Tình trạng khan hiếm dầu: Nghịch lý ở nước Nga

09:11 | 10/05/2011

578 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nga là một trong những quốc gia có nhiều dầu lửa và khí đốt nhất thế giới, sản xuất ra và xuất khẩu đi nhiều mà tự tiêu dùng cũng không ít. Vậy nên không phải nghịch lý sao khi ở nước Nga lại có tình trạng khan hiếm dầu, cho dù mới chỉ cục bộ chứ chưa phải ở trên khắp cả nước.

Nguyên nhân chính là một biện pháp của chính phủ hồi tháng 2 vừa qua. Giống như các nơi khác trên thế giới, giá xăng dầu ở Nga cũng chỉ thấy tăng chứ không giảm. Sự phản đối của những người sử dụng xe cộ ở Nga về giá xăng dầu liên tục tăng đã buộc đích thân Thủ tướng V. Putin ra quyết định giảm giá bán xăng dầu. Các hãng xăng dầu tư nhân đối phó lại bằng cách hạn chế bán ra để tập trung xuất khẩu. Kết quả là xăng dầu ở trong nước khan hiếm và xuất khẩu xăng dầu của Nga ra nước ngoài tăng 50% trong quý 1 vừa qua trong khi sản lượng khai thác và tinh lọc xăng dầu gần như không thay đổi.

Từ đầu tháng 5 này, Chính phủ Nga áp dụng biện pháp tăng thuế xuất khẩu xăng dầu dưới hình thức lệ phí hải quan 408 USD cho 1 tấn xăng dầu xuất khẩu ra nước ngoài. Hiện chưa biết các hãng xăng dầu tư nhân sẽ đối phó thế nào, nhưng chắc chắn họ sẽ không chịu ngồi yên để cho chính phủ muốn làm gì thì làm và hiện cũng chưa thể nói trước được rằng tăng thuế xuất khẩu xăng dầu như vậy sẽ giúp khắc phục được tình trạng khan hiếm ở trong nước.

Sản lượng dầu lửa hàng năm của Nga vào khoảng 500 triệu tấn. Năm 2010, Nga đã vượt cả Ả rập Xêút về sản lượng dầu. Vậy mà Nga vẫn nhập khẩu khoảng 3 triệu tấn dầu hàng năm. Khối lượng nhập khẩu này thật sự không lớn, nhưng lại có tác động rất tiêu cực tới thể diện và uy danh của nền công nghiệp dầu khí của Nga. Cả điều nghịch lý này cũng cho thấy rõ ràng có cái gì đó chưa hợp lý trong chính sách của chính phủ và tổ chức thị trường dầu khí ở Nga.

Theo Diễn đàn Doanh Nghiệp

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc