Tổng cục Hải quan: Đẩy mạnh cải cách, nâng tầm quản lý rủi ro

13:19 | 11/09/2011

329 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vừa qua, tại Hội nghị sơ kết công tác 8 tháng năm 2011 trong công tác quản lý rủi ro và phương hướng nhiệm vụ những tháng cuối năm 2011 và năm 2012, ngành Hải Quan đã đặt ra mục tiêu: Đẩy mạnh cải cách, nâng tâm quản lý rủi ro.
Thủ tục Hải Quan điện tử đẩy lùi nhiều rủi ro trong hoạt động xuất, nhập khẩu.

Thủ tục Hải quan điện tử đã kiềm chế nhiều rủi ro trong hoạt động xuất, nhập khẩu.

Thời gian qua, trong nỗ lực thúc đẩy hợp tác quốc tế với Chính phủ Nhật Bản, ngành Hải quan đã nhận được sự hợp tác giúp đỡ tích cực từ phía bạn bằng việc xúc tiến tài trợ cho Hải quan Việt Nam xây dựng hệ thống thông quan điện tử và Hải quan một cửa (VNACCS).

Cùng với VNACCS, Nhật Bản cũng hỗ trợ xây dựng một số cấu phần của hệ thống thông tin QLRR (VCIS) để phục vụ cho việc vận hành hệ thống VNACCS. Với sự giúp đỡ này, Hải quan Việt Nam sẽ có cơ hội đẩy nhanh tiến độ hiện đại hóa, đặc biệt là tự động hóa trong thủ tục hải quan và cải tiến quy trình thủ tục hải quan. Điều này cũng có tác động ảnh hưởng lớn đến kế hoạch chiến lược QLRR của ngành Hải quan trong những năm tới.

Trong những tháng cuối năm 2011 và năm 2012, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm của công tác QLRR những tháng cuối năm 2011 và năm 2012 hướng đến thực hiện mục tiêu cải cách, phát triển, hiện đại hóa ngành Hải quan, tạo thuận lợi thương mại, đồng thời tăng cường năng lực, hiệu lực, hiệu quả kiểm soát việc tuân pháp luật hải quan, bao gồm những nội dung cụ thể sau đây :

Thứ nhất, tham gia vào việc thiết kế, xây dựng hệ thống thông quan điện tử và Hải quan một cửa (VNACCS), kết hợp với việc xây dựng hệ thống thông tin tình báo (VCIS) trong khuôn khổ dự án hợp tác hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản đối với Hải quan Việt Nam, trên cơ sở phù hợp với các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế về QLRR và thực tiễn hoạt động của ngành Hải quan.

Thứ hai, xây dựng và tiến tới hoàn thiện hành lang pháp lý về thu thập, xử lý thông tin nghiệp vụ và quản lý rủi ro, trên cơ sở Luật hóa các quy định có tính nguyên tắc về thu thập, xử lý thông tin nghiệp vụ và quản lý rủi ro. Cụ thể hóa các quy định, hướng dẫn các hoạt động này ở các cấp độ văn bản Nghị định của Chính phủ và Thông tư của Bộ Tài chính. Kiến nghị hoàn thiện các quy định về kiểm tra, giám sát hải quan, các cơ chế, chính sách quản lý, chính sách thuế có liên quan để đảm bảo phù hợp với thực tế hoạt động hải quan nói chung và áp dụng QLRR nói riêng.

Thứ ba, kiện toàn tổ chức bộ máy và lực lượng của hệ thống đơn vị chuyên trách quản lý rủi ro ở cấp Tổng cục và cấp Cục Hải quan tỉnh, thành phố theo hướng nâng tầm về địa vị pháp lý (thành lập Cục Quản lý rủi ro ở cấp Tổng cục và thành lập bổ sung một số Phòng QLRR tại các Cục Hải quan tỉnh), chuyên nghiệp hóa lực lượng QLRR đảm bảo đủ về số lượng, chuyên sâu về nghiệp vụ, đủ khả năng đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thứ tư, xây dựng, nâng cấp, phát triển hệ thống thông tin hải quan và thông tin nghiệp vụ hải quan đảm bảo việc cập nhật, chia sẻ, trao đổi, cung cấp thông tin trong và ngoài ngành, đáp ứng cơ bản các yêu cầu nghiệp vụ của ngành Hải quan. Phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tích hợp và xử lý dữ liệu tự động, đảm bảo thời gian thực; nâng cấp, phát triển các phần mềm phục vụ quản lý, phân tích, theo dõi, đánh giá rủi ro; nâng cấp kết cấu hạ tầng mạng đảm bảo việc đồng bộ hóa dữ liệu và thông suốt hệ thống.

Thứ năm, xây dựng và triển khai toàn diện cơ chế phối hợp trao đổi thông tin với các đơn vị thuộc các Bộ, ngành và các tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan ở các cấp, đơn vị hải quan, hướng đến việc xây dựng hệ thống chia sẻ thông tin giữa cơ quan Hải quan với các đơn vị này. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về trao đổi thông tin nghiệp vụ và chỉ số đánh giá rủi ro nhằm theo kịp với những thay đổi trong của môi trường hợp tác quốc tế về lĩnh vực này.

Thứ sáu, tăng cường năng lực thu thập thông tin, phân tích, đánh giá rủi ro nhằm tạo ra những thay đổi về chất trong công tác QLRR, trong đó chú trọng đầu tư phát triển một số lĩnh vực hoạt động, như: thu thập, cập nhật thông tin phản hồi về phân luồng và kết quả kiểm tra hải quan; thông tin vi phạm pháp luật hải quan; phân tích dự báo rủi ro trong các lĩnh vực hải quan; phân tích, xác định trọng điểm phục vụ việc điều phối hoạt động kiểm tra giám sát hải quan; xây dựng, ứng dụng hồ sơ rủi ro trong các lĩnh vực nghiệp vụ hải quan làm cơ sở cho việc điều phối thống nhất hoạt động kiểm tra, giám sát trong các lĩnh vực nghiệp vụ hải quan.

Thứ bảy, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý tuân thủ doanh nghiệp, thực thi tuân thủ và nâng cao khả năng tự tuân thủ của doanh nghiệp, góp phần thiết lập môi trường tuân thủ tự nguyện; trong đó tập trung vào một số công việc, như: tăng cường công tác thu thập, cập nhật thông tin doanh nghiệp; xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý đối với doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật hải quan; chuẩn hóa tiêu chí đánh giá doanh nghiệp; triển khai các biện pháp đo lường, đánh giá tuân thủ doanh nghiệp và áp dụng biện pháp thực thi tuân thủ. Xây dựng và triển khai các chương trình hợp tác tự nguyện tuân thủ của doanh nghiệp, trong đó chú trọng đến các nội dung nhằm đảm bảo tính hiệu lực và hiệu quả của các chương trình này.

Thanh Ngọc