Tin nóng thế giới hôm nay - 20/3

20:02 | 20/03/2019

205 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Châu Âu tăng cường hành động đối phó Trung Quốc ở Biển Đông. Venezuela cáo buộc Mỹ, Brazil tìm cách biện hộ cho hành động gây chiến. Nhật Bản gia hạn các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên.
tin nong the gioi hom nay 203Tổng thống Mỹ góp một phần tư tiền lương hàng năm cho Bộ An ninh Nội địa
tin nong the gioi hom nay 203Nga đã làm được gì cho Crimea sau 5 năm sáp nhập?
tin nong the gioi hom nay 203
Tàu khu trục mang tên lửa Duncan của Hải quân Hoàng gia Anh. Ảnh minh họa. (Nguồn: cotidianul.ro)

1. Châu Âu tăng cường hành động đối phó Trung Quốc ở Biển Đông

Đài Sptunik dẫn báo South China Morning Post ngày 19/3 cho rằng, ngoài hoạt động tuần tra tự do hàng hải của Mỹ, các nước Pháp, Anh, Hà Lan và Đan Mạch cũng sẽ tăng cường hiện diện ở Biển Đông, trong khuôn khổ chính sách kiềm chế Trung Quốc của Liên minh châu Âu (EU).

Báo trên đăng phát biểu của bà Liselotte Odgaard - thành viên cấp cao của Viện Nghiên cứu Hudson tại Washington, trong một sự kiện thảo luận về vai trò của EU trong khu vực: "EU sẽ có đường lối chính sách chung, chẳng hạn như chống sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông và thúc đẩy tự do hàng hải, song các chương trình hoạt động cụ thể sẽ do các nước thực hiện và sẽ diễn ra thường xuyên hơn".

Các nước châu Âu đang ngày càng lo ngại thách thức cả về kinh tế lẫn an ninh từ Trung Quốc, nước vốn bị cáo buộc không tuân thủ luật quốc tế. Trong một báo cáo tuần trước, Ủy ban châu Âu (EC) lần đầu tiên chỉ ra Trung Quốc là "nước cạnh tranh về kinh tế" và về "mô hình điều hành chính phủ". EC cũng đưa ra 10 đề xuất để giúp EU kiềm chế ảnh hưởng của Bắc Kinh- đối tác thương mại lớn nhất của khối.

2. Venezuela cáo buộc Mỹ, Brazil tìm cách biện hộ cho hành động gây chiến

Ngày 19/3, Chính phủ Venezuela đã lên tiếng cáo buộc các Tổng thống Donald Trump của Mỹ và Jair Bolsonaro của Brazil đang tìm cách biện minh cho những hành động gây chiến khi tuyên bố ủng hộ việc gây sức ép buộc Tổng thống Nicolas Maduro phải từ bỏ quyền lực.

Trong một thông cáo chính thức, Bộ Ngoại giao Venezuela nêu rõ những tuyên bố của các nhà lãnh đạo Mỹ và Brazil là hết sức nguy hiểm, mang tính đe dọa tới hòa bình và an ninh quốc tế và là minh chứng về những vi phạm trắng trợn Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Chính phủ Venezuela khẳng định không có bất kỳ liên minh phát xít mới nào có thể khuất phục được ý chí độc lập và chủ quyền của nhân dân Venezuela, cũng như không thể thành công trong việc gieo rắc sự thù hận và chiến lược hiếu chiến giữa các nước ở khu vực Mỹ Latinh.

Trước đó, trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Brazil Bolsonaro, lãnh đạo hai nước đã có những chỉ trích mạnh mẽ nhằm vào chính quyền của Tổng thống Maduro, đồng thời nhất trí về các biện pháp trừng phạt để gây sức ép đối với quốc gia Nam Mỹ này.

3. Nhật Bản gia hạn các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên

Theo Reuters, ngày 20/3, đài truyền hình NHK cho biết Nhật Bản sẽ gia hạn các lệnh trừng phạt đơn phương đối với Triều Tiên thêm 2 năm.

Theo NHK, Tokyo sẽ gia hạn lệnh trừng phạt thương mại đối với Bình Nhưỡng và lệnh cấm tàu của nước này vào các cảng của Nhật Bản thêm 2 năm.

Chính phủ Nhật Bản sẽ thông qua quyết định này tại kỳ họp nội các đầu tháng tới.

4. Mỹ tiếp tục miễn trừ Iraq khỏi các biện pháp trừng phạt Iran

Bộ Ngoại giao Mỹ đã gia hạn thêm 90 ngày lệnh miễn trừ Iraq khỏi các biện pháp trừng phạt của Washington đối với Iran để Baghdad có thể tiếp tục nhập khẩu năng lượng từ Tehran. Đây là lần gia hạn thứ hai của Mỹ nhằm hỗ trợ đất nước Iraq vốn kiệt quệ do chiến tranh đang ngày càng phụ thuộc vào nguồn cung ứng năng lượng của quốc gia láng giềng.

Trao đổi với báo giới ngày 19/3, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh mặc dù việc gia hạn này nhằm hỗ trợ Iraq phần nào hạ nhiệt tình trạng thiếu năng lượng, song Mỹ vẫn tiếp tục thảo luận với các đối tác Iraq về các biện pháp trừng phạt Iran.

Quan chức này cũng cho biết việc nâng cao năng lực của Iraq và đa dạng hóa các mặt hàng nhập khẩu sẽ giúp tăng cường và củng cố nền kinh tế quốc gia Trung Đông này, cũng như thúc đẩy xây dựng một đất nước Iraq thống nhất, dân chủ và thịnh vượng.

5. Mỹ nhấn mạnh cần kiểm chứng việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên

Ngày 19/3, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm chứng các bước phi hạt nhân hóa của Triều Tiên thay vì chỉ dựa vào niềm tin.

Theo phóng viên TTXVN tại Washington D.C, trong một cuộc phỏng vấn, Ngoại trưởng Pompeo thừa nhận giữa hai nước vẫn tồn tại sự hoài nghi lớn khi tiến hành đàm phán nhằm chấp dứt chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên để đổi lại việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt. Ông nêu rõ: "Nên nhớ đây là về sự kiểm chứng. Đây không phải chỉ về niềm tin".

Ngoại tưởng Pompeo cũng cũng khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với quốc gia Đông Bắc Á này. Ông bày tỏ hy vọng việc áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế song song với nỗ lực đàm phán nhằm đạt được một giải pháp ngoại giao trong vấn đề hạt nhân của Triều Tiên sẽ mang lại "kết quả thực sự tốt đẹp".

Lâm Anh (t/h)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc