Tôi không tự ti, cũng chẳng kiêu căng

07:00 | 20/01/2014

|
Bạn đọc: Sau khi đọc bài “Vốn ngoại ngữ của An Chi” trên Báo Năng lượng Mới, số xuân Giáp Ngọ, có người đã đưa lên Facebook một bài viết ngắn nhan đề “Sự kiêu căng của học giả An Chi”.

Trong bài này, người đó viết đại ý là vì trước kia ông An Chi đã bị “đì” (chữ của tôi) nên hệ quả là ông rất ghét những kẻ có quyền lực và cả những người có uy tín trong học thuật. Do đó mà ông đã tranh cãi không những với người còn sống mà cả với người đã khuất (như cụ Đào Duy Anh). Sự kiêu căng (arrogance) này chính là biểu hiện vô thức của một sự tự ti về việc học hành không đến nơi đến chốn của ông An Chi thời nhỏ, theo phân tâm học của A. Adler.

Xin ông An Chi cho biết, người đó nghĩ về ông như thế còn ông thì nghĩ về mình như thế nào? Xin cảm ơn. Chín Hay Lo Xa (đường Nguyễn Văn Đậu, P.11, Q. Bình Thạnh, TP HCM)

Học giả An Chi: Chắc là người đó (NĐ) muốn làm đệ tử của Alfred Adler chứ riêng đối với An Chi thì phân tâm học và vô thức chẳng có nghĩa lý gì. Tôi không có ý tranh luận với NĐ - vì cũng không cho rằng ông ta có ác ý - nhưng với tôi thì vị thế của phân tâm học và của cả cha đẻ của nó là Sigmund Freud đã lung lay và sa sút từ lâu rồi.

Chỉ cần vào trang  DeconstruireBabylone, mục “Critique de la psychanalyse” (Phê phán [đối với] phân tâm học) thì ta đã đọc được mấy dòng sau đây: “La psychanalyse a rencontré des critiques dès sa naissance. Les thèses de Freud ont provoqué l'opposition de scientifiques, médecins, philosophes et psychologues de son temps” (Phân tâm học đã gặp phải những sự phê phán ngay từ lúc nó ra đời. Các luận thuyết của Freud đã gây nên sự chống đối của các nhà khoa học, các thầy thuốc, các nhà triết học và các nhà tâm lý học ở thời của ông ta).

Tôi (AC) xin nhấn mạnh rằng, phân tâm học với cái gọi là “vô thức” (inconscient) của nó chỉ là trò bịp bợm, như ở nước ngoài người ta đã phê phán thành chủ đề: “La psychanalyse est une escroquerie” (Phân tâm học là một trò bịp bợm). Còn Adler, một trong những môn đệ đầu tiên của Freud thì, sau khi bất hòa về lý thuyết với ông thầy, đã đoạn tuyệt với Freud. Freud thì cho rằng, “những lời giáo huấn kiểu Adler, sai lầm về mặt khoa học, gây nguy hại cho sự phát triển của phân tâm học trong tương lai”. Bênh vực Freud, những người trung thành với thuyết của Freud xem vụ xung khắc giữa Adler với người thầy là “mặc cảm ấu trĩ không từ bỏ được về sự nổi loạn chống lại người cha”.

Về khái niệm “mặc cảm tự ti”, trong Le sens de la vie (Ý nghĩa cuộc sống), Adler đã tóm tắt lý thuyết về cảm nhận tự ti của mình bằng một câu: “Làm người là cảm thấy mình thấp kém” (Être un homme, c’est se sentir inférieur). Theo Adler thì mặc cảm tự ti có ba căn nguyên: một là sự khiếm khuyết của cơ quan (thân thể), hai là những sự nuông chiều và ba là những sự lơ là trong giáo dục. Adler cho rằng, những thương tổn của cơ quan quan trọng đến nỗi nó tác động đến cấu trúc của tâm thần và thúc đẩy đương sự đến hoặc những thành tựu phi thường hoặc chứng loạn thần kinh chức năng.

Adler đã kể ra những thí dụ: Démosthène (nói lắp), Beethoven (điếc), Monet (mắt kém) đã trở thành nhà hùng biện, nhà soạn nhạc và danh họa. Adler cho đó là luật bù trừ. Còn Freud thì đã chỉ trích mạnh mẽ Adler và cho rằng “một đứa trẻ cảm thấy mình thấp kém nếu nó nhận thấy mình không được thương yêu và cũng như thế đối với người lớn. Còn cái cơ quan thực sự bị xem là khiếm khuyết thì chỉ là dương vật bị teo đi, (tức) âm vật của đàn bà”.

Một người tự nhận là kẻ nối nghiệp của Freud ở nước Pháp là Jacques Lacan đã nổi danh là “nhà phân tâm học gây nhiều tranh cãi nhất (the most controversial psycho-analyst) từ sau Freud; ông ta còn bị nhà ngữ học và triết học nổi tiếng người Mỹ là Noam Chomsky - từng quen biết với ông ta - xem là một anh lang băm (charlatan). Về cuối đời, ông ta đã phát biểu: “Sự thực hành của chúng tôi là một trò bịp. Lòe người, làm cho người ta lóa mắt, làm cho họ choáng bằng những từ ngữ bịp bợm - dù sao thì đó cũng là cái mà người ta goi là bịp bợm

Về mặt đạo đức, nghề nghiệp của chúng tôi là điều không chấp nhận được. Vấn đề là ở chỗ có nên xem (hiện tượng) Freud như một sự kiện lịch sử hay không […] Tôi tin rằng ông ta đã thất bại. Cũng như tôi, trong một thời gian ngắn nữa, mọi người sẽ bất cần đến phân tâm học”( Jacques Lacan, 26/1/1977).

Trong bài “La psychanalyse ne résiste pas à l’analyse” (Phân tâm học không đứng vững được trước sự phân tích), đăng trên Revue de psychoéducation, vol. 42, no1, 2013), Serge Larivée và Éric Coulombe đã nhận xét rằng “Alfred Adler nhìn thấy măc cảm tự ti ở khắp nơi” (Alfred Adler voit des complexes d’infériorité partout). Dĩ nhiên là Adler có nhiều fan và đồ đệ. Chẳng thế mà, phân tích về mặc cảm tự tôn của Hoa Kỳ hiện nay, mở đầu cho bài phỏng vấn Richard Labévière nhan đề “Les USA, une hyperpuissance en déclin” (Hoa Kỳ, một siêu cường đang suy tàn), đăng trên Le Grand Soir, ngày 4/10/2013, Françoise Compoint đã viết:

 “Theo Alfred Adler, người sáng lập môn tâm lý học cá nhân, thì kiểu mặc cảm đó che đậy bên dưới nó một mặc cảm tự ti. Vì thiếu tinh thần cộng đồng, chủ thể tìm sự bù đắp cho sự cảm nhận tự ti của mình bằng cách phát triển sự xâm lược của nó để thống trị những kẻ khác”.

Đó là lời của Françoise Compoint vận dụng thuyết “mặc cảm tự ti” của Adler, để nói về Hoa Kỳ. Nhưng nhận định của tác giả này thì lại không có gì đáng cho ta tin tưởng. Còn trang Controverses (Tranh luận) thì có bài “Les implications politiques de la psychanalyse” (Những sự liên can chính trị của phân tâm học), trong đó tác giả nói rằng “Dưới hình thức hồn nhiên nhất của nó, phân tâm học cũng giúp vui chẳng kém thuật chiêm tinh hoặc phim Da Vinci Code” (Sous sa forme la plus innocente, la psychanalyse n’est pas moins amusante que l’astrologie ou le Da Vinci Code).

Còn các nhà phân tâm học như Sigmund Freud, Alfred Adler, Carl Gustav Jung, (…) Bruno Bettelheim và Jacques Lacan thì “đạt được sự “dứt bệnh” bằng cách “nghe” và “vài lời khuyên” - điều mà các giáo sĩ Công giáo, các mục sư Tin lành, các i-mam đạo Islam và các gu-ru Hindu cũng làm và trái với các nhà phân tâm học, thường là họ làm miễn phí (Ils obtiennent la «guérison» par «l’écoute» et «quelques conseils» - ce que font aussi les prêtres catholiques, les pasteurs protestants, les imams islamiques et les gourous hindous, et, contrairement aux psychanalystes, en général gratuitement).

Vậy thì tâm phân học và cái “vô thức” của nó, ở đây là của Adler, đâu phải là một thứ cẩm nang cho người ta dựa vào mà phân tích tâm lý của cá nhân. Cho nên, với An Chi, xin hãy gạt vô thức và tự ti mặc cảm qua một bên. Bởi vậy, tôi sẽ không cần bàn chuyện “tự ti mặc cảm” của cá nhân mình do NĐ đưa ra. Chỉ xin “cãi” với ông ta về sự kiêu căng mà ông ta đã gán cho An Chi thôi.

Thế nào là kiêu căng? Từ điển tiếng Việt do Văn Tân chủ biên (NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1967) giảng ngắn gọn - và rất chính xác - rằng kiêu căng là “lên mặt tài giỏi, khinh người”.    

Vậy thì An Chi có kiêu căng không? Điều này rất xa lạ với An Chi. Từ thời thơ ấu cho đến tận bây giờ, khi tuổi đã xế chiều, tôi chưa bao giờ làm như thế. Không biết NĐ vì muốn xuyên tạc hay vì không hiểu nghĩa của hai tiếng “kiêu căng”, nên đã quy cho An Chi cái tính khí này? Hay là vì thấy tôi dám “cãi” với cụ Đào Duy Anh (về chữ nghĩa) mà ông ta kết luận như thế?

Về cụ Đào, cách đây đúng 20 năm, trong bài “Thưa cùng Cô Tú, chủ Quán mắc cỡ Báo Tuổi trẻ cười” (Kiến thức Ngày nay số 127, tháng 12/1993), tôi đã viết rõ ràng: “Đào Duy Anh là một nhà văn hóa mà cá nhân chúng tôi rất ái mộ và kính trọng từ thuở còn mài đũng quần trên ghế nhà trường trung học. Việc ông là tác giả của Hán - Việt từ điển, Pháp - Việt từ điển, Việt - nam văn - hóa sử cương và nhiều công trình khác là sự kiện đã được ghi khắc sâu đậm vào tấm bia vĩnh cửu của lâu đài văn hóa Việt Nam. Một Huệ Thiên (bút hiệu của An Chi lúc đó) bàn về chữ “chớ” của ông chứ bao nhiêu Huệ Thiên bàn về bao nhiêu chữ của ông cũng không mảy may làm lu mờ được tên tuổi của ông trong tòa lâu đài đó. Tuy nhiên đấy chỉ mới là nói đi. Còn nói lại thì, dù Đào Duy Anh có là nhà văn hóa lớn đến mấy, ông cũng không phải là một thần tượng bất khả xâm phạm”.

Sau đó, cùng một chủ đề và cùng một quan điểm, tại mục “Chuyện Đông chuyện Tây” của Kiến thức Ngày nay số 143 (15/7/1994), tôi đã viết:

“Chúng tôi cho rằng, chỉ không nên luận về tử giả một cách bất công, bất chính hoặc bất minh, nhất là khi luận về nhân cách của họ mà thôi. Tử giả vẫn phải vĩnh viễn chịu trách nhiệm về những gì họ đã làm lúc sinh thời. Vì vậy mà cũng chính người xưa lại còn có nói “cái quan luận định”, nghĩa là đậy nắp quan tài rồi mới định công luận tội (người chết). Học giả hoặc nhà văn, dù đã quá cố, vẫn phải vĩnh viễn chịu trách nhiệm về những gì họ đã viết. Có lẽ nào các thế hệ độc giả và học giả hậu sinh lại tuyệt đối không có quyền nhận xét và phê phán những gì mà các tử giả đã viết, nhất là về những gì họ đã viết sai (nếu có)?”.

Ở trên, tôi đã viết như thế vì quan điểm của tôi là trong học thuật, phải có bình đẳng và dân chủ. Không phải hễ là cây đa cây đề thì không thể có khuyết điểm và không ai được “đụng” đến. Dứt khoát phải như thế thì học thuật mới không trở thành “học thụt”. Một quan điểm như thế phải được xem là cầu tiến chứ dứt khoát không phải là thái độ kiêu căng đối với tử giả hoặc học giả cao niên đang tại thế.

Với những ý kiến trên đây, tôi kiên quyết phủ nhận cái gọi là “mặc cảm tự ti” và tính “kiêu căng” mà NĐ đã gán cho tôi. NĐ hoàn toàn sai lầm vì đã đánh đồng tính kiêu căng với thái độ quyết liệt và ngôn từ cương trực trong tranh luận. Mà kiểu thái độ và ngôn từ này thì xin thưa là nó đã nằm thường trực trong tim óc của An Chi nên nếu bảo hắn ta sửa đổi thì sẽ là… chuyện khó đấy.

A.C