Tin Thị trường: Giá khí đốt hôm nay đảo chiều tăng mạnh
Nguồn ảnh: OP |
Giá khí đốt đảo chiều tăng mạnh
Theo ghi nhận vào đầu giờ chiều 9/12 (theo giờ Việt Nam), giá khí đốt tự nhiên thế giới tăng mạnh 5,59% lên mức 3,248 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí tự nhiên giao tháng 12/2024.
Giá khí đốt tự nhiên và khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) hiện tại ở Châu Âu và Châu Á chỉ cao hơn một chút so với mùa đông năm ngoái. Nếu thời tiết mùa đông năm nay vẫn ôn hòa như hai mùa đông vừa qua, dự báo cân bằng cung cầu toàn cầu tương đối ổn định với giá cả tương tự như hai mùa đông trước. Tuy nhiên, nếu Châu Âu và Châu Á trải qua nhiệt độ lạnh hơn trong mùa đông này so với hai năm qua hoặc các rủi ro hoạt động và thị trường khác xảy ra, cân bằng cung cầu toàn cầu có thể thắt chặt, dẫn đến giá khí đốt tự nhiên tăng cao và có khả năng tăng đột biến.
Sự thay đổi khí hậu có thể làm tăng nhu cầu khí đốt tự nhiên, tạo ra sự cạnh tranh về nguồn cung LNG giao ngay giữa Châu Âu và Châu Á. Thời tiết lạnh hơn ở Mỹ có thể làm giảm lượng tồn kho và tăng giá Henry Hub nội địa của Mỹ, ảnh hưởng đến giá xuất khẩu LNG từ Mỹ.
Các thị trường nhập khẩu LNG khác, bao gồm Brazil và Ai Cập, cũng có thể làm tăng nhu cầu LNG, tăng cường cạnh tranh về LNG giao ngay giữa các khu vực, khiến nguồn cung càng thắt chặt.
Giá dầu thế giới hôm nay tăng nhẹ
Tính đến đầu giờ chiều nay 9/12 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Mỹ WTI giao dịch ở ngưỡng 67,52 USD/thùng - tăng 0,48%; trong khi giá chuẩn Brent dừng lại ở mức 71,43 USD/thùng - tăng 0,44%.
Ngày 8/12, Saudi Aramco cho biết đã giảm giá tháng 1 năm 2025 cho người mua Châu Á xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021, do nhu cầu yếu từ nước nhập khẩu hàng đầu là Trung Quốc gây sức ép lên thị trường.
Sáng cùng ngày, các lực lượng đối lập ở Syria tuyên bố giành quyền kiểm soát thủ đô Damascus, lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad và đánh dấu một bước ngoặt lớn đối với Syria cũng như với cán cân quyền lực ở Trung Đông. Bộ Ngoại giao Nga cho biết, Tổng thống Assad đã từ chức và rời khỏi Syria sau khi ra lệnh chuyển giao quyền lực một cách hòa bình.
Thị trường lo ngại về một làn sóng bất ổn mới ở Trung Đông vốn đang tồn tại rất nhiều giao tranh căng thẳng, ảnh hưởng lớn đến nguồn cung toàn cầu.
Trước đó, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) đã lùi thời điểm bắt đầu tăng sản lượng dầu thêm ba tháng cho đến tháng 4 và kéo dài thời gian gỡ bỏ hoàn toàn các đợt cắt giảm thêm một năm cho đến cuối năm 2026.
Thị trường dầu mỏ vẫn ảm đạm
Giá dầu đã giảm một ngày sau khi OPEC+ hoãn kế hoạch tăng sản lượng thêm ba tháng đến tháng 4 năm 2025, và gia hạn việc dỡ bỏ cắt giảm sản lượng hoàn toàn thêm một năm cho đến cuối năm 2026. Tổ chức này cũng công bố một số quyết định quan trọng khác bao gồm việc gia hạn mức cơ sở cho tất cả các quốc gia thêm một năm đến cuối năm 2026.
Các nhà phân tích hàng hóa tại Standard Chartered cho rằng, phản ứng ảm đạm của thị trường dầu mỏ cho thấy các nhà giao dịch vẫn chưa hoàn toàn hiểu được tác động của lịch trình cắt giảm mới từ OPEC+. Theo StanChart, bằng cách trì hoãn việc bắt đầu nới lỏng cắt giảm tự nguyện, tổ chức này đã loại bỏ một lượng lớn dầu khỏi kế hoạch năm 2025. Giới phân tích chỉ ra rằng kế hoạch trước đây về việc hủy bỏ cắt giảm tự nguyện và mục tiêu tăng của UAE sẽ bổ sung thêm 496,3 triệu thùng vào thị trường vào năm 2025; tuy nhiên, các lịch trình mới hiện chỉ bổ sung thêm 191,3 triệu thùng, tương đương với mức cắt giảm 836 nghìn thùng mỗi ngày trong cả năm.
Tuần trước, StanChart đã dự đoán đúng rằng, xét đến tâm lý thị trường tiêu cực hiện tại và quan điểm thị trường quá bi quan về tình trạng dư cung năm 2025, về mặt chiến thuật, lựa chọn tốt nhất cho các Bộ trưởng là trì hoãn bất kỳ việc hủy bỏ cắt giảm tự nguyện nào cho đến cuối quý 1 và thậm chí có thể là lâu hơn nữa.
Theo StanChart, phần lớn tâm lý tiêu cực đã chi phối thị trường dầu mỏ trong vài tháng qua có thể là do hiểu lầm về cơ chế thu hẹp đối với các đợt cắt giảm tự nguyện do tám quốc gia OPEC+ thực hiện. Nhiều nhà giao dịch lo ngại rằng sự cân bằng giữa tăng trưởng nhu cầu dầu và tăng trưởng nguồn cung ngoài OPEC+ có thể không bù đắp được quy mô sản lượng được phục hồi của OPEC+, khiến thị trường dầu bị cung vượt cầu.
Bình An
-
Ông Trump muốn ký 100 sắc lệnh hành pháp trong ngày đầu nhậm chức
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 20/1: Giá dầu thế giới tăng nhẹ trở lại
-
Nhật Bản theo dõi sát sao tác động từ các trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Nga
-
Chính quyền ông Trump chuẩn bị tăng trừng phạt Nga
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 13/1 - 18/1