Tổng thống Biden phát biểu về châu Âu, hành động hướng về Trung Quốc

16:27 | 09/06/2021

|
(PetroTimes) - Tạp chí Politico của Mỹ ngày 4/6/2021 có bài phân tích của tác giả Jeremy Shapiro cho rằng Tổng thống Biden nỗ lực đưa quan hệ của Mỹ với châu Âu trở lại sự đoàn kết xuyên Đại Tây Dương; tuy nhiên, Trung Quốc mới là trọng tâm chính sách đối ngoại, châu Âu chỉ đóng vai trò hỗ trợ trong cuộc đấu địa chính trị mới, một số nội dung chính như sau:
Tổng thống Biden phát biểu về châu Âu, hành động hướng về Trung Quốc
Hội nghị cấp cao trực tuyến Mỹ-EU tháng 3 năm 2021. Ảnh: EURACTIV với Reuters và AFP

Châu Âu nồng nhiệt đón nhận khẩu hiệu “Nước Mỹ quay trở lại”

Trong tháng 6, Tổng thống Biden có một loạt chuyến thăm tới châu Âu, với các cuộc gặp thượng đỉnh G7 (11-13/6) tại Cornwall, Anh; NATO (14/6) và EU-US (15/6) tại Brussels, Bỉ; Mỹ-Nga (16/6) tại Geneva, Thụy Sỹ.

Tại các cuộc gặp sắp tới, Tổng thống Biden sẽ tranh thủ cơ hội phát biểu với các đồng minh châu Âu rằng “Nước Mỹ quay trở lại”, tái khẳng định sự đoàn kết thiêng liêng xuyên Đại Tây Dương, cam kết của Mỹ với Liên minh Đại Tây Dương. Như Ngoại trưởng Đan Mạch Jeppe Kofod vui mừng thốt lên tại cuộc gặp Ngoại trưởng Mỹ Blinken tại thủ đô Coppenhagen “Hôm nay là một ngày tốt đối với Đan Mạch và đối với sự hợp tác xuyên Đại Tây Dương” vì “ngày hôm nay, nước Mỹ đã quay trở lại”. Tuyên bố này thể hiện một niềm vui và cho thấy sự thở phào sâu sắc tại các thủ đô châu Âu.

Tuy nhiên, Trung Quốc mới là thách thức toàn cầu

Tuy nhiên, trong các hành lang quyết sách chính trị tại Washington, một bức tranh khác về thái độ của chính quyền Biden đối với châu Âu đang định hình. Tại đó, Trung Quốc là mục tiêu rõ ràng, thậm chí là sự tập trung có tính ám ảnh trong chính sách đối ngoại của chính quyền Biden. Theo chính quyền Biden, Trung Quốc mới là thách thức toàn cầu và thách thức ý thức hệ của thế hệ tới, những người kế thừa sau Chiến tranh Lạnh và cuộc chiến chống Khủng bố. Để đối mặt với thách thức mang tính thế hệ này, các vấn đề đối ngoại đều lệ thuộc vào cuộc xung đột toàn cầu với một đối thủ cạnh tranh tương đương. Theo kịch bản đó, nhiều cuộc gặp của Nhà Trắng đã có tiêu đề như “Trung Quốc và Latin America”, “Trung Quốc và 5G”, “Trung Quốc và Khí hậu”.

Châu Âu đóng vai trò hỗ trợ Mỹ trong cuộc chiến địa chính trị mới

Dư luận cho rằng các đồng minh là ưu thế chính của Mỹ trong cuộc đấu với Trung Quốc. Các đồng minh châu Âu là một phần quan trọng trong mạng lưới liên minh mới mở chống Trung Quốc; tuy nhiên, không giống như thời Chiến tranh Lạnh, châu Âu bây giờ không đóng vai trò trung tâm. Châu Âu có thể đóng vai trò tốt nhất là hỗ trợ Mỹ trong cuộc đấu chống Trung Quốc.

Tổng thống Biden phát biểu về châu Âu, hành động hướng về Trung Quốc
Cuộc gặp trực tuyến giữa Tổng thống Biden và Thủ tướng Đức A.Merkel

Ngoài các cuộc gặp thượng đỉnh và sự quan tâm ngoại giao, hành động của chính quyền Biden cho thấy Mỹ không tin rằng châu Âu sẽ là thành phần sống còn trong cuộc chiến địa chính trị mới này. Với nhiều vấn đề đối ngoại hiện nay, việc chính quyền Biden không ưu tiên chính sách với châu Âu là điều hiểu được. Tuy nhiên, như vậy Mỹ cũng bỏ lỡ cơ hội khích lệ châu Âu trở nên hiệu quả hơn, trở thành một đối tác địa chính trị hơn, có thể hợp tác với Mỹ để quản lý sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Ưu tiên nhân sự dành cho Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Trung Đông

Việc châu Âu không phải là một ưu tiên đối với Tổng thống Biden được thể hiện trong nhân sự và lựa chọn chính sách. Tổng thống Biden đã tạo ra các vị trí “điều phối” mới, quyền lực trong nhân sự của Hội đồng An ninh Quốc gia cho Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Trung Đông.

Tuy nhiên, chính quyền Biden không tạo một vị trí tương tự như vậy cho châu Âu. So với các nước châu Âu, các đối tác châu Á của Mỹ là Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và Ấn Độ có vai trò quan trọng hơn trong cuộc chiến trung tâm với Trung Quốc. Điều đó cho thấy tại sao Thủ tướng Nhật Bản và Tổng thống Hàn Quốc là hai lãnh đạo nước ngoài đầu tiên và duy nhất cho đến nay thăm Tổng thống Biden tại Nhà Trắng trong bối cảnh Nhà Trắng hạn chế thăm vì đại dịch Covid.

Dòng chảy Phương Bắc 2 có liên quan đến ưu tiên chính sách với Trung Quốc của chính quyền Biden

Ưu tiên về Trung Quốc liên quan đến cả dự án Dòng chảy Phương Bắc 2, một vấn đề trong chính sách của Mỹ với châu Âu được đề cập ngay từ ngày đầu của chính quyền Biden. Đức ủng hộ dự án, trong khi nhiều nước Trung và Đông Âu đồng minh của Mỹ và một số Nghị sỹ Quốc hội Mỹ mạnh mẽ phản đối dự án, với lập luận dự án sẽ giúp Nga có thêm đòn bẩy năng lượng ở châu Âu.

Với sự tán thành của chính phủ Đức, chính quyền Biden quyết định không trừng phạt công ty Đức điều hành Nord Stream 2 (Nord Stream 2 AG). Giải thích về quyết định này, Thư ký báo chí của Nhà Trắng Jen Psaki ghi nhận tầm quan trọng của việc duy trì quan hệ tốt với Đức, nhấn mạnh “chúng tôi đã có một loạt các quyết định thông qua các nhân tố toàn cầu”. Nhân tố toàn cầu ở đây chính là Trung Quốc. Đức là khách hàng lớn nhất của Trung Quốc, là nhà cung cấp lớn nhất cho châu Âu và là đồng minh châu Âu quan trọng nhất của Mỹ trong việc quản lý sự trỗi dậy của Trung Quốc. Chính quyền Biden thể hiện quan điểm cứng rắn với Nga và trừng phạt một số công ty Nga có liên quan đến Dòng chảy Phương Bắc 2. Tuy nhiên, cách tiếp cận thận trọng của chính quyền Biden trong vấn đề Dòng chảy Phương Bắc 2 cho thấy Mỹ ưu tiên duy trì một mặt trận chung với Đức về Trung Quốc trong khi giữ gìn đoàn kết với các nước Trung và Đông Âu, đồng minh của Mỹ trong các vấn đề với Nga.

Tổng thống Biden phát biểu về châu Âu, hành động hướng về Trung Quốc
Công trường xây dựng Nord Stream 2 ở gần Vịnh Narva, quận Kingisepp, khu vực Leningrad, Nga. Ảnh: Agiteco/Nord Stream 2

Châu Âu sẽ không đóng vai trò địa chính trị quan trọng ở Đông Á

Việc Chính quyền Biden không đặt ưu tiên chính sách với các đồng minh châu Âu nằm ngoài lý do địa lý. Sau nhiều thập kỷ chờ đợi một châu Âu hiệu quả hơn và có tư duy địa chính trị hơn, sau nhiều nỗ lực thuyết phục để các nước châu Âu dành 2% GDP cho quốc phòng và sau khi quan sát châu Âu không thể cùng hành động chống đại dịch Covid, Washington cho rằng một châu Âu chia rẽ sẽ không có lợi cho nỗ lực của Mỹ chống Trung Quốc.

Thúc đẩy châu Âu chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng và ủng hộ nỗ lực của Mỹ “quản lý sự trỗi dậy của Trung Quốc", nhưng Mỹ không tin rằng châu Âu có thể đóng góp nhiều hơn, ngoài việc duy trì quan hệ kinh tế xuyên Đại Tây Dương.

Châu Âu gắn bó với thị trường Trung Quốc có nghĩa là châu Âu sẽ không bao giờ ủng hộ hoàn toàn chiến dịch gây áp lực địa kinh tế của Mỹ đối với Trung Quốc. Sự kiện Brexit cũng cho thấy sự chia rẽ kinh niên của châu Âu, châu Âu không thể trở nên hiệu quả ngay cả khi họ mong muốn.

Mỹ muốn có sự ủng hộ sâu sắc của châu Âu trong cuộc đấu với Trung Quốc

Tuy nhiên, với các giá trị dân chủ của châu Âu và liên minh lâu dài với Mỹ, Trung Quốc cũng không bao giờ có thể làm các nước châu Âu chống Mỹ. Châu Âu không phải là một giải pháp cho chính sách Trung Quốc của Mỹ nhưng cũng không là vấn đề đối với chính sách đó.

Tác giả kết luận rằng Mỹ sẽ muốn có một sự ủng hộ sâu sắc của châu Âu trong cuộc đấu lâu dài để quản lý sự trỗi dậy của Trung Quốc. Các phát biểu, và hành động của Châu Âu ở một mức độ nào đó cũng cho thấy châu Âu mong muốn trở thành các tay chơi địa chính trị trên thế giới và chia sẻ trách nhiệm trong việc định hình một hệ thống quan hệ quốc tế mới đang manh nha. Mỹ, EU và Anh cùng hợp tác với nhau có thể đạt được các mục tiêu đó./.

Thanh Bình