Tin nóng thế giới hôm nay - 19/4

19:41 | 19/04/2019

226 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Nga đề xuất với Mỹ ký thỏa thuận tránh chiến tranh hạt nhân. Chính phủ Libya ra lệnh bắt giữ người đứng đầu chính quyền miền Đông. Liên hợp quốc bắt đầu sơ tán người tị nạn từ Libya sang Niger.
tin nong the gioi hom nay 194Nga bán khí đốt cho châu Âu: Đơn giản là bài toán giá cả
tin nong the gioi hom nay 194Nga quyết tâm bảo vệ Cuba và Venezuela đến cùng
tin nong the gioi hom nay 194Mỹ nói vũ khí mới của Triều Tiên không phải tên lửa đạn đạo
tin nong the gioi hom nay 194
Hệ thống Iskander-K có khả năng phóng tên lửa 9M729, loại vũ khí tối tân khiến Mỹ luôn cáo buộc Nga vi phạm Hiệp ước INF. (Ảnh: Sputnik/TTXVN)

1. Nga đề xuất với Mỹ ký thỏa thuận tránh chiến tranh hạt nhân

Tờ Thương gia của Nga ngày 19/4 dẫn nguồn tin riêng cho biết Nga đã đưa ra đề xuất với Mỹ ký thỏa thuận không để xảy ra chiến tranh hạt nhân, nhưng sáng kiến của Moskva chưa nhận được câu trả lời từ phía Washington.

Theo nguồn tin trên, Moskva đã chuyển dự thảo thỏa thuận cho Washington vào tháng 10/2018. Trong văn kiện này nhấn mạnh rằng trong “chiến tranh hạt nhân không thể có người chiến thắng, và cuộc chiến tranh này không bao giờ được phép nổ ra”. Ngoài ra, trong dự thảo thỏa thuận còn đề xuất đưa ra những biện pháp cần thiết để ngăn chặn vô tình hay trái phép sử dụng vũ khí hạt nhân.

Mỹ đã ngừng thực hiện các cam kết trong Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) kể từ tháng 2/2019. Theo Washington, nguyên nhân chính là do Moskva vi phạm một cách có hệ thống các điều kiện nêu trong INF. Nga bác bỏ cáo buộc này, đồng thời cáo buộc ngược lại rằng chính Mỹ vi phạm hiệp ước này.

2. Chính phủ Libya ra lệnh bắt giữ người đứng đầu chính quyền miền Đông

Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA), được quốc tế công nhận, ngày 18/4 đã phát lệnh bắt giữ Tướng Khalifa Haftar, đứng đầu chính quyền miền Đông.

Theo văn phòng thông tin của Thủ tướng Libya, ngoài Tướng Hafta, còn có 6 sỹ quan quân đội có tên trong lệnh bắt giữ mà Thủ tướng Fayez Serraj ban hành, với cáo buộc những người này liên quan đến các vụ không kích gây thương vong tại các khu vực dân cư ở thủ đô Tripoli.

Trước đó, ngày 16/4 vừa qua, nhiều khu vực ở miền Nam Tripoli đã phải hứng chịu các vụ tấn công bằng đạn pháo, gây thương vong và nhiều nhà cửa bị phá hủy. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), giao tranh giữa các lực lượng đối địch ở Libya từ đầu tháng Tư đã khiến 205 người thiệt mạng, 913 người bị thương và hàng nghìn người dân phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

3. Liên hợp quốc bắt đầu sơ tán người tị nạn từ Libya sang Niger

Ngày 19/4, Liên hợp quốc đã bắt đầu sơ tán 163 người tị nạn từ Libya sang Niger, trong khi hơn 3.000 người khác vẫn đang bị mắc kẹt trong các trại giam do bị ảnh hưởng bởi các cuộc giao tranh. Theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), đây là cuộc sơ tán đầu tiên của những người tị nạn và người di cư ra khỏi Libya, kể từ khi các cuộc giao tranh nổ ra ở thủ đô Tripoli cách đây 2 tuần.

Trong một tuyên bố, người đứng đầu UNHCR Filippo Grandi cho biết: "Với tình hình hiện nay ở Libya, các cuộc di tản nhân đạo là cứu cánh cho những người tị nạn đang bị giam giữ và cuộc sống đang gặp nguy hiểm ở Libya". Ông Grandi đồng thời đánh giá cao việc chính phủ Niger đã tiếp nhận người tị nạn từ Libya và kêu gọi các quốc gia khác trên thế giới cũng có hành động tương tự.

UNHCR cũng đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp gửi tới cộng đồng quốc tế nhằm tìm giải pháp cho tất cả những người tị nạn đang bị giam giữ và mắc kẹt tại Libya.

4. Thủ tướng Pakistan tiến hành cuộc cải tổ nội các sâu rộng

Thủ tướng Pakistan Imran Khan ngày 18/4 đã tiến hành một cuộc cải tổ nội các sâu rộng và bổ nhiệm ông Abdul Hafeez Sheikh làm Bộ trưởng Tài chính mới để thay thế cho ông Asad Umar, người vừa từ chức trước đó cùng ngày.

Thủ tướng Khan đã bổ nhiệm 10 bộ trưởng, trong đó có ông Sheikh, người từng giữ chức Bộ trưởng Tài chính dưới thời cầm quyền của Đảng Nhân dân Pakistan đối lập.

Trong thông báo trên Twitter trước đó, Bộ trưởng Umar cho biết Thủ tướng Khan có kế hoạch cải tổ Nội các, trong đó muốn điều chuyển ông sang nắm giữ chức vụ Bộ trưởng Năng lượng của nước này. Tuy nhiên, ông Umar cho biết ông đã đề đạt nguyện vọng được rút khỏi mọi vị trí trong Nội các.

Cùng với thông báo từ chức, ông Umar bày tỏ tin tưởng chính phủ của ông Khan đang là niềm hi vọng lớn nhất đối với người dân Pakistan. Hiện Văn phòng Thủ tướng Khan chưa đưa ra bất cứ bình luận hoặc xác nhận nào trước thông tin nói trên và hiện không rõ việc thiếu vắng ông Umar có ảnh hưởng như thế nào đối với thỏa thuận giữa Pakistan và IMF.

5. IS thừa nhận lần đầu tiên tấn công khủng bố CHDC Congo

Theo Reuters, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ngày 18/4 đã thừa nhận vụ tấn công đầu tiên của nhóm này vào Cộng hòa dân chủ Congo và tuyên bố đây là chi nhánh của "Nhà nước Caliphate" tại "Tỉnh Trung Phi" sau khi xảy ra vụ đấu súng hôm 16/4 tại Bovata khiến hai binh sỹ và một dân thường của nước này thiệt mạng.

Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và một lãnh đạo xã hội dân sự ở Congo cho biết có ba người đã bị thiệt mạng trong vụ đụng độ ở Bovata, gần thị trấn Beni hôm 16/4. Thị trấn này và các vùng lân cận vừa bị ảnh hưởng bởi bạo lực của các nhóm phiến quân, vừa bị dịch bệnh Ebola tấn công.

Vẫn chưa thể xác minh độc lập tuyên bố của IS, bởi có hơn chục nhóm phiến quân và các băng đảng tội phạm khác nhau hoạt động ở vùng phía Đông Cộng hòa dân chủ Congo. Trong khi đó, IS cũng đã khẳng định con số thương vong cao hơn là năm binh sỹ bị giết và ba người khác bị thương.

Lâm Anh (t/h)