Tin nhanh bất động sản 24h qua

14:45 | 20/10/2020

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Thành phố Hồ Chí Minh hạn chế phát triển nhà cao tầng ở quận 1,3 đến năm 2025; Khách hàng ngậm trái đắng khi mua nhầm Condotel của Vietpearl…là những tin tức bất động sản nổi bật trong 24h qua.
Lấp kẽ hở thất thoát 20% quỹ đất nhà ở xã hộiLấp kẽ hở thất thoát 20% quỹ đất nhà ở xã hội
Làm gì để kiểm soát đầu cơ, thổi giá bất động sản?Làm gì để kiểm soát đầu cơ, thổi giá bất động sản?

TP. HCM: Hạn chế phát triển nhà cao tầng ở quận 1,3 đến năm 2025

Sở Xây dựng TPHCM vừa có báo cáo UBND TPHCM về đề án “Xây dựng chương trình phát triển nhà ở TPHCM giai đoạn 2021 - 2030”.

4313-122037494-1586557274858127-1039162842019905545-n
TPHCM hạn chế phát triển nhà cao tầng ở quận 1,3 đến năm 2025( ảnh: internet)

Trong đó, giải pháp phát triển nhà ở giai đoạn 2021 -2025 theo khu vực được chia thành 5 khu:

Khu vực trung tâm hiện hữu (quận 1, quận 3) ưu tiên tăng chỉ tiêu quy hoạch dân số, hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng cho các dự án cải tạo, xây dựng mới chung cư thay thế chung cư cũ trước năm 1975. Hạn chế phát triển các dự án mới đầu tư xây dựng nhà ở cao tầng đến năm 2025 nếu chưa có kế hoạch xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng đảm bảo và phù hợp.

Khu vực 11 quận nội thành hiện hữu (quận 4, 5, 6, 8, 10, 11, Tân Bình, Tân Phú, Phú Nhuận, Gò Vấp và Bình Thạnh) tập trung chỉnh trang, nâng cấp theo đô thị hiện đại, hoàn thiện các dự án dở dang.

Sáu quận nội thành phát triển (quận 2, 7, 9, 12, Thủ Đức và Bình Tân) ưu tiên phát triển dự án đầu tư xây dựng mới, chung cư cao tầng dọc các trục giao thông công cộng lớn (như tuyến metro số 1 tại các quận 2, Thủ Đức, 9) hoặc các khu vực có kế hoạch thực hiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật tương ứng.

Khu vực 5 huyện ngoại thành (huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ) ưu tiên phát triển nhà theo dự án tại các thị trấn, khu dân cư nông thôn và khu vực đã có hệ thống hạ tầng kỹ thuật kết nối đồng bộ với những tuyến giao thông chính. Phát triển các khu du lịch ở kết hợp sinh thái nghỉ dưỡng, khu đô thị mới, khu đô thị vệ tinh.

Khách hàng ngậm trái đắng khi mua nhầm Condotel của Vietpearl

Dự án Condotel Oyster Ganhhao tọa lạc tại Phường 5 (TP Vũng Tàu) do Công ty Cổ phần Tập đoàn Vietpearl (phường Thảo Điền, Quận 2, TP.HCM) làm chủ đầu tư.

Năm 2012 khu đất thực hiện dự án Oyster Ganhhao được Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp Giấy phép xây dựng số 26/GPXD do ông Trần Hữu Thành làm chủ đầu tư để xây dựng khách sạn Eden Rock. Nhưng đến tháng 10/2018, ông Thành chuyển dự án xây khách sạn này sang Công ty Cổ phần Tập đoàn Vietpearl, đồng thời tên dự án cũng được chuyển thành Cao ốc Vietpearl Unit Hotel.

4309-121969458-3428770077191269-8928121338389915686-n
Dự án Condotel Oyster Ganhhao hiện đang xây dựng tại TP Vũng Tàu

Năm 2019, Công ty Cổ phần Vietpearl được Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp giấy phép xây dựng và được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án Cao ốc Vietpearl Unit Hotel của Công ty Cổ phần Tập đoàn Vietpearl.

Theo chủ trương đầu tư của dự án trên là thực hiện xây dựng khách sạn, căn hộ du lịch để “sử dụng vào mục tiêu thương mại, dịch vụ, không sử dụng vào mục đích đất ở…”.

Tuy nhiên, theo bà Phương – một khách hàng mua căn hộ của Công ty Cổ phần Tập đoàn Vietpearl cho biết, thông qua nhân viên kinh doanh của Tập đoàn Vietpearl, bà Phương được tư vấn mua 3 căn hộ tại đây với tổng số tiền hơn 5 tỷ đồng.

Ngày 28/5/2019, bà Phương đặt cọc và thanh toán cho Vietpearl tổng số tiền là hơn 900 triệu đồng để nhận 3 căn thuộc dự án này. Đến tháng 6/2019, bà Phương mới thực hiện ký kết 3 hợp đồng với tập đoàn Vietpearl. “Lúc này hợp đồng lại thể hiện là tôi nhận 3 Unit Hotel, tôi có thắc mắc về việc tại sao không ký kết hợp đồng mua bán căn hộ thì được nhân viên bên phía Vietpearl trấn an việc ký kết hợp đồng hợp tác hoàn toàn không ảnh hưởng đến việc mua bán căn hộ đối với dự án này. Lúc này tôi đã chuyển tiền rồi, lại không nghĩ đây là dự án Condotel nên đồng ý ký”, bà Phương cho biết.

Sau đó, bà Phương phát hiện đây là dự án Condotel mang tên Cao ốc Vietpearl Unit Hotel nhưng được chủ đầu tư đổi thành tên thương mại là Oyster Ganhhao khiến bà Phương bị nhầm lẫn. Đồng thời, những người “hợp tác” với chủ đầu tư tại đây cũng không được cấp quyền sử dụng riêng cho từng căn hộ. Trong khi đó, các dự án Condotel cũng đang bị các cơ quan chức năng cảnh báo. Nhận thấy rủi ro đối với dự án này, bà Phương có đơn đề nghị Tập đoàn Vietpearl hoàn trả lại toàn bộ số tiền mà bà đã thanh toán.

Liên quan đến sự việc này, Sở Xây Dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, đơn vị đã nhận được đơn kêu cứu khẩn cấp của bà Phương và chuyển cho thanh tra Sở xử lý.

Kết quả kiểm toán dự án BT ở Thủ Thiêm

Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã chỉ ra những bất cập trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư một số dự án BT thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm(TP.HCM).

Theo đó, chất lượng lập tổng mức đầu tư tại các dự án được kiểm toán chưa tốt, còn bất cập.

Tại Dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía bắc, tổng mức đầu tư được duyệt là 3.345,6 tỷ đồng, tuy nhiên giá trị hợp đồng BT được ký kết chỉ là 2.641,3 tỷ đồng. Trong đó, giá trị hợp đồng BT được cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư thương thảo loại trừ dự phòng trượt giá và lãi vay 704,2 tỷ đồng.

Giá trị dự toán tiếp tục được cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư xác định lại hợp đồng BT còn 1.776,5 tỷ đồng. Cụ thể, giá trị dự toán được cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư cập nhật và chuẩn hóa hồ sơ tại bước thiết kế bản vẽ thi công so với bước thiết kế cơ sở, giảm một số khoản chi phí và không tính chênh lệch dự phòng mức lương với giá trị 950,1 tỷ đồng (bằng 53% tổng mức đầu tư ban đầu).

Tại Dự án đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 tổng mức đầu tư được duyệt là 4.260,1 tỷ đồng, giá trị hợp đồng BT được ký kết là 3.082,4 tỷ đồng. Trong đó, cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư thương thảo loại trừ không tính lãi vay và dự phòng trượt giá trong tổng mức đầu tư.

Giá trị dự toán là 2.504,5 tỷ đồng (bằng 58,7% tổng mức đầu tư ban đầu), các bên có liên quan không sử dụng các khoản chi phí dự phòng trượt giá, dự phòng chênh lệch mức lương và chi phí lãi vay 1.427 tỷ đồng.

Đối với dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính, KTNN cho biết, tổng mức đầu tư được duyệt là 12.182,1 tỷ đồng, giá trị hợp đồng BT được ký kết là 8.265,1 tỷ đồng, cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư thương thảo loại trừ không tính lãi vay và dự phòng trượt giá trong tổng mức đầu tư.

Giá trị dự toán là 6.511,8 tỷ đồng. Các bên có liên quan không sử dụng các khoản chi phí dự phòng trượt giá, dự phòng chênh lệch mức lương và chi phí lãi vay 4.551,9 tỷ đồng (bằng 53,4% tổng mức đầu tư ban đầu);

Về xác định giá trị dự toán chưa chính xác, KTNN kiến nghị giảm của 3 dự án là 244,3 tỷ đồng. Trong đó Dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía bắc giảm 83,5 tỷ đồng; Dự án cầu Thủ Thiêm 2 giảm 37,5 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính giảm 123,3 tỷ đồng.

Đến thời điểm kiểm toán, cả 3 dự án chậm tiến độ từ 18 tháng đến gần 3 năm làm ảnh hưởng đến tính kinh tế, hiệu quả của các dự án.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/H)

vietinbank
ajinomoto