TKV: Thách thức tăng sản lượng than

08:00 | 26/12/2014

663 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhu cầu than đầu vào cho các ngành kinh tế khác tăng cao nhưng tốc độ tăng trưởng của ngành than chưa khai thác đáp ứng được sản lượng, nên theo các chuyên gia kinh tế, thời gian tới, nhu cầu nhập khẩu than sẽ tăng cao. Đây là thách thức không nhỏ của Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) trong nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu than cho nền kinh tế.

Năng lượng Mới số 385

Nhu cầu than của nền kinh tế tăng cao

Than là nguồn năng lượng đầu vào cho các dự án nhiệt điện với công suất lớn tại nhiều khu vực như: Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân (Bình Thuận), Trung tâm Nhiệt điện Mông Dương (Quảng Ninh)… Chỉ tính riêng TKV đã có tới 5 nhà máy nhiệt điện đang hoạt động và một số nhà máy đang trong quá trình đầu tư xây dựng với sản lượng mỗi năm gần 8,5 tỉ kWh, đóng góp cho nền kinh tế, góp phần giải quyết vấn đề thiếu điện quốc gia, như những năm trước đây. Hiện nay, nhu cầu điện cho sản xuất của doanh nghiệp cũng như cho nhu cầu sinh hoạt của nhân dân có thể nói đều tăng theo cấp số nhân. Nhưng ngành điện cũng đã có nhiều nỗ lực để theo kịp nhu cầu này. Và đương nhiên, nhu cầu về than sẽ tăng cao khi nhiều nhà máy nhiệt điện đi vào hoạt động. Nhu cầu than tăng cao vượt khả năng cung cấp của ngành than thì phải nhập khẩu than cũng là chuyện bình thường. Chẳng hạn như loại than dùng cho luyện thép trong nước không có hoặc có ít nên Tập đoàn Hòa Phát sử dụng than nhập khẩu cho sản xuất là một ví dụ.

Nỗ lực tăng sản lượng

Theo lãnh đạo Tập đoàn TKV, ước tính, riêng trữ lượng than ở vùng Quảng Ninh ở độ sâu 300-1.000m có thể lên tới 10 tỉ tấn. Ngoài ra, tại khu vực Đồng bằng sông Hồng, trữ lượng than còn lớn hơn nhiều lần. Tuy nhiên, trữ lượng và khả năng khai thác là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Đặc biệt là trong 20 năm gần đây, sau khi thành lập Tổng Công ty Than Việt Nam. Trước năm 1994, với trên 8 vạn thợ mỏ, toàn ngành than cũng chỉ khai thác được 6-7 triệu tấn than. Tuy nhiên, chỉ sau đó vài năm, sản lượng khai thác than đã vượt ngưỡng 20 triệu, 30 triệu, rồi trên 40 triệu tấn như hiện nay. Con số này vượt xa cả quy hoạch phát triển ngành than đến năm 2030 đã được Đảng, Nhà nước và Chính phủ phê duyệt. Đây là sự nỗ lực rất lớn của ngành than.

Tuy nhiên, công tác đầu tư để mở một mỏ than không hề nhỏ. Nó đòi hỏi suất đầu tư khá lớn và mất nhiều thời gian. Chẳng hạn như mỏ mới Khe Chàm III, có độ sâu khai thác thiết kế xuống đến mức -300, sản lượng theo thiết kế 2,5 triệu tấn, có mức đầu tư trên 2.000 tỉ đồng. Điều đáng nói là công tác đào lò xây dựng cơ bản mở mỏ phải mất 8 năm. Dự án này khởi công từ năm 2006 và mãi đến nay mới ra than nhưng chưa phải là đã xuống đến mức -300 mà mới chỉ đến mức -150. Để đạt sản lượng theo thiết kế cũng phải mất vài năm nữa. Đó là những thách thức không nhỏ của TKV trong việc gia tăng sản lượng khai thác, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.

Để vượt qua thách thức đó, những năm gần đây, TKV đã có chủ trương tập trung cho phát triển ngành than. TKV đã thoái vốn tại nhiều ngành nghề khác để đi vào mũi nhọn sản xuất than. Nhiều mỏ than mới đã được TKV khởi công xây dựng, đang trong quá trình đào lò xây dựng cơ bản như: Dự án mỏ than hầm lò Núi Béo, khai thác xuống đến mức -400, có sản lượng khai thác 2,5 triệu tấn với mức đầu tư trên 5.000 tỉ đồng; Dự án Khe Chàm II-IV khai thác xuống đến mức -500, sản lượng thiết kế 3,5 triệu tấn với mức đầu tư lên đến gần chục ngàn tỉ đồng. Ngoài ra, TKV cũng đang mở rộng các mỏ than Mạo Khê, Mông Dương, Quang Hanh, Dương Huy, Thống Nhất, Hà Lầm xuống khai thác đến mức -300. Riêng đối với dự án xuống sâu của Hà Lầm cũng đang vào giai đoạn hoàn thiện, có thể ra than trong một, hai năm tới.

Mặc dù TKV đầu tư nhiều dự án như vậy, nhưng sản lượng khai thác không phải là sẽ tăng cao ngay trong những năm tới vì trên thực tế nhiều mỏ đã đi vào giai đoạn khấu vét theo thiết kế cũ. Những dự án này nhằm duy trì được sản lượng của đơn vị đó như: Mỏ than Khe Chàm III ra đời thay thế cho mỏ than Khe Chàm I; Dự án Khe Chàm II-IV thay thế cho các mỏ nhỏ của Công ty Than Hạ Long đã dần cạn kiệt; Mỏ than hầm lò Núi Béo thay thế cho mỏ lộ thiên Núi Béo hiện nay v.v… Còn các dự án khác đều mang tính mở rộng mỏ, duy trì sản lượng.

Một yếu tố khác cũng là thách thức của TKV trong việc gia tăng sản lượng khai thác than như: Về nhân lực, do ngành than như đã nói ở trên, có đặc thù là ngành công nghiệp nặng nhọc, nguy hiểm, nên mặc dù ngành than đã chi phí nhiều trong việc chăm lo đến người lao động về nhà ở, đi lại, ăn uống, thu nhập… nhưng vẫn không thu hút được lao động. Nếu không có lao động, đặc biệt là thợ lò thì TKV khó có thể tăng sản lượng khai thác lên cao vì cho đến nay, máy móc vẫn cơ bản chưa thể thay thế được con người trong khai thác than. Về giá thành khai thác ngày càng cao do phải đưa mỏ xuống sâu hơn. Mỏ càng xuống, giá thành khai thác ngày càng cao. Ngoài ra, các sức ép về các loại phí bảo vệ môi trường và các loại thuế phí khác cũng làm cho hiệu quả đầu tư giảm. Nếu không có lãi, TKV sẽ không thể đủ sức đầu tư tiếp các mỏ mới…

Tình hình SXKD 11 tháng năm 2014

Than nguyên khai sản xuất: 33,9 triệu tấn, đạt 90% kế hoạch năm, bằng 96% so với cùng kỳ năm 2013.

Than tiêu thụ: Ước đạt 31,8 triệu tấn bằng 91% kế hoạch năm và bằng 107% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó:

Xuất khẩu 5,4 triệu tấn, đạt 67% kế hoạch năm và bằng 61% so với cùng kỳ năm 2013.

Trong nước 26,4 triệu tấn, đạt 98% kế hoạch năm và bằng 126% so với cùng kỳ năm 2013.


Nguyễn Kiên