Tin nóng thế giới hôm nay - 22/3

19:13 | 22/03/2019

235 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Syria kiên quyết giành lại cao nguyên Golan. Hơn 90 người thiệt mạng trong vụ chìm phà ở Iraq. Ít nhất 13 người thương vong trong một vụ nổ lớn tại Colombia.
tin nong the gioi hom nay 223Pháp tăng cường đầu tư vào điện mặt trời ở Trung Quốc
tin nong the gioi hom nay 223Hãng hàng không đầu tiên hủy đơn đặt hàng Boeing 737 MAX
tin nong the gioi hom nay 223
Quốc kỳ Syria được treo gần khu định cư Ein Zivan trên Cao nguyên Golan năm 2018. (Nguồn: AFP/TTXVN)

1. Syria kiên quyết giành lại cao nguyên Golan

Theo Reuters, Chính phủ Syria ngày 22/3 đã chỉ trích phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng đến lúc phải công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan, đồng thời cho biết Syria kiên quyết giành lại khu vực này "bằng mọi biện pháp khả thi".

Trong tuyên bố được hãng thông tấn Syria trích dẫn, một nguồn tin Bộ Ngoại giao Syria nêu rõ tuyên bố của Tổng thống Mỹ đã cho thấy "sự thiên vị mù quáng của Mỹ" đối với Israel. Phát biểu (của ông Trump) không làm thay đổi "thực tế rằng Cao nguyên Golan đã và sẽ vẫn thuộc về người Syria, Arab".

Theo tuyên bố, "dân tộc Syria ngày càng kiên quyết hơn nhằm giải phóng phần quý báu này của lãnh thổ quốc gia Syria bằng tất cả biện pháp khả thi".

2. Hơn 90 người thiệt mạng trong vụ chìm phà ở Iraq

Bộ Nội vụ Iraq sáng 22/3 cho biết, số nạn nhân thiệt mạng trong vụ chìm phà ở sông Tigris của thành phố Mosul, miền Bắc Iraq, xảy ra ngày 21/3, tiếp tục tăng, đã lên tới 94 người, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Hiện có 55 người được cứu sống và đây được xem là thảm họa nghiêm trọng nhất ở Iraq trong nhiều năm qua.

Trong một thông cáo báo chí, người phát ngôn Bộ Nội vụ Saad Maan cho biết các chiến dịch cứu hộ đang tiếp tục nhằm tìm kiếm thêm nạn nhân. Dự kiến cuộc tìm kiếm sẽ tiếp tục trong nhiều ngày tới. Theo người đứng đầu Cơ quan Dân phòng Mosul Husam Khalil, trước khi xảy ra tai nạn, trên phà có tới 250 người, phần lớn là phụ nữ và trẻ em đi du lịch nhân Năm mới của người Kurd, trong khi chiếc phà chỉ được thiết kế để chở khoảng 30-50 người.

Nhà chức trách Iraq đã mở cuộc điều tra để làm rõ nguyên nhân vụ việc thương tâm trên. Trong khi đó, tòa án điều tra Mosul đã ra quyết định bắt giữ chín nhân viên chịu trách nhiệm vận hành chiếc phà. Tòa cũng phát lệnh bắt giữ chủ phà và chủ đảo du lịch trên.

3. Ít nhất 13 người thương vong trong một vụ nổ lớn tại Colombia

Ngày 21/3, giới chức Colombia cho biết ít nhất 9 người đã thiệt mạng và 4 người khác bị thương trong một vụ nổ chưa xác định nguyên nhân tại khu vực miền núi phía Tây Nam quốc gia Nam Mỹ này. Vụ nổ xảy ra trong một ngôi nhà tại khu vực nông thôn, nơi có cộng đồng thổ dân bản địa sinh sống.

Vụ nổ xảy ra trong bối cảnh hàng trăm người dân nơi đây tổ chức biểu tình phản đối từ hơn 10 ngày qua làm tê liệt giao thông và việc cung ứng lương thực cùng nhiên liệu cho một số thành phố lân cận. Những người thổ dân biểu tình đòi chính quyền phải tôn trọng các thỏa thuận về đầu tư xã hội và bảo trợ đất đai, và theo lực lượng cảnh sát, đã có những hành vi bạo lực trong quá trình biểu tình như đốt xe hơi và sát hại 1 cảnh sát do các nhóm vũ trang trà trộn vào người biểu tình.

Theo đánh giá của Liên hợp quốc, Colombia có dân số ở mức 45,5 triệu người, gồm 85 dân tộc, trong đó khoảng gần 1 triệu người thuộc các sắc tộc thổ dân bản địa thiểu số đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

4. Chính phủ New Zealand cam kết đảm bảo an toàn cho người Hồi giáo

Chính phủ New Zealand ngày 22/3 đã cam kết đảm bảo an toàn và an ninh cho cộng đồng người Hồi giáo sống tại quốc gia này, sau vụ tấn công đẫm máu nhằm vào hai đền thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch.

Phát biểu trong cuộc họp khẩn cấp của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (IOC) đang diễn ra tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), Ngoại trưởng New Zealand - ông Winston Peters, nhấn mạnh: "Việc đảm bảo cho an toàn và an ninh cho cộng đồng người Hồi giáo ở New Zealand đang được tập trung đặc biệt".

Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cũng chỉ trích vụ thảm sát Christchurch là vụ tấn công nhằm vào chủ nghĩa Hồi giáo. Ông đồng thời hối thúc các nước phương Tây hành động nhiều hơn nữa để chống lại làn sóng bài Hồi giáo.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đánh giá cao các nỗ lực giới chức New Zealand phản ứng sau sự việc, cũng như "những thông điệp đoàn kết chân thành" của họ. Ông cho biết: "Chúng tôi ở đây để chứng minh rằng chúng ta là một khối thống nhất chống lại các hành động bài Hồi giáo trên thế giới."

5. Italy khẳng định lợi ích tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường

Phát biểu với truyền thông Trung Quốc trước cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte nhấn mạnh rằng quan hệ Trung Quốc-Italy có truyền thống lâu đời và rất tốt đẹp; đồng thời khẳng định “triển vọng hợp tác sẽ ngày càng được củng cố” với sáng kiến Con đường Tơ lụa mới.

Trong bài phỏng vấn được Tân Hoa xã đăng tải ngày 22/3, Thủ tướng Conte nói rằng, chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình và việc ký kết bản ghi nhớ về sáng kiến Vành đai và Con đường là một phần của “khung quan hệ rất bền vững".

Thủ tướng Italy khẳng định: “Tôi nghĩ rằng mối quan hệ hợp tác ngày càng phát triển giữa Italy và Trung Quốc mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho hai nước chúng ta”.

Lâm Anh (t/h)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc