Tỉnh Quảng Ninh, Vinacomin lên phương án phòng chống bão số 5

14:38 | 02/08/2013

432 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trước diễn biến của cơn bão số 5, sáng 2/8, UBND tỉnh Quảng Ninh đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp các thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN). Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cũng đã ra Công điện số 04/CĐ - BCĐ yêu cầu các đơn vị thực hiện các phương án phòng chống bão.

Theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, ngay sau khi áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão, UBND tỉnh đã ban hành công điện khẩn cấp yêu cầu các ngành, địa phương triển khai ngay các phương án phòng chống bão.

Đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các biện pháp khẩn cấp phòng chống bão số 5.

Vì vậy, đến thời điểm này việc kêu gọi tàu thuyền về tránh trú bão, các phương án phòng chống bão đang được khẩn trương triển khai thực hiện, về cơ bản toàn bộ tàu thuyền đều đã nhận được thông tin về cơn bão và đang trên đường di chuyển về nơi tránh trú an toàn.  

Để chủ động các biện pháp phòng chống bão, đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, dừng tất cả các cuộc họp của ngày 3/8, tất cả các ngành, địa phương đều phải thường trực chống bão 24h/ngày, theo dõi sát sao, chặt chẽ, thường xuyên thông tin về cơn bão; thông tin cho nhân dân biết về tình hình của cơn bão số 5, sẵn sàng các biện pháp phòng chống. Từ chiều 2/8 dừng toàn bộ các chuyến tàu tham quan và nghỉ đêm trên Vịnh Hạ Long cho đến khi bão tan; Cảng tàu khách, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông báo cho tất cả các chủ phương tiện, tua tuyến tạm dừng các hoạt động tham quan, du lịch trên Vịnh Hạ Long trong thời gian đang có bão; các địa phương Vân Đồn, Cô Tô thông báo đến các khách du lịch thông tin về cơn bão, yêu cầu di chuyển về nơi an toàn.  

Đối với các phương tiện neo đậu tránh trú bão phải được neo cẩn thận, chỉ để lại những người có sức khỏe trông tàu; các địa phương lên danh sách cụ thể và thực hiện di dời những hộ dân đang sinh sống trên các ao đầm nuôi trồng thủy sản, ngư dân sinh sống trên Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long lên bờ xong trước 8 giờ sáng 3/8.  

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đặc biệt lưu ý các ngành, địa phương đây là cơn bão mạnh, không tuân theo quy luật, lại đổ bộ vào tỉnh đúng thời điểm triều cường cao nhất trong tháng nên phải cần quan tâm đặc biệt tới an toàn của các tuyến đê biển.  

Đối với TX Quảng Yên cử ngay người túc trực 24/24h trên hệ thống tuyến đê biển Hà Nam, rà soát tất cả các vị trí xung yếu, sẵn sàng vật tư, lực lượng ứng cứu kịp thời khi có sự cố xảy ra và chuẩn bị các phương án di dời dân và thông báo cho các hộ dân sinh sống ở khu vực đảo Hà Nam chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm cần thiết để đề phòng các tình huống xấu có thể xảy ra do mưa bão.  

Đối với các huyện Vân Đồn, Cô Tô, Hải Hà, Tiên Yên, Móng Cái, Đầm Hà đặc biệt lưu ý các tuyến đê biển, đê ở các xã đảo. Các địa phương Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Đông Triều rà soát toàn bộ các vị trí có nguy cơ xảy ra sạt lở đất đá, sẵn sàng di dời dân.  

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc cũng quyết định thành lập 3 đoàn công tác kiểm tra bão trên địa bàn tỉnh đồng thời yêu cầu Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh và các địa phương thường xuyên có người túc trực để xử lý thông tin. Chủ tịch UBND các địa phương phải chủ trì công tác phòng chống bão.    

Bão số 5 đang tiến sát vào đất liền

Để ứng phó trước mọi diễn biến của bão số 5, Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã ra Công điện số 04/CĐ - BCĐ yêu cầu các đơn vị thực hiện ngay những việc sau:

 1. Các đơn vị có tàu thuyền đang hoạt động trên vùng biển phía bắc và giữa biển Đông quần đảo Hoàng Sa, phải thông báo kịp thời cho các phương tiện của mình để chủ động di chuyển khỏi vùng nguy hiểm có bão, tìm nơi tránh bão đảm bảo an toàn.

 2. Các đơn vị có khai thác lộ thiên, Công ty Môi trường: Tổ chức kiểm tra ngay các khu vực bãi thải, hệ thống thoát nước, tuyến đê bao dọc các tầng thải, đập chắn đất đá chân bãi thải, hồ nước đập, mương thoát nước sau đập, phân tách dòng chảy theo đúng phương án. Bố trí cán bộ trực canh gác và theo dõi công trình để kịp thời phát hiện nguy cơ có thể xảy ra sự cố. Tổ chức sơ tán người và thiết bị tại các khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn nếu cần thiết; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn tại các vị trí xung yếu để ứng phó khi xảy ra sự cố.  

3. Các đơn vị khai thác hầm lò: Do trong tháng 7 đã diễn ra mưa nhiều, nước đã ngấm và tích một lượng rất lớn trên các khu vực khai thác hầm lò, cho nên các đơn vị cần đặc biệt chú ý phương án phòng chống ngập mỏ; kiểm tra bề mặt địa hình, san lấp các hố tụ thuỷ, trám lấp các vết nứt và khu sụt lún; kiểm tra, khởi động máy phát điện diezen đảm bảo sẵn sàng phát điện khi bị mất điện lưới; chuẩn bị phương án sơ tán người và thiết bị đến nơi an toàn và sẵn sàng đối phó với các tình huống mưa to gây lũ, ngập lụt, sạt lở đất…  

4. Các nhà máy nhiệt điện thuộc Vinacomin kiểm tra, xác định lượng than dự phòng để đảm bảo cung cấp đốt lò trong thời gian mưa bão, đề phòng trường hợp sự cố không cấp được than từ ngoài nhà máy.

5. Các đơn vị tổ chức kiểm tra nhà xưởng, kho tàng, triển khai giằng néo đảm bảo chắc chắn đề phòng tốc mái, có phương án tăng cường đảm bảo an ninh trật tự trong thời gian bão đổ bộ.

6. Các thành viên Ban chỉ đạo PCTT - TKCN Vinacomin thực hiện nhiệm vụ đã được phân công theo quyết định số 736/QĐ-Vinacomin; Tổng giám đốc và Giám đốc các đơn vị chỉ được di dời khỏi khu vực trong thời gian bão đổ bộ khi có ý kiến đồng ý của lãnh đạo Tập đoàn hoặc dự các cuộc họp do Tập đoàn triệu tập. Tổ chức trực ban 24/24 tại các đơn vị khi có bão đổ bộ.  

7. Ban chỉ huy PCTT - TKCN các đơn vị chủ động trong việc phối hợp với Ban chỉ huy PCTT - TKCN của các địa phương để có giải pháp phòng chống kịp thời về nguy cơ mất an toàn khi có mưa, bão. 

8. Các đơn vị tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão, báo cáo công tác chuẩn bị và ứng phó trước, trong và sau cơn bão, báo cáo kịp thời các tình huống sự cố xảy ra về Ban chỉ đạo PCTT - TKCN Vinacomin.

M.K