Tình hình kinh tế - xã hội còn không ít hạn chế yếu kém

19:32 | 01/08/2018

1,362 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bên cạnh những chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực, tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm vẫn còn không ít hạn chế yếu kém và khó khăn thách thức, cần tập trung giải quyết.
tinh hinh kinh te xa hoi con khong it han che yeu kem
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin tới báo chí tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2018 với một số điểm nổi bật.

Thông tin tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2018 do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều 1/8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã thông tin tới báo chí một số kết quả nổi bật của bức tranh kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2018 với nhận định định của Chính phủ là tiếp tục chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực, kết quả tháng 7 tốt hơn tháng 6; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt.

Theo đó, CPI tháng 7/2018 giảm 0,09% so với tháng 6 sau 3 tháng tăng liên tiếp (tháng 4 tăng 0,08%; tháng 5 tăng 0,55%; tháng 6 tăng 0,61%). CPI bình quân 7 tháng năm 2018 tăng 3,45%, thấp hơn mức tăng 3,91% của cùng kỳ năm trước.

Khu vực nông nghiệp tăng trưởng khá, nổi bật nhất là ngành Thủy sản với sản lượng ước tăng khoảng 5,7%. Khu vực công nghiệp tăng trưởng rất tích cực, là động lực tăng trưởng chính. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp IIP tháng 7 tăng mạnh 14,3% so với cùng kỳ, mức tăng cao nhất từ đầu tháng 2/2018 đến nay. Khu vực kinh tế tư nhân cải thiện tích cực với số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 7 tháng đạt 75.793 doanh nghiệp (tăng 3,9% so với cùng kỳ 2017); doanh nghiệp quay trở lại hoạt động 7 tháng là 18.696 doanh nghiệp (tăng 6,5% so với cùng kỳ).

Tính chung 7 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt gần 133,7 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ 2017. Cả nước xuất siêu 3,1 tỷ USD. Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN 7 tháng đầu năm ước đạt 150.454 tỷ đồng, đạt 38,77% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2017.

Khách du lịch quốc tế đến VN 7 tháng ước đạt 9 triệu lượt khách, tăng 25,6% so với cùng kỳ năm trước.

Các chính sách an sinh xã hội, việc làm, giảm nghèo, y tế, giáo dục được quan tâm chú trọng; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, quốc phòng an ninh được bảo đảm. Đặc biệt, các đoàn học sinh Việt Nam dự kỳ Olympic quốc tế các môn Toán (1 vàng, 2 bạc, 3 đồng), Vật lý (2 vàng, 2 bạc, 1 đồng), Sinh học (3 vàng, 1 bạc) đều đạt kết quả xuất sắc. Các vụ tiêu cực, gian lận thi cử đã và đang được cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc làm rõ. Thủ tướng yêu cầu xử lý quyết điểm vấn đề này.

tinh hinh kinh te xa hoi con khong it han che yeu kem
Toàn cảnh buổi họp báo.

Với những kết quả đạt được, các tổ chức quốc tế đã ghi nhận nỗ lực cải cách và đánh giá cao triển vọng kinh tế Việt Nam, trong đó, Ngân hàng phát triển châu Á (ABD) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 ở mức 7,1%; Standard Chartered dự báo tăng 7%, lạm phát quanh mốc 4%. Ban Thư ký Liên hợp quốc công bố Chỉ số phát triển bền vững năm 2018 (SDG Index 2018) của Việt Nam tăng 11 bậc, xếp hạng 57/156 quốc gia và vùng lãnh thổ (đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN, sau Singapore và Malaysia). Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII Index 2018), Việt Nam tăng 2 bậc, xếp hạng 45/124 quốc gia và vùng lãnh thổ (đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN, sau Singapore, Malaysia và Thái Lan).

Đặc biệt, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng là theo đánh giá mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số hiệu quả dịch vụ logistics (LPI) của Việt Nam năm 2018 đã tăng 25 bậc so với năm 2016, xếp hạng 39/160 quốc gia được khảo sát.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng thông tin, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, Chính phủ đã thẳng thằn nhìn nhận tình hình kinh tế-xã hội vẫn còn không ít hạn chế yếu kém và khó khăn thách thức, cần tập trung giải quyết, thảo luận, bàn kỹ để đưa ra biện pháp, đối sách cụ thể, kịp thời, chủ động.

Đó là tình hình bão lũ tiếp tục diễn biến phức tạp gây nhiều tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống nhân dân. Thiên tai trong 7 tháng năm nay đã làm 78 người chết và mất tích, 64 người bị thương, thiệt hại ước tính trên 1,7 ngàn tỷ đồng.

Thứ hai, chỉ số CPI mặc dù đã giảm 0,09% sau 3 tháng tăng liên tiếp, tuy nhiên, sức ép tăng giá tiêu dùng vẫn còn rất lớn, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến khó lường và có nhiều thách thức.

Thứ ba, tình hình sản xuất kinh doanh vẫn còn khó khăn. Quy định về điều kiện kinh doanh vẫn đang là rào cản lớn đến hoạt động và phát triển của doanh nghiệp. Tiến độ cổ phần hóa DNNN, bán vốn nhà nước còn chậm, nhiều bộ, ngành, địa phương chưa quyết liệt triển khai.

Đặc biệt vừa qua vụ việc tiêu cực, gian lận thi cử tại một số địa phương (Hà Giang, Sơn La) gây ảnh hưởng đến niềm tin xã hội. Cùng với đó, xã hội quan tâm nhiều vấn đề như nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng; tình trạng nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam...

Từ thực tế trên, trong thời gian tới, Chính phủ yêu cầu tiếp tục bám sát và triển khai các giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP, đồng thời lưu tâm tới một số yếu tố như bối cảnh kinh tế thế giới, xung đột thương mại giữa các nước, biện pháp bảo hộ thương mại của các đối tác lớn, diễn biến điều chỉnh lãi suất của Mỹ, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ tại các nước, diễn biến giá dầu thế giới...

Kiên định, kiên trì mục tiêu bảo đảm giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát dưới 4%. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, tăng năng suất lao động, cải cách thể chế, cải cách doanh nghiệp (đặc biệt DNNN), phát triển doanh nghiệp tư nhân, khởi nghiệp, cơ cấu lại nợ công.

Hải Anh

tinh hinh kinh te xa hoi con khong it han che yeu kem Không điều chỉnh mục tiêu kế hoạch năm 2018
tinh hinh kinh te xa hoi con khong it han che yeu kem Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 7% trong năm 2018
tinh hinh kinh te xa hoi con khong it han che yeu kem Tăng trưởng GDP năm 2018: Sẽ đạt mục tiêu