Tokyo và chính sách “quyền lực mềm”

06:30 | 25/09/2013

4,025 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong khi Trung Quốc thất bại trong việc xây dựng “quyền lực mềm”, đối thủ Nhật Bản của họ lại mềm dẻo và tạo ra ảnh hưởng văn hóa để mang lại sức mạnh chính trị lẫn kinh tế. Suy thoái kinh tế vẫn không ngăn những đồng vốn ODA của Nhật đổ vào nhiều quốc gia và ảnh hưởng văn hóa Nhật đối với thế giới ngày càng được cảm nhận rõ hơn…

Dấu chân Nhật trên những nẻo đường hải ngoại

Câu chuyện sau đây là một trường hợp cụ thể. Khi Kensuke Onishi (Osaka) quyết định dùng bằng đại học với chuyên ngành ngoại giao cùng khả năng Anh ngữ của mình để giúp nạn nhân cộng đồng Kurd ở Bắc Iraq, mẹ ông đã khóc hết nước mắt. Bà mong cậu con trai “sớm nghĩ lại” để trở về Nhật và làm việc trong một môi trường an toàn với mức lương cao. Thế rồi năm 1996, Onishi thành lập một trong những tổ chức phi chính phủ quốc tế lớn nhất Nhật, Peace Winds Japan, hoạt động khắp thế giới, từ Sudan đến Đông Timor. Bây giờ, Onishi có thể tự hào với những đóng góp trong việc xây dựng hình ảnh nước Nhật thời hiện đại (hai cựu thành viên Peace Winds Japan từng có chân trong Quốc hội Nhật).

“Tôi tin ngày càng có nhiều người Nhật hơn nhận ra rằng, họ có nhiệm vụ thực hiện những sứ mạng trợ giúp ở hải ngoại và mang lại vài giá trị của chúng tôi cho thế giới” - Onishi nói. Một cách không ồn ào và không “vỗ ngực xưng tên”, người Nhật và chính phủ họ đang triển khai thành công đường lối tiếp cận thế giới - ở góc độ kinh tế, chính trị lẫn văn hóa - bằng sức mạnh “quyền lực mềm”.

Lính Nhật tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc

Trong lĩnh vực kinh tế, Nhật tiếp tục tạo ảnh hưởng ở chiều rộng lẫn chiều sâu. Chỉ trong 10 tháng đầu năm 2008, số thương vụ mua công ty nước ngoài của Nhật đã tăng gần gấp 4 với trị giá khoảng 67 tỉ USD. Khi cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ nổ ra cuối năm 2008, Nhật đã mở rộng ảnh hưởng toàn cầu với việc Tập đoàn Nomura Group mua loạt chi nhánh Lehman Brothers (Mỹ) ở châu Á, châu Âu và Trung Đông; trong khi Mitsubishi Financial bỏ 9 tỉ USD vào Công ty Đầu tư tài chính Morgan Stanley (New York). Tokyo cũng chi 100 tỉ USD cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để giúp các nước đang phát triển vượt qua cơn bão tài chính (đến nay, Nhật là nước duy nhất làm điều này). Nhật cũng đang là nước đổ vốn mạnh vào châu Phi, với cam kết 3,2 ngàn tỉ yen (40 tỉ USD) trong đó có 17 tỉ USD cho các chương trình ODA, tính đến giữa năm 2013.

Trong chuyến công du Myanmar vào tháng 5/2013, Thủ tướng Shinzo Abe đã hứa cho nước này vay mới khoảng 500 triệu USD và xóa khoản nợ 1,74 tỉ USD (năm 2012, Nhật đã xóa khoản nợ 3,4 tỉ USD cho Myanmar). Và ít người để ý rằng, Nhật viện trợ cho cả Trung Quốc. Theo báo cáo OECD năm 2011 (nguồn số liệu mới nhất), Nhật đã hỗ trợ phát triển cho Trung Quốc gần 800 triệu USD. Năm 2000, theo tờ Nhân Dân nhật báo (Trung Quốc), viện trợ kinh tế của Nhật cho Trung Quốc thời điểm đó đã lên đến con số kỷ lục 1,98 tỉ USD! (Foreign Policy 12/7/2013).

Trong cuộc thăm dò BBC thực hiện toàn cầu năm nay (BBC, 23/5/2013), Nhật được xếp hạng tư thế giới về hình ảnh tích cực (sau Đức, Canada và Anh; Trung Quốc xếp thứ 9). Hình ảnh tích cực này thể hiện rõ ở cái nhìn cùng sự xuất hiện thân thiện mà người Nhật mang lại với nhiều quốc gia thế giới và họ cũng được đón nhận với tình cảm tương ứng. Để được điều đó hẳn chẳng phải dễ dàng và quốc gia nào cũng làm được. Hình ảnh tích cực của Nhật được xây dựng và hình thành ở nhiều mặt trận. Trong bài viết trên Christian Science Monitor, tác giả Amelia Newcomb cho biết Tokyo hiện tiếp tục quảng bá “tinh thần và giá trị Nhật” với nhiều cách khác nhau, ở nhiều lĩnh vực khác nhau và bằng nhiều nguồn lực khác nhau.

Với Kenjiro Monji, Tổng giám đốc chính sách cộng đồng, một trong những thành công trong chính sách “quyền lực mềm” của Tokyo là đóng góp vào sự ổn định thế giới, với nhiều ý tưởng cách mạng độc đáo, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học môi trường (Nhật là một trong những nước có “chính sách xanh” tốt nhất thế giới). Với màu áo lực lượng gìn giữ hòa bình, người Nhật đã có mặt ở Afghanistan (từng có mặt ở Iraq) cũng như hiện diện nhiều điểm nóng khác. Làm việc cùng Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), Nhật đã đầu tư 92 triệu USD để giúp 21 quốc gia châu Phi giải pháp vấn đề thay đổi khí hậu (một phần trong khuôn khổ dự án có ngân sách 10 tỉ USD). Và khi nạn hải tặc Somalia hoành hành, Nhật cũng bắt đầu thảo luận việc cho phép tuần dương nước mình được hộ tống tàu dầu và tàu buôn.

Tất cả cho thấy sự thay đổi quan điểm của Nhật với chuyển dịch thay đổi của thế giới, khi họ lột xác từ hình ảnh nhà quân phiệt Thế chiến thứ II trở thành nhà buôn, nhà ngoại giao, nhà từ thiện… với tầm ảnh hưởng toàn cầu. Nói ở một góc độ hẹp, Nhật đã trở thành một cường quốc có sức ảnh hưởng lãnh đạo thế giới, theo một cách mềm dẻo, trên tinh thần lấy “nhu” làm nền tảng.

Tận dụng tất cả công cụ có thể

Như được diễn giải trong lý thuyết của Joseph S. Nye, “quyền lực mềm” không thể được tạo ra và thực hiện mà không dùng đến công cụ văn hóa. Nhật đã làm tốt điều này. Tokyo đang xây dựng một chương trình truyền hình phủ sóng toàn cầu (Japan International Broadcasting) với mục đích tiếp cận khán giả mọi ngóch ngách thế giới. Cùng lúc là kế hoạch mở hơn 100 trung tâm ngôn ngữ ở nhiều nước chuyên dạy tiếng Nhật (theo cách quảng bá ngôn ngữ nước mình của Hội đồng Anh thuộc Vương quốc Anh hoặc Viện Goethe của Đức). Theo Viện Giáo dục quốc tế, số người Mỹ học tiếng Nhật đã tăng 13% từ năm 2005-2007. Nếu như trước kia, người ta học tiếng Nhật để tìm kiếm cơ hội việc làm; bây giờ, không ít người học tiếng Nhật chỉ bởi bị thu hút sự nổi trội văn hóa Nhật - theo Tsutomu Sugiura, cố vấn Viện Nghiên cứu Marubeni (Tokyo).

"Nhật Bản trở lại" - hiệu triệu của Thủ tướng Shinzo Abe - thể hiện một phần quyền đăng cai Thế vận hội 2020

Tài trợ văn hóa cũng là một mục tiêu. Trên Japan Times, tác giả Chris Burgess cho biết, Tokyo đang có chính sách thu hút sinh viên nước ngoài, lên 300.000 vào năm 2020; trong khi cùng lúc Bộ Văn hóa - Giáo dục - Thể thao - Khoa học - Kỹ thuật Nhật (MEXT) kêu gọi học sinh trung học nước mình trau dồi thực hành tiếng Anh mỗi ngày (Anh ngữ được đưa vào dạy ở hệ thống tiểu học Nhật vào năm 2011). Số sinh viên Nhật du học nước ngoài cũng tăng gấp ba (1990-2004), lên 82.925 người.

Roland Kelts - Giáo sư Đại học Tokyo, tác giả quyển Japanamerica: How Japanese Pop Culture Has Invaded the U.S (Nhật - Mỹ: Văn hóa Nhật đã xâm chiếm Mỹ như thế nào) - ghi nhận thêm, năm 2007 tại Pháp, có 1.787 truyện tranh nước ngoài được dịch và 64% trong đó là truyện Nhật. Ở Mỹ, doanh số truyện manga năm 2007 tăng 5%, lên hơn 210 triệu USD! Năm 2008, Nhật đã trao giải Manga quốc tế lần thứ hai cho một tác giả Hongkong (người chiến thắng trước loạt tác giả gửi truyện thi từ 46 quốc gia, từ Indonesia, Nga, Brazil, Arập Xêút đến Tây Ban Nha)… “Để cải thiện hình ảnh của bạn trên thế giới, bạn phải dùng tất cả công cụ có thể” - Tổng giám đốc chính sách cộng đồng Kenjiro Monji nói. Và điều này thể hiện ở chính sách học bổng dành cho sinh viên nước ngoài; ở chính sách tài trợ ODA; ở đường lối ngoại giao tôn trọng yếu tố đa cực…

Và còn ở nhiều chi tiết nhỏ tưởng chừng vụn vặt: tháng 5/2008, Nhật “phong” búp bê Hello Kitty (một trong những sản phẩm văn hóa xuất khẩu số một của Nhật) làm “đại sứ du lịch”, hai tháng sau khi “cậu” Doraemon được “bổ nhiệm” làm “đại sứ hoạt hình” đầu tiên của nước mình. Giữa năm 2013, Chính phủ Tokyo loan bố lập nguồn quỹ “Cool Japan” (Nước Nhật thú vị) với ngân sách 500 triệu USD để giúp các công ty Nhật bán sản phẩm văn hóa ra nước ngoài… Một chỉ dấu nữa cho thấy mức độ ảnh hưởng Nhật là số nhân viên Nhật làm việc cho các cơ quan trực thuộc Liên Hiệp Quốc, hiện tăng gần 700 người so với chưa đến 500 cách đây 7 năm.

Tất nhiên việc sử dụng đồng tiền một cách khôn khéo (và có lợi trước hết là cho các công ty Nhật) trong mục tiêu xây dựng “quyền lực mềm” vẫn nằm đầu bảng đối với giới chính trị Nhật. Yasushi Watanabe - đồng biên tập quyển mới ấn hành Soft Power Superpowers - không giấu được tự hào khi nói, công chúng Nhật hiện có cảm giác kể từ khi đất nước họ được giúp để tái thiết sau chiến tranh cách đây 60 năm, bây giờ họ thể hiện sự đáp lại khi làm điều tương tự. Lý tưởng này trở thành động lực giúp tuyển mộ nhân viên mới cho Tổ chức tình nguyện viên hải ngoại Nhật Bản (JOCV) mà từ năm 1965 đến nay đã phái hơn 30.000 người đến làm công tác từ thiện tại hơn 70 quốc gia. Hiện tại, người ta có thể thấy nhiều tình nguyện viên Nhật là phái nữ hoặc thậm chí người già, những người muốn sống có ích khi ở tuổi nghỉ hưu.

Bài học thành công của Nhật cho thấy “quyền lực mềm” là xu hướng đối ngoại đúng đắn và đặc biệt thích hợp ở một thế giới toàn cầu hóa trong thế kỷ XXI. Với những nước theo đuổi chính sách “tất cả đều là bạn”, “quyền lực mềm” là công cụ hoàn hảo để xây dựng và phát triển quốc gia. Nó đối chọi với chính sách hung hăng và bá quyền.

Mạnh Kim