Tin nóng thế giới hôm nay - 23/2

19:40 | 23/02/2019

285 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Mỹ tiếp tục gây sức ép lên Tổng thống Venezuela. Đức bất đồng với Anh và Pháp vì lệnh cấm xuất khẩu vũ khí cho Saudi Arabia. EU hy vọng Anh sẽ yêu cầu trì hoãn Brexit trong ba tháng.
tin nong the gioi hom nay 232Thế giới đêm qua - 22/2
tin nong the gioi hom nay 232
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro phát biểu trong một cuộc tuần hành ủng hộ chính phủ ở thủ đô Caracas (Nguồn: Reuters)

1. Mỹ tiếp tục gây sức ép lên Tổng thống Venezuela

Đây là tiết lộ của một quan chức cấp cao Mỹ với các phóng viên trong ngày 22/2 (giờ Mỹ), theo Reuters. Vị quan chức không muốn tiết lộ danh tính cho biết thêm, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence và lãnh đạo của một số nước khác sẽ gặp nhau tại thủ đô Bogota của Colombia vào ngày 25/2 để thảo luận tình hình Venezuela.

Vị quan chức nhấn mạnh tùy thuộc vào những gì diễn ra tại khu vực biên giới của Venezuela, Mỹ cùng các đồng minh có thể thúc đẩy việc "thực hiện cam kết viện trợ cho người dân Venezuela" hoặc có biện pháp mới chống lại Tổng thống Maduro. Chính quyền Tổng thống Maduro lâu nay từ chối nhận hàng viện trợ vì cho rằng đây là cớ để nước ngoài can thiệp vào nội bộ Venezuela.

2. Đức bất đồng với Anh và Pháp vì lệnh cấm xuất khẩu vũ khí cho Saudi Arabia

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu đưa tin hôm 22/2, Chính phủ của Thủ tướng Đức Angela Merkel đang bất đồng với Pháp và Anh về quyết định đóng băng việc bán vũ khí cho Saudi Arabia. Quyết định này của Berlin liên quan đến vụ giết hại nhà báo Jamal Khashoggi, cũng như cuộc chiến Yemen, đã khiến Paris và London không hài lòng.

Trong một lá thư gửi cho người đồng cấp Đức Heiko Maas, Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt đã bày tỏ "quan ngại sâu sắc" rằng quan điểm của Berlin đã làm hỏng ngành công nghiệp quốc phòng của châu Âu và "khả năng đáp ứng các cam kết của NATO". Ông Hunt cũng lo ngại rằng "việc thay đổi mối quan hệ thương mại của London với Saudi Arabia... sẽ làm giảm ảnh hưởng của Anh" trong nỗ lực giúp chấm dứt xung đột tại Yemen.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đặt câu hỏi: "Mối liên hệ giữa bán vũ khí và ông Khashoggi là gì?" và gọi đó là "kiểu mị dân thuần túy". Bình luận của ông Macron được cho là nhằm đáp trả lời kêu gọi của Đức rằng các nước khác cũng nên cấm xuất khẩu vũ khí cho Saudi Arabia.

3. EU hy vọng Anh sẽ yêu cầu trì hoãn Brexit trong ba tháng

Liên minh châu Âu (EU) đang hy vọng Thủ tướng Anh Theresa May bị buộc phải yêu cầu trì hoãn ba tháng đối với Brexit. Các cuộc thảo luận giữa hai bên cho thấy Thủ tướng Anh sẽ yêu cầu gia hạn thời gian đàm phán hai năm nếu Quốc hội Anh ủng hộ thỏa thuận Brexit nhưng nó không được ký kết cho đến khi hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra vào ngày 21-22/3.

EU coi đây là một phần “gia hạn kỹ thuật” để cho Quốc hội Anh có thời gian để thông qua luật pháp cần thiết liên quan đến việc Anh rời khỏi khối. Bất cứ điều gì kéo dài hơn ba tháng sẽ khiến Vương quốc Anh chịu áp lực phải tham gia cuộc bầu cử châu Âu vào ngày 23-26/5, điều mà cả hai bên đều muốn tránh.

Các quan chức EU cho biết, việc gia hạn ba tháng sẽ diễn ra theo kịch bản lạc quan nhất của họ. Rủi ro vẫn là Anh có thể rời khỏi khối ngày 29 tháng 3 mà không có thỏa thuận nào. Ngoài ra, Thủ tướng Anh có thể bị buộc phải dự tính một sự chậm trễ lâu hơn nếu không đạt được sự ủng hộ đối với thỏa thuận này.

4. Venezuela đóng cửa biên giới với Colombia

Ngày 22/2, Chính phủ Venezuela đã ra lệnh đóng toàn bộ các cửa khẩu biên giới với Colombia nhằm “đối phó với những mối đe dọa” đối với chủ quyền quốc gia. Phó Tổng thống Delcy Rodriguez cho hay các cây cầu Simon Bolivar, Santander và Union nối liền giữa Venezuela và Colombia sẽ tạm thời bị đóng cửa và sẽ chỉ mở cửa trở lại khi mọi vấn đề liên quan tới an ninh, chủ quyền của Venezuela được bảo đảm.

Theo Phó Tổng thống Rodriguez, hoạt động tại các cây cầu này sẽ được khôi phục bình thường chừng nào Chính phủ Colombia kiểm soát được hành động bạo lực nhằm vào nước này. Bà Rodriguez cũng kêu gọi Tổng thống Colombia Ivan Duque có biện pháp ngăn chặn các âm mưu chống phá được thực hiện trong lãnh thổ nước này nhằm chống phá Venezuela.

Quyết định trên được đưa ra ngay trong thời điểm các chuyến hàng viện trợ nhân đạo từ Mỹ đang được tập trung tại điểm tập kết ở Cucuta, Colombia để chuẩn bị tìm cách chuyển vào lãnh thổ Venezuela trong ngày 23/2 bất chấp sự từ chối của chính phủ nước này.

5. Mỹ bất ngờ tăng gấp đôi số quân ở lại Syria

Thay vì 200 quân như kế hoạch được đưa ra hôm 21/2, ngày 22/2, Nhà Trắng cho biết kế hoạch để lại quân đội ở Syria đã được thay đổi. Theo đó, họ sẽ duy trì 400 quân tại đây. "Các cố vấn đã có tác động đến Tổng thống Donald Trump, 400 quân là một số lượng vừa đủ để thực hiện kế hoạch duy trì an ninh thời hậu chiến thắng khủng bố IS" - Almasdar dẫn nguồn thông báo của Nhà Trắng.

Ngoài ra, các đồng minh châu Âu của Mỹ cũng cam kết sẽ duy trì lực lượng từ 800 - 1.500 quân tại đây. Mỹ cùng các quốc gia khác đang thảo luận về vấn đề này. Ngoài ra, Mỹ dự tính sẽ đóng 200 quân tại căn cứ quân sự Al-Tanf, căn cứ lớn nhất ở Syria, gần khu vực biên giới 3 nước Syria - Jordan - Iraq.

Quyết định này của Mỹ một lần nữa tạo ra sự phức tạp cho vấn đề Syria. Đáng chú ý, Al-Tanf là điểm chốt chặn ngăn cách chính quyền Damascus với hàng ngàn người tị nạn đang sống tại trại Rukban gần biên giới Jordan. Tình trạng thiếu an ninh và nhu yếu phẩm ở đây đang rất trầm trọng.

Lâm Anh (t/h)