Tin nóng thế giới hôm nay - 11/2

20:05 | 11/02/2019

213 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tổng thống Iran khẳng định tiếp tục tăng cường sức mạnh quân sự. Quốc hội Mỹ vẫn bất đồng về chính sách bắt giữ người nhập cư. Thủ tướng Thái Lan khẳng định thông tin đảo chính là "tin giả". 
tin nong the gioi hom nay 112Giá vàng hôm nay 11/2: Theo đà thế giới, vàng SJC tăng mạnh
tin nong the gioi hom nay 112Giá dầu thế giới 11/2: Đồng loạt giảm nhẹ khi Mỹ - Trung bước vào vòng đàm phán thương mại mới
tin nong the gioi hom nay 112
Tổng thống Iran Hassan Rouhani. (Nguồn: AP)

1. Tổng thống Iran khẳng định tiếp tục tăng cường sức mạnh quân sự

Theo Reuters, Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 11/2 tuyên bố nước này sẽ quyết tâm tăng cường sức mạnh quân sự và chương trình tên lửa đạn đạo của mình bất chấp sức ép gia tăng từ các nước thù địch nhằm kiềm chế công tác phòng thủ của Tehran.

Phát biểu tại quảng trường Azadi (Tự do) của Tehran, nơi có hàng chục nghìn người tụ họp để kỷ niệm 40 năm Cách mạng Hồi giáo Iran, ông Rouhani nhấn mạnh: "Chúng tôi không và sẽ không bao giờ phải xin phép để phát triển các loại... tên lửa khác nhau và sẽ tiếp tục chủ trương và xây dựng năng lực quân sự của mình".

Kênh truyền hình Press TV của Iran dẫn lời người phát ngôn AEOI Behrouz Kamalvandi nêu rõ: "Trên cơ sở sắc lệnh của Đại giáo chủ Ali Khamenei và sự chú trọng của lãnh đạo AEOI đối với vấn đề này, Iran sẵn sàng nâng công suất làm giàu urani lên mức 190.000 đơn vị phân tách (SWU)".

2. Quốc hội Mỹ vẫn bất đồng về chính sách bắt giữ người nhập cư

Ngày 10/2, thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa của Mỹ, ông Richard Shelby, cho biết các cuộc đàm phán về vấn đề an ninh biên giới giữa hai phe Cộng hòa và Dân chủ nhằm tránh tái diễn một đợt đóng cửa chính phủ nữa vào ngày 15/2 hiện vẫn đang gặp bế tắc do những bất đồng về chính sách bắt giữ người nhập cư.

Phát biểu trong chương trình Fox News Sunday, ông Shelby khẳng định "Các cuộc đàm phán hiện vẫn rơi vào bế tắc". Ông Shelby cũng bày tỏ hy vọng hai bên sẽ sớm trở lại bàn đàm phán. Trong khi đó, Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Jon Tester nhận định: "Đó là một cuộc đàm phán. Các cuộc đàm phán hiếm khi diễn ra suôn sẻ".

3. Thủ tướng Thái Lan khẳng định thông tin đảo chính là "tin giả"

Hãng AFP đưa tin, Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha, người đứng đầu chính quyền quân sự đang lãnh đạo Thái Lan đã phủ nhận thông tin sắp xảy ra đảo chính lần nữa trước các phóng viên tại văn phòng chính phủ vào hôm 11/2.

Trước đó, trên mạng xã hội Thái Lan rộ lên tin đồn sắp xảy ra đảo chính khi cảnh sát chống bạo động Thái Lan hôm 9/2 nhận được lệnh điều động và chuẩn bị sẵn sàng bảo vệ các cơ sở trọng yếu tại tỉnh Phichit. Tiếp đó, vào ngày 10/2 một đoàn xe thiết giáp được cho là đang di chuyển từ phía bắc thủ đô Bangkok tới tỉnh Lopburi. Quân đội cho hay việc chuyển quân nhằm chuẩn bị cho đợt tập trận chung Hổ mang Vàng với quân đội Mỹ và các đồng minh.

Chính trường Thái Lan "tăng nhiệt" trước thềm cuộc tổng tuyển cử ngày 24/3 sau khi công chúa Thái Lan Ubolratana Rajakanya bất ngờ tuyên bố tranh cử vị trí thủ tướng với tư cách là ứng viên của đảng Thai Raksa Chart, đảng trung thành với cựu thủ tướng lưu vong Thaksin Shinawatra.

4. Hàng chục nghìn người tham gia biểu tình chống chính phủ tại Mali

Ngày 10/2, hàng chục nghìn người dân Mali đã tập trung tại thủ đô Bamako để tham gia một cuộc biểu tình do các thủ lĩnh Hồi giáo hàng đầu của nước này kêu gọi. Đám đông lớn đã lấp đầy một sân vận động với 60.000 chỗ ngồi ở thủ đô Bamako. Các thủ lĩnh Hồi giáo cáo buộc Chính phủ Mali không thể khôi phục sự ổn định cho đất nước, vốn bị ảnh hưởng bởi các vụ tấn công của phiến quân. Ông Mahmoud Dicko, một giáo sỹ Hồi giáo có tầm ảnh hưởng, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Hồi giáo Tối cao (IHC), nhấn mạnh đây là cuộc tuần hành để thách thức Chính phủ Mali và là một buổi cầu nguyện cho quốc gia châu Phi này. Bất chấp thỏa thuận hòa bình năm 2015 cùng sự can thiệp quân sự của Pháp, các lực lượng phiến quân vẫn liên tục tiến hành các vụ tấn công ở Mali, khiến chính phủ nước này không thể kiểm soát nhiều khu vực quan trọng.

5. Nhật Bản tố cáo tàu tuần tra Trung Quốc xâm phạm lãnh hải

NHK ngày 11/2 đưa tin, Ban tham mưu ứng phó khủng hoảng trực thuộc Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản tuyên bố tàu tuần tra của Trung Quốc đã xâm phạm lãnh hải Nhật Bản trong khu vực các đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông.

Theo NHK, bốn tàu tuần tra của Trung Quốc hôm nay đã tiếp cận lãnh hải và một tàu xâm phạm vào lãnh hải Nhật Bản ở khu vực quần đảo Senkaku, khu vực Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền và gọi là đảo Điếu Ngư.

Quần đảo Senkaku (Điếu Ngư Đảo) là chủ thể tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong thời gian dài. Nhật Bản tuyên bố đã sở hữu quần đảo này từ năm 1895, nhưng Bắc Kinh nhắc nhở rằng trên bản đồ Nhật Bản năm 1783 và 1785 thì Điếu Ngư được đánh dấu là lãnh thổ của Trung Quốc. Sau Thế chiến II, các đảo nằm dưới sự kiểm soát của Mỹ và được chuyển giao cho Nhật Bản vào năm 1972.

Lâm Anh (t/h)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc