Tổng thống Putin tập trung chấn hưng kinh tế Nga

13:31 | 09/05/2018

688 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngày 7/5/2018, Tổng thống đắc cử Vladimir Putin đã chính thức tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Liên bang Nga nhiệm kỳ thứ 4. Ông Putin tiếp tục lãnh đạo nước Nga 6 năm tới trong bối cảnh tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn bất chấp hình ảnh của nước Nga trên trường quốc tế được cải thiện đáng kể trong thời gian qua.  
tong thong putin tap trung chan hung kinh te nga
Tổng thống Putin tại lễ nhậm chức Tổng thống Liên bang Nga nhiệm kỳ thứ 4 ngày 7/5

Theo thông lệ, nghi lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống Nga được cử hành trọng thể trong Đại điện Kremlin. Sự kiện bắt đầu vào lúc 16h00 ngày 7/5 (giờ Hà Nội) và kéo dài khoảng 50 phút. Cuộc bầu cử tổng thống Nga đã được tổ chức vào ngày 18/3/2018. Tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử là 67,54%. Nhà lãnh đạo đương nhiệm Vladimir Putin đã giành chiến thắng với 76,69% phiếu bầu, theo dữ liệu cuối cùng của Ủy ban Bầu cử, hơn 56,4 triệu cử tri đã bỏ phiếu cho ông Putin.

Trong bài phát biểu tại lễ nhậm chức, Tổng thống Putin tuyên bố: “Tôi cho rằng nghĩa vụ và ý nghĩa của đời mình là làm tất cả vì nước Nga, vì hiện tại và tương lai của đất nước, một tương lai hòa bình và phồn vinh, vì sự nghiệp bảo vệ và phát triển một dân tộc vĩ đại, vì cuộc sống ấm no trong mỗi gia đình người Nga”.

Ông nhấn mạnh: “Trong những giây phút này, khi nhậm chức Tổng thống Nga, tôi đặc biệt cảm nhận được trách nhiệm lớn lao trước mỗi các bạn, trước toàn thể nước Nga đa sắc tộc, trách nhiệm trước nước Nga, đất nước của những chiến thắng vĩ đại, trước lịch sử ngàn năm của quốc gia Nga và trước tổ tiên chúng ta. Sự quả cảm của ông bà tổ tiên ta, sự lao động cần cù không mệt mỏi, sự thống nhất để bất khả chiến bại, sự tôn thờ mảnh đất thân thương của mình - tất cả đều là tấm gương về lòng trung thành với Tổ quốc”.

Tổng thống Putin cảm ơn nhân dân Nga vì sự đoàn kết và tin tưởng vào sự thay đổi tốt hơn, vì mức độ ủng hộ dành cho ông trong cuộc bầu cử vừa qua và cho rằng đó là một vốn chính trị to tớn và cơ sở tinh thần chắc chắn để bảo vệ lập trường của Nga trên trường quốc tế và có những hành động kiên quyết để có những thay đổi sâu sắc và tính cực trong nước.

Tổng thống Putin nêu rõ cuộc sống đang đặt ra cho nước Nga những thách thức và nhiệm vụ mới. Trong lịch sử hàng nghìn năm của mình, nước Nga đã nhiều lần trải qua những biến động lớn, những thử thách nhưng đã phục hưng, đạt được những kỳ tích. Ông Vladimir Putin, 66 tuổi, liên tục điều hành nước Nga từ năm 2000. Trong 2 nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông đã vực dậy nền kinh tế bị kiệt quệ của một nước Nga sau nhiều năm đình đốn và sự sụp đổ của Liên Xô. 2000-2008 là giai đoạn ông Putin đem lại nhiều hy vọng cho người dân Nga. Bình ổn kinh tế. Năm 2008, khi mà giá dầu tăng cao đến mức chóng mặt, 100 rồi 120 USD/thùng, là thời điểm nhiều người đã nghĩ rằng nước Nga thực sự hồi sinh.

Tổng thống Putin mãn nhiệm, lui về làm thủ tướng. Mùa thu năm đó nổ ra khủng hoảng tài chính toàn cầu, bắt nguồn từ Mỹ. Dầu khí vẫn có giá đã bảo đảm cho nước Nga một nguồn ngoại tệ quan trọng. Nhưng từ giữa 2014 cho tới cuối 2016 nguyên và nhiên liệu mất giá. Dầu mỏ mất 25% giá trị rồi có lúc rơi xuống còn 32 USD/thùng vào tháng 1/2016 thay vì 115 USD như hồi tháng 6/2014. Nước Nga thực sự lao đao. Đang từ nền kinh tế thứ 10 của thế giới, bị đẩy lui xuống hạng thứ 16 theo như nghiên cứu của trung tâm Center of Economics & Business Research tại London.

2014 cũng là thời điểm Nga tái sáp nhập bán đảo Crimea. Moskva bắt đầu bị Âu - Mỹ trừng phạt. Thêm vào đó là đồng rúp mất giá. Hậu quả là số người nghèo tăng mạnh, mãi lực của tầng lớp trung lưu giảm sụt. Kinh tế sát bên bờ vực thẳm nhưng điều đó không khiến Điện Kremlin nhụt chí. Với nhiều biện pháp mạnh mẽ cải tổ kinh tế, thúc đẩy phát triển nội lực, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, cùng với dầu tăng giá trở lại, kinh tế Nga bắt đầu thoát khủng hoảng rồi tăng trưởng khá trong năm 2016 và 2017. Đồng rúp ổn định và lạm phát được giữ ở mức 4% chứ không phải là 15% như ba năm trước đó. Từ năm 2016, GDP tăng lên trở lại đạt 1,6%. Cơ quan thống kê Rosstat và Bộ Kinh tế Nga dự báo tăng trưởng năm nay cũng sẽ đạt 2%. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức 5%, tức là không cao hơn bao nhiêu so với ở Mỹ.

Theo Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược châu Âu (CEAS) Philippe Migault, nhờ ngành năng lượng và hàng triệu người lao động trong các nhà máy dầu mà kinh tế Nga đã đứng vững được trong giai đoạn 2014-2016. Thêm vào đó ngay cả trong thời kỳ khó khăn nhất, ông Putin vẫn dành ưu tiên cho ngành công nghiệp chế tạo vũ khí. Cùng với ngành dầu khí, đây sẽ là đầu tàu kéo kinh tế Nga đi lên. Sau cùng, do bị Âu - Mỹ trừng phạt, khu vực sản xuất của Nga phải chuyển đổi để cung cấp những mặt hàng gần giống như hàng nhập khẩu để đáp ứng với nhu cầu tiêu thụ nội địa. Nhờ đó mà nhiều sản phẩm của Nga được nâng cấp và nay thay thế hẳn hàng nhập khẩu.

tong thong putin tap trung chan hung kinh te nga
Tổng thống Putin tới lễ nhậm chức bằng xe limousine do Nga sản xuất

Trong bài phát biểu tại lễ nhậm chức, Tổng thống Putin đã chỉ thị cho đến năm 2024 đảm bảo Nga là một trong 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới, lạm phát không cao hơn 4%, theo nghị định Tổng thống đã ký “Về mục tiêu quốc gia và nhiệm vụ chiến lược của Liên bang Nga trong giai đoạn đến năm 2024”. Bên cạnh đó, Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh trang bị công nghệ kỹ thuật số trong nền kinh tế và lĩnh vực xã hội và việc thành lập các ngành kinh tế cơ bản, đặc biệt là trong công nghiệp chế biến sản xuất và nông nghiệp, lĩnh vực định hướng sản xuất xuất khẩu cao, phát triển trên cơ sở công nghệ hiện đại và đảm bảo nhân viên có trình độ cao.

Không ai có thể phủ nhận thành quả của ông Putin trong nhiệm kỳ vừa qua về mặt đối ngoại nhưng điểm yếu trầm trọng của Nga là về kinh tế, mà nguyên nhân thực sự là do Moskva đã không thực hiện nổi các cải cách cần thiết kể từ năm 2000, để đa dạng hóa kinh tế, đầu tư, cũng như trong lĩnh vực chống tham nhũng. Để đạt được mục tiêu mong đợi là có được bước ngoặt trong nền kinh tế Nga trong 6 năm cầm quyền tới, các chuyên gia cho rằng Tổng thống Putin sẽ phải vượt qua nhiều trở ngại lớn. Chuyên gia Florent Parmentier, giảng dạy tại đại học Sciences Po (Pháp) cho rằng thách thức thật sự trong tương lai đối với Tổng thống Nga là phải đa dạng hóa được nền kinh tế, ngoài lợi nhuận từ năng lượng chủ yếu thu được nhờ xuất khẩu. Điều này có nghĩa là Nga cần xuất khẩu những mặt hàng khác, hoặc thay thế xuất khẩu năng lượng bằng hàng hóa xuất khẩu của mỗi vùng.

Còn theo ông Arnaud Dubien, Giám đốc Viện Quan sát Pháp - Nga tại Moskva, việc tái bổ nhiệm Thủ tướng Dmitri Medvedev sẽ kéo theo “quá trình thay đổi thành phần ở cấp thấp hơn, hàng thứ trưởng, thậm chí cả trong chính phủ, và tầng lớp lãnh đạo các tập đoàn nhà nước đóng vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế Nga”. Trong vòng sáu năm tới, tân Thủ tướng Dmitri Medvedev sẽ là người thi hành sắc lệnh “giảm nghèo, cải thiện chất lượng sống, thịnh vượng, an ninh”, kể cả tăng tuổi thọ lên 78 tuổi vào năm 2024, thay vì 72 tuổi như hiện nay. Đây là một số mục tiêu trọng tâm trong chính sách mới, được tân Tổng thống Nga ban hành ngay sau khi nhậm chức. Có lẽ vì vậy, Tổng thống Putin tuyên bố giảm ngân sách quốc phòng Nga trong năm 2018 và 2019 và khẳng định không chạy đua vũ trang.

Như để chứng minh tinh hoa của nền công nghiệp Nga, lần đầu tiên, ông Putin đến lễ nhậm chức bằng xe limousine Aurus do Viện Nghiên cứu Khoa học và Xe hơi Trung ương Nga sản xuất. Chiếc xe sơn đen dài hơn 6 mét, được bán với giá tương đương một chiếc Bentley hay Rolls-Royce. Theo AFP, quyết định sử dụng xe hơi do Nga sản xuất còn hàm ý nhắc lại truyền thống thời Xô viết, khi các nhà lãnh đạo chỉ sử dụng phương tiện do Cộng hòa Liên bang Xô viết sản xuất: xe limousine ZIL dành cho các nguyên thủ, còn cấp dưới thường dùng xe Chaika.

Áp lực cải tổ kinh tế của ông Putin sẽ càng khó khăn hơn khi mà các hành động chống nước Nga từ phương Tây vẫn không suy giảm. Trong một hành động mới nhất, ngày 4/5, Lầu Năm Góc thông báo Hải quân Mỹ đã tái lập Hạm đội 2, gần bảy năm sau khi nó bị giải thể vì các lí do tiết kiệm chi phí và tổ chức. Hạm đội 2, trước đây chịu trách nhiệm tuần tra vùng Bắc Đại Tây Dương, sẽ được đặt tại thành phố Norfolk ở bang Virginia ven Đại Tây Dương và sẽ bắt đầu hoạt động vào ngày 1/7 tới.

“Trong chiến lược quân sự quốc gia mới của chúng ta nói rõ rằng chúng ta đã trở lại thời đại cạnh tranh quyền lực của các cường quốc, số lượng thách thức đối với chúng ta đang tăng lên, tình hình phức tạp hơn. Vì thế chúng ta đang tái lập Hạm đội 2 để đáp trả những thách thức này, đặc biệt là ở Bắc Đại Tây Dương”, Tư lệnh hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson, nói. Trước đó trong năm nay, Lầu Năm Góc đã thông báo một chiến lược quốc phòng mới với ưu tiên là Nga và Trung Quốc.

Nh.Thạch

AFP

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc