Tin nóng thế giới hôm nay - 7/3

19:41 | 07/03/2019

2,243 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ấn Độ cảnh báo Pakistan sẽ chịu hậu quả nếu tiếp tục khiêu khích. Anh tìm cách thay thế điều khoản "rào chắn" trong thỏa thuận Brexit. Zimbabwe lên án việc Mỹ gia hạn các biện pháp trừng phạt.
tin nong the gioi hom nay 73Giá dầu thế giới 7/3: Dầu WTI tăng, dầu brent giảm
tin nong the gioi hom nay 73Giá vàng hôm nay 7/3: Giá vàng trụ vững trước đồng USD tăng cao
tin nong the gioi hom nay 73
Binh sĩ Ấn Độ tuần tra tại khu vực R.S Pora, Tây Nam Jammu ở biên giới Ấn Độ-Pakistan. (Nguồn: AFP/TTXVN)

1. Ấn Độ cảnh báo Pakistan sẽ chịu hậu quả nếu tiếp tục khiêu khích

Hãng Sputniknews dẫn nguồn tin truyền thông sở tại ngày 7/3 đưa tin quân đội Ấn Độ đã cảnh báo Pakistan không được có thêm bất kỳ hành động khiêu khích nào ở khu vực tranh chấp Kashmir, lưu ý rằng những vụ tấn công nhằm vào dân thường dọc Ranh giới kiểm soát sẽ phải chịu "những hậu quả tàn khốc". Cảnh báo trên được đưa ra sau khi Pakistan sử dụng súng pháo 155mm nhằm vào các chốt ở quân khu Nowshere hôm 6/3.

Hãng thông tấn PTI dẫn lời quân đội nêu rõ: "Gửi cảnh báo của chúng tôi tới quân đội Pakistan là không nhằm vào các khu vực dân thường, tình hình chung dọc Ranh giới kiểm soát vẫn tương đối bình ổn".

Những căng thẳng giữa hai nước láng giềng Nam Á leo thang nhanh chóng sau khi không quân Ấn Độ ngày 26/2 tiến hành không kích khu vực tranh chấp Kashmir do Islamabad kiểm soát. New Delhi cho biết vụ không kích nhằm vào một trại huấn luyện của Jaish-e-Mohammad, nhóm khủng bố thừa nhận đứng sau vụ tấn công hôm 14/2 khiến hơn 40 nhân viên an ninh Ấn Độ thiệt mạng.

2. Anh tìm cách thay thế điều khoản "rào chắn" trong thỏa thuận Brexit

Chính phủ Anh đang thúc đẩy các kế hoạch tìm các giải pháp thay thế nhằm xóa bỏ điều khoản "rào chắn" trong thỏa thuận Brexit của Thủ tướng Theresa May. Đây là một nỗ lực nhằm phá vỡ thế bế tắc trong tiến trình thông qua thỏa thuận Brexit tại Anh khi chỉ còn vài tuần nữa nước này sẽ rời Liên minh châu Âu (EU).

Theo kế hoạch, Anh sẽ rời EU vào ngày 29/3, song đến nay vẫn chưa có thỏa thuận "ra đi" nào sau khi các nghị sĩ Anh bác bỏ dự thảo thỏa thuận Brexit mà bà May đã nhất trí với lãnh đạo EU cuối năm 2018. Lý do là điều khoản "rào chắn" về biên giới với Ireland, tức một chính sách đảm bảo không xuất hiện đường biên giới cứng giữa tỉnh Bắc Ireland (thuộc Anh) với nước Cộng hòa Ireland (thuộc EU) sau Brexit.

Các nghị sỹ Anh muốn những thay đổi có tính ràng buộc pháp lý đối với thỏa thuận của bà May để đảm bảo rằng điều khoản này sẽ không tồn tại vĩnh viễn, nhưng cuộc đàm phán ngày 6/3 ở Brussels (Bỉ) giữa Anh và EU vẫn chưa đạt tiến triển và chưa có giải pháp nào trước mắt. Những người chủ trương Brexit lẫn những người ủng hộ EU trong đảng Bảo thủ của bà May đều thúc đẩy một đề xuất nhằm tìm các giải pháp thay thế điều khoản "rào chắn".

3. Zimbabwe lên án việc Mỹ gia hạn các biện pháp trừng phạt

Ngày 6/3, Bộ trưởng Thông tin Zimbabwe Nick Mangwana lên án việc Mỹ gia hạn các lệnh trừng phạt nhằm vào một số tổ chức và quan chức chính phủ của nước này. Theo ông Mangwana, việc Mỹ tiếp tục đơn phương áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Zimbabwe là hành động bất hợp pháp nhằm chống lại người dân Zimbabwe.

Trước đó 2 ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định kéo dài các lệnh trừng phạt, được áp dụng lần đầu tiên vào năm 2003, đối với hơn 100 cá nhân và tổ chức của Zimbabwe vì vi phạm nhân quyền, trong đó có cả đương kim Tổng thống Emmerson Mnangagwa. Theo ông Trump, các cá nhân kể trên đã “gây ra mối đe dọa đáng kể và bất thường đối với chính sách đối ngoại của Mỹ".

Kể từ khi quân đội Zimbabwe thực hiện cuộc chính biến lật đổ nhà lãnh đạo lâu năm Robert Mugabe hồi tháng 11/2017, chính phủ mới của Zimbabwe đã thực hiện chiến dịch tái hòa nhập với cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các quốc gia phương Tây. Chính phủ Zimbabwe cũng hy vọng những động thái kể trên sẽ được Mỹ thừa nhận và là cơ sở để Washington thay đổi chính sách đối ngoại đối với Harare.

4. Peru lập căn cứ quân sự tại Amazon đối phó nạn phá rừng

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, các nhà chức trách Peru thông báo vừa thiết lập một căn cứ quân sự tại vùng rừng Amazon nhằm tăng cường ngăn chặn nạn khai thác khoáng sản bất hợp pháp, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng phá rừng.

Bộ trưởng Quốc phòng Peru, ông José Huerta, cho biết đây là căn cứ quân sự đầu tiên trong tổng số 4 cơ sở được chính phủ dự kiến xây dựng tại khu bảo tồn thiên nhiên Tambopata ở vùng Madre de Dios. Mỗi căn cứ sẽ có 100 binh sỹ, 50 cảnh sát và một công tố viên lưu trú trong thời gian 6 tháng để quản lý và bảo vệ rừng. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng sẽ sử dụng các thiết bị bay không người lái, vệ tinh, máy bay quân sự và nhiều thiết bị khác để tuần tra những khu vực xa xôi.

Peru bắt đầu tăng cường triển khai chiến dịch ngăn chặn nạn khai thác khoáng sản bất hợp pháp tại Amazon sau khi Giáo hoàng Francis kêu gọi quốc gia Nam Mỹ này bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên và cộng đồng người bản địa. Theo số liệu thống kê, tình trạng khai thác mỏ trái phép, chủ yếu là vàng, làm Peru mất hơn 9.000ha rừng trong năm ngoái, đồng thời gây ra nhiều vụ buôn người, buôn bán thủy ngân, giết người và mại dâm tại Amazon.

5. Nhiều vụ nổ xảy ra tại thủ đô của Afghanistan

AP đưa tin các quan chức Afghanistan cho biết ngày 7/3, nhiều vụ nổ đã xảy ra bên ngoài một buổi lễ tại thủ đô Kabul với sự tham gia của quan chức điều hành cấp cao Abdullah Abdullah và cựu Tổng thống Hamid Karzai. Hai người này đều không bị thương trong vụ việc.

Quan chức Mohammad Asim cho hay 5 người đã bị thương trong các vụ nổ trên và được đưa tới các bệnh viện địa phương. Theo ông Asim, nhiều xe cấp cứu đã tới hiện trường. Trong khi đó, một quan chức giấu tên có mặt tại buổi lễ cho biết 7 người đã thiệt mạng và 10 người bị thương.

Lâm Anh (t/h)