Tin Thị trường: G7 hối thúc áp giá trần đối với dầu Nga

14:47 | 28/07/2022

1,255 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Giá khí đốt tại châu Âu tăng 30% trong vòng hai ngày; các nước G7 đang hối thúc áp giá trần dầu Nga...
Tin Thị trường:

Giá khí đốt châu Âu tăng 30%

Giá khí đốt châu Âu đã tăng 30% trong vòng hai ngày, sau khi Nga đe dọa cắt giảm một nửa lượng khí đốt cung cấp tới châu lục này so với mức vốn đã giảm.

Sau đợt tăng vọt hôm 26/7, ngày 27/7 tiếp tục chứng kiến ​​giá khí đốt tự nhiên tăng thêm 9%, gần mức cao kỷ lục hồi tháng 3 ngay sau khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine, tờ Independent cho biết.

Các hợp đồng tương lai giao tháng 8 gắn với giá khí bán buôn tiêu chuẩn châu Âu (TTF) đã tăng 20% ​​vào ngày 26/7, vượt 210 euro/MWh, tăng hơn 10 lần so với mức trung bình trong giai đoạn 2010 - 2020. Không có gì ngạc nhiên khi giá điện tiêu chuẩn ở Đức đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại là 370 euro/MWh, tăng vọt so với mức giá dưới 60 euro/MWh trước năm 2021.

Tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga đã cắt nguồn cung cấp trên đường ống Nord Stream-1 xuống chỉ còn 20%, tương đương 33 triệu m3 khí/ngày, gây thêm áp lực lên nguồn cung vốn đã bị kéo căng.

Liên minh châu Âu coi động thái này là một nỗ lực buộc khối dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống lại chính phủ của Tổng thống Putin.

Giá xăng tại Nhật Bản liên tiếp giảm

Giá bán lẻ xăng trung bình trên toàn quốc tại Nhật Bản là 170,4 yen/lít (1,25 USD/lít) vào ngày 27/7, giảm tuần thứ tư liên tiếp.

Thống kê của Trung tâm Thông tin giá xăng dầu Nhật Bản cho thấy, tính đến ngày 25/7, giá bán lẻ xăng trung bình tại 47 tỉnh/thành ở nước này là 170,4 yen/lít, giảm 1 yen so với trung bình tuần trước.

Đây là tuần thứ tư liên tiếp tính từ đầu tháng 7, giá xăng bán lẻ tại quốc gia Đông Bắc Á này giảm, nhưng biên độ vẫn chậm.

Theo giới chuyên gia, nguyên nhân giá xăng giảm trong vài tuần trở lại đây là do tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang có chiều hướng giảm tốc, các ngân hàng Mỹ và châu Âu tăng lãi suất khiến nhu cầu sử dụng xăng dầu thực tế giảm.

Ngoài ra, chương trình trợ cấp giá xăng dầu của chính phủ Nhật Bản vẫn đang phát huy hiệu quả để giảm thiểu tác động tiêu cực tới đời sống người dân và các doanh nghiệp sản xuất.

G7 hối thúc áp giá trần dầu Nga

G7 đang hối thúc việc áp giá trần đối với dầu của Nga, đặt mục tiêu đến ngày 5/12 sẽ đạt được một cơ chế cho điều này, một quan chức cấp cao giấu tên của G7 nói với Reuters.

Ngày 5/12 cũng là ngày lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của Nga qua đường biển của EU có hiệu lực.

"Mục tiêu ở đây là phù hợp với thời gian mà EU đã đưa ra. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng cơ chế giới hạn giá có hiệu lực cùng thời điểm đó", quan chức này bình luận.

Giới hạn giá đối với việc mua dầu của Nga về mặt lý thuyết sẽ cản trở nguồn thu từ dầu mỏ của Nga. Mặc dù vậy, kế hoạch áp giá trần mà G7 đã đưa ra không phải là không có những thách thức.

G7 hiện vẫn chưa giải thích được cách thức hoạt động của một kế hoạch như vậy, chẳng hạn như cách thực thi giới hạn giá. Để thành công, kế hoạch này sẽ cần sự ủng hộ rộng rãi của tất cả các nước mua dầu thô lớn của Nga, kể cả Ấn Độ và Trung Quốc. Ngoài ra, Nga cũng cần phải chấp nhận giới hạn giá - điều mà Nga chắc chắn sẽ không đồng tình.

Tuy nhiên, G7 vẫn hy vọng rằng việc đặt mức giá trần cao hơn chi phí khai thác của Nga sẽ khuyến khích Nga cùng đồng hành.

Bình An