn FDI đăng ký gần 200 tỉ USD

17:07 | 15/03/2012

290 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
– Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hiện nay đóng góp tới 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, 19% GDP của đất nước và khoảng 40% giá trị sản lượng công nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang được tái cấu trúc một cách toàn diện đòi hỏi cách tiếp cận, quản lý nguồn vốn FDI phải thay đổi tương ứng.

Sáng 15/3, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Báo Đầu tư phối hợp Cục Đầu tư nước ngoài và Trung tâm nghiên cứu Đầu tư nước ngoài (Trường ĐH Kinh tế – ĐH QG Hà Nội) tổ chức Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy và nâng cao chất lượng dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam”.

Tham dự Hội thảo có ông Bùi Quang Vinh – Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Đỗ Nhất Hoàng – Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài; ông Quách Ngọc Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); ông Nguyễn Anh Tuấn – TBT Báo Đầu tư cùng đại diện các Bộ, Ban, ngành có liên quan.

Nguồn vốn ĐTNN đóng góp đáng kể vào thu ngân sách và các cân đối vĩ mô

Trong gần 25 năm qua, hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam đã góp phần quan trọng thúc đẩy nền kinh tế phát triển theo đường lối đổi mới và hội nhập quốc tế. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hiện nay đóng góp tới 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, 19% GDP của đất nước và khoảng 40% giá trị sản lượng công nghiệp.

Tính lũy kế đến hết tháng 2/2012, tổng số dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực tại Việt Nam là 13.530 dự án, với tổng vốn đăng ký gần 200 tỉ USD. Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc là các quốc gia dẫn đầu về vốn đầu tư vào Việt Nam, trong khi các địa phương tiếp cận vốn đầu tư lớn nhất trong cả nước lần lượt là TP HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu và Hà Nội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thu hút, sử dụng và quản lý FDI thời gian qua đã bộc lộ không ít hạn chế, nhất là về chất lượng của nguồn vốn; trình độ công nghệ; vấn đề ô nhiễm môi trường và sử dụng tài nguyên đất đai, khoáng sản.

Bên cạnh đó, trong tình hình kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, việc sụt giảm FDI trong những tháng đầu năm 2012 tại Việt Nam cũng đặt ra nhiều vấn đề thách thức với các nhà hoạch định chính sách, cũng như ảnh hưởng tới kế hoạch kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong nước.

Trong khuôn khổ hội thảo, có nhiều tham luận được chuẩn bị công phu, chi tiết và cụ thể về hiện trạng sử dụng và quản lý nguồn vốn FDI tại Việt Nam; những vấn đề còn tồn tại và các giải pháp được đặt ra.

Ông Đỗ Nhất Hoàng – Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài khẳng định trong thời gian tới, hoạt động thu hút vốn FDI cần tập trung vào các dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và tăng cường sự liên kết giữa các khu vực, các ngành, lĩnh vực tạo ra các chuỗi sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và có khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Ông Phan Hữu Thắng – Giám độc Trung tâm Nghiên cứu Đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đề xuất cần đào tạo nguồn lực lao động, nhất là lao động có kỹ năng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp ĐTNN.

Cũng trong hội thảo, GS.TS Nguyễn Mại đề nghị “Các cơ quan Nhà nước cần quan tâm hơn nữa tới những những ý kiến của các doanh nghiệp để giúp các cơ quan có thẩm quyền giải quyết nhanh các vấn đề hiện đang được các nhà đầu tư và doanh nghiệp FDI quan tâm”.

Vương Tâm