Tin nóng thế giới hôm nay - 16/4

22:17 | 16/04/2019

308 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Đụng độ nghiêm trọng tại trại tị nạn lớn nhất Sudan, 14 người chết. Brazil bất ngờ tuyên bố rút khỏi Liên minh các quốc gia Nam Mỹ. Venezuela phản đối các biện pháp trừng phạt mới của Canada.
tin nong the gioi hom nay 164Vì sao đám cháy tại Nhà thờ Đức Bà Paris khó dập tắt nhanh chóng?
tin nong the gioi hom nay 164Nga tuyên bố không có quan hệ hợp tác với NATO
tin nong the gioi hom nay 164Phản ứng của thế giới về vụ hỏa hoạn Nhà thờ Đức Bà Paris
tin nong the gioi hom nay 164
Đụng độ xảy ra tại trại Kalma, một trong những trại tị nạn lớn nhất của Sudan (Nguồn: pennews.net)

1. Đụng độ nghiêm trọng tại trại tị nạn lớn nhất Sudan, 14 người chết

Nhiều vụ đụng độ nghiêm trọng đã xảy ra trong trại tị nạn Kalma, bang Nam Darfur, vùng bị xung đột tàn phá của Sudan, làm 14 người thiệt mạng. Kalma là một trong những trại tị nạn lớn nhất của Sudan hiện đang đón tiếp hàng nghìn người tị nạn do chiến tranh trong khu vực.

Quyền Thống đốc bang Nam Darfur, Tướng Hashim Khalid cho biết trong trại tị nạn này có rất nhiều vũ khí và cũng như các nhóm gây rối. Tuy nhiên, ông không tiết lộ nguyên nhân gây ra các vụ đụng độ cũng như các băng nhóm liên quan.

Cuộc xung đột ở Darfur nổ ra vào năm 2003 khi phiến quân thuộc tộc người da màu chống lại chính phủ Arab của Tổng thống vừa bị phế truất Omar al-Bashir, cáo buộc chính phủ đã không quan tâm đến sự phát triển chính trị và kinh tế của khu vực. Chính phủ Sudan đã thực hiện chiến dịch lập lại ổn định tại đây, trấn áp các lực lượng phiến quân, giúp khu vực có được một giai đoạn yên ổn.

2. Brazil bất ngờ tuyên bố rút khỏi Liên minh các quốc gia Nam Mỹ

Ngày 15/4, Chính phủ Brazil thông báo quyết định rút khỏi Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR), chỉ vài giờ sau khi Bolivia chính thức chuyển giao chức chủ tịch luân phiên của tổ chức này cho Brazil. Bộ Ngoại giao Brazil cho biết đã gửi thông báo về quyết định trên cho Chính phủ Ecuador và việc Brazil rút khỏi UNASUR sẽ có hiệu lực vào 6 tháng tới.

Tháng Tư năm ngoái, Chính phủ Argentina, Brazil, Chile, Colombia, Paraguay và Peru đã ngừng tham gia hoạt động của UNASUR do cuộc khủng hoảng kéo dài của tổ chức khu vực này. Khối UNASUR đã không đạt được đồng thuận để bầu ra một Tổng Thư ký mới kể từ khi ông Ernesto Samper, cựu Tổng thống Colombia kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2017.

Ngày 22/3 vừa qua, Chính phủ Argentina, Brazil, Ecuador, Guayana, Paraguay và Peru đã ký văn bản bày tỏ ý định thành lập Diễn đàn vì Sự Tiến bộ và Phát triển của Nam Mỹ (Prosur) để thay thế UNASUR. Theo Bộ Ngoại giao Brazil, Prosur sẽ có cơ cấu gọn nhẹ và linh hoạt với các quy định thành lập rõ ràng, có đầy đủ giá trị dân chủ, tôn trọng quyền con người như những yêu cầu thiết yếu của các nước thành viên.

3. Venezuela phản đối các biện pháp trừng phạt mới của Canada

Chính phủ Venezuela ngày 15/4, cáo buộc Canada ủng hộ "cuộc phiêu lưu chiến tranh" của Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi Ottawa cùng ngày công bố các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào các quan chức hàng đầu trong chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro.

Trong tuyên bố, Bộ Ngoại giao Venezuela cho rằng với việc áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Caracas, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã làm suy yếu vai trò của Ottawa là một đối tác đáng tin cậy trong đối thoại. Tuyên bố đồng thời bày tỏ phản đối các biện pháp trừng phạt mới nhất của Canada nhằm vào những nhân vật chủ chốt trong chính phủ của Tổng thống Maduro.

Trước đó cùng ngày, trong khuôn khổ Đạo luật các biện pháp kinh tế đặc biệt, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland đã công bố đợt trừng phạt thứ tư nhằm vào 43 quan chức chính phủ Venezuela, trong đó có Ngoại trưởng Jorge Arreaza. Các biện pháp trừng phạt này bao gồm phong tỏa tài sản của các quan chức Venezuela và cấm công dân Canada có giao dịch với các cá nhân trong diện bị trừng phạt.

4. Singapore bỏ tù giáo viên giúp học sinh gian lận thi cử

Ngày 15/4, tòa án Singapore đã tuyên án 3 năm tù giam đối với một giáo viên tại một trung tâm luyện thi vì đã có hành vi gian lận giúp 6 học sinh Trung Quốc trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông hồi năm 2016.

Đối tượng Tan Jia Yan, người Singapore, 33 tuổi, đã thừa nhận 27 tội gian lận và là người đầu tiên nhận tội trong một vụ án liên quan đến 3 đồng phạm khác tại Trung tâm Giáo dục Zeus. Những người này đã bị cáo buộc tìm cách giúp 6 học sinh trong độ tuổi từ 17-20 vượt qua các bài thi O-Level.

Thủ đoạn của nhóm này là cho học sinh gắn tai nghe bluetooth được liên kết với điện thoại di động giấu dưới quần áo để đọc lời giải cho các bài kiểm tra. Sự việc tình cờ được phát hiện tại kỳ thi kiểm tra tiếng Anh tại Trường Trung học phổ thông Tampines, sau khi 1 trong 6 học sinh bị phát hiện có điện thoại giấu trong người.

Các công tố viên nhấn mạnh hành vi gian lận này đã làm suy yếu nguyên tắc đạo đức vốn là nền tảng quan trọng hàng đầu của hệ thống giáo dục Singapore và vụ việc đã "ảnh hưởng đến hàng nghìn học sinh học tập chăm chỉ". Vì vậy, việc tòa đưa ra bản án nghiêm khắc trên sẽ có tác dụng răn đe đối với các hành vi gian lận trong thi cử.

5. Đức kêu gọi Israel và Palestine tuân thủ giải pháp hai nhà nước

Ngày 15/4, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, chúc mừng đảng Likud của ông về nhất trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua. Bà đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc tiếp tục thúc đẩy giải pháp hai nhà nước giải quyết cuộc xung đột giữa Israel và Palestine.

Văn phòng Thủ tướng Merkel cho biết trong cuộc điện đàm, bà Merkel đã nhấn mạnh việc tiếp tục thực hiện giải pháp trên, trong đó nêu rõ đây nên là mục đích của các nỗ lực quốc tế. Cũng tại cuộc điện đàm này, Thủ tướng Merkel đã bày tỏ sự sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với chính phủ tiếp theo tại Israel. Bà đã mời ông Netanyahu sang thăm Đức sau khi chính phủ mới của Israel được thành lập.

Trước thềm cuộc tổng tuyển cử ngày 9/4 vừa qua, Thủ tướng Netanyahu tuyên bố sẽ không cho phép thành lập Nhà nước Palestine vì điều này đe dọa sự tồn tại của Nhà nước Do Thái.

Lâm Anh (t/h)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc