Tin ngân hàng ngày 28/5: Sẽ thanh tra toàn diện một số ngân hàng thương mại

11:15 | 28/05/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Đến ngày 20/5, tăng trưởng tín dụng đạt 7,66%, gấp đôi cùng kỳ 2021; TPBank hợp tác Dragon Capital ra mắt sản phẩm cho khách hàng cao cấp; Các ngân hàng xin nới 'room' tín dụng… là những tin tức tài chính và ngân hàng nổi bật.

Tin ngân hàng ngày 27/5: Ngân hàng phải đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất 2%/nămTin ngân hàng ngày 27/5: Ngân hàng phải đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất 2%/năm

Tin ngân hàng ngày 26/5: SeABank dự kiến tăng vốn điều lệ lên hơn 22.000 tỷ đồng trong năm 2022Tin ngân hàng ngày 26/5: SeABank dự kiến tăng vốn điều lệ lên hơn 22.000 tỷ đồng trong năm 2022

Sẽ thanh tra toàn diện một số ngân hàng thương mại

Theo ông Đào Minh Tú - Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ngành ngân hàng tiếp tục kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, không hạ chuẩn tín dụng. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải thanh tra một cách toàn diện, đầy đủ đối với một số ngân hàng thương mại.

Tin ngân hàng ngày 28/5: Sẽ thanh tra toàn diện một số ngân hàng thương mại
Sẽ thanh tra toàn diện một số ngân hàng thương mại/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Tại hội nghị triển khai nghị định 31 và thông tư hướng dẫn chính sách hỗ trợ 2% lãi suất được Ngân hàng Nhà nước tổ chức sáng 27-5, ông Đào Minh Tú chia sẻ vấn đề thị trường bất động sản, tín dụng bất động sản được cơ quan quản lý cũng như các chuyên gia, diễn đàn… bàn luận rất nóng, rất sôi động suốt mấy tháng qua.

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, trong chỉ đạo điều hành bằng văn bản cũng như trên hội nghị, Ngân hàng Nhà nước chưa bao giờ chỉ đạo siết chặt tín dụng bất động sản.

Tinh thần chỉ đạo của ngành ngân hàng nhiều năm qua là kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với những lĩnh vực có nguy cơ rủi ro cao của bất động sản, trái phiếu, chứng khoán.

Như đối với bất động sản thì chỉ kiểm soát chặt với bất động sản có tính chất đầu cơ, phân khúc nhà nghỉ dưỡng, dự án cao cấp. Còn tín dụng đối với nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội, nhà ở cho người nghèo thì luôn khuyến khích. Thực tế, tăng trưởng tín dụng đối với nhà ở phục vụ nhu cầu cho số đông người dân thì dư nợ tăng đều, phát triển khá nhanh.

Còn về tinh thần chung, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước trong nhiều năm nay, ông Tú nhắc lại là cần phải kiểm soát chặt chất lượng tín dụng. Do đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải thanh tra một cách toàn diện, đầy đủ đối với một số ngân hàng thương mại.

Đến ngày 20/5, tăng trưởng tín dụng đạt 7,66%, gấp đôi cùng kỳ 2021

Thông tin tại Hội nghị trực tuyến toàn Ngành triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% diễn ra vào ngày 27/5, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, tính đến 20/5/2022 tín dụng đạt trên 11 triệu tỷ đồng, tăng 7,66% so với cuối năm 2021 và gấp đôi cùng kỳ năm trước; cơ cấu tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các ngành, lĩnh vực thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro vẫn được kiểm soát chặt chẽ.

Nhờ đó, đã góp phần kích hoạt mạnh mẽ các hoạt động kinh tế, tạo đà phục hồi các chỉ số vĩ mô, từ đó giúp nền kinh tế dần khôi phục và tăng trưởng.

Theo ông Tú, ngay từ đầu năm 2022, NHNN đã có chỉ đạo, định hướng tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Kết quả, tăng trưởng tín dụng đồng đều ở nhiều lĩnh vực. Đặc biệt những mảng có khó khăn nhiều (du lịch, khách sạn,…) cũng ghi nhận tăng trưởng mạnh trên 8%, cao hơn mức tăng trưởng chung; tín dụng lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp phụ trợ tăng trưởng 7,6%.

Phó Thống đốc cho biết, thời gian qua, trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động tiêu cực tới nhiều ngành, lĩnh vực, ngành ngân hàng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp về tiền tệ, tín dụng, lãi suất, thanh toán, cũng như các chính sách về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ… trong hơn 02 năm qua bằng chính nguồn lực của mình nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế.

Theo kết quả khai thác tại hệ thống báo cáo tập trung của NHNN, đến cuối tháng 4/2022, lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu từ khi ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN là hơn 695 nghìn tỷ đồng cho trên 1,1 triệu khách hàng. Dư nợ cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ hiện còn hơn 198 nghìn tỷ đồng của gần 680 nghìn khách hàng; lũy kế giá trị nợ đã được miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ là gần 91 nghìn tỷ đồng cho gần 490 nghìn khách hàng. Dư nợ miễn giảm lãi giữ nguyên nhóm nợ hiện còn gần 18 nghìn tỷ đồng của hơn 166 nghìn khách hàng.

TPBank hợp tác Dragon Capital ra mắt sản phẩm cho khách hàng cao cấp

Sáng ngày 27/05/2022 tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) và Công ty Cổ Phần Quản Lý Quỹ Đầu Tư Dragon Capital Việt Nam (DCVFM) đã ký kết hợp tác ra mắt sản phẩm đầu tư mới dành cho Khách hàng cao cấp của TPBank. Các sản phẩm đầu tư bao gồm 04 chứng chỉ quỹ mở của DCVFM gồm: Quỹ Đầu tư Chứng khoán Năng động DC (DCDS), Quỹ đầu tư Doanh nghiệp Hàng đầu DC (DCBC), Quỹ đầu tư Trái phiếu DC (DCBF) và Quỹ đầu tư trái phiếu gia tăng thu nhập cố định DC (DCIP). Theo đó, ngay khi khách hàng có nhu cầu đầu tư vào chứng chỉ quỹ, TPBank sẽ kết nối khách hàng với bộ phận tư vấn chăm sóc khách hàng DCVFM để hỗ trợ hoàn tất quy trình mở tài khoản và tham gia đầu tư. Khách hàng được lựa chọn các chứng chỉ phù hợp để đầu tư, đồng thời được tư vấn đầy đủ dựa trên mục tiêu tài chính mong muốn.

Theo Báo cáo Thịnh vượng (Wealth Report) mới nhất của Knight Frank - Tập đoàn tư vấn bất động sản có trụ sở chính tại Anh, lượng người siêu giàu tại Việt Nam (có tài sản trên 30 triệu USD) sẽ tăng khoảng 26% vượt mốc 1.500 vào năm 2026. Cụ thể, Việt Nam được dự đoán có 1.551 người siêu giàu vào năm 2026, so với con số của năm 2021 là 1.234. Cùng với đó, lượng người giàu, tức có tài sản ròng từ một triệu USD trở lên sẽ tăng mạnh hơn 59%. Điều này mở ra cơ hội lớn trong việc cung cấp các sản phẩm phù hợp, đáp ứng đa dạng nhu cầu đầu tư của nhóm khách hàng thuộc những phân khúc trên.

Theo Bà Lương Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc quản lý tài sản trong nước DCVFM "Khách hàng tham gia đầu tư vào chứng chỉ quỹ thông qua tư vấn và kết nối của TPBank hoàn toàn yên tâm về tính an toàn – minh bạch của tài sản vì được quản lý bởi Dragon Capital Việt Nam - công ty quản lý Quỹ lâu đời trên thị trường. Việc đầu tư của Quỹ được kiểm toán hàng năm bởi một trong những công ty kiểm toán lớn nhất thế giới (PriceWaterHouse Cooper). Ngân hàng giám sát và quản trị Quỹ là Standard Chartered Việt Nam và đại lý chuyển nhượng là Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD)".

Các ngân hàng xin nới 'room' tín dụng

Để có dư địa triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%, các nhà băng đồng loạt đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.

Tin ngân hàng ngày 28/5: Sẽ thanh tra toàn diện một số ngân hàng thương mại
Các ngân hàng xin nới 'room' tín dụng/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Thông tin này được lãnh đạo các ngân hàng nhắc tới trong Hội nghị toàn ngành về triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2%, do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 27/5.

Theo ông Nguyễn Việt Cường, Phó tổng giám đốc Vietcombank, năm nay nhu cầu vốn của nền kinh tế rất cao, khi các lĩnh vực chịu ảnh hưởng bắt đầu giai đoạn phục hồi.

Với Vietcombank, trong 5 tháng đầu năm, nhà băng này tăng trưởng tín dụng hơn 9%, trong khi hạn mức năm nay tăng trưởng chỉ 15%. Nói cách khác, "room" (dư địa) để các nhà băng có thể cho vay không còn nhiều. Việc triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% trong thời gian tới dự kiến còn thúc đẩy nhu cầu tín dụng cao hơn. Theo đó, Phó tổng giám đốc Vietcombank đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét nới hạn mức tăng trưởng tín dụng.

Đề nghị này cũng được lãnh đạo BIDV, VietinBank và MB nhắc tới. Các nhà băng này cùng ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng cao dù chưa tới nửa năm. Ở nhóm thương mại cổ phần, nhiều ngân hàng cũng tăng trưởng 60-70% chỉ tiêu.

Nói về vấn đề này, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết Ngân hàng Nhà nước đã tính tới trường hợp nới "room" tăng trưởng tín dụng khi triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất, khi tín dụng trong 5 tháng đầu năm đã tăng mạnh. Tuy nhiên, việc thực hiện còn phải đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô.

Tính đến 20/5, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã đạt 7,66%. Nếu tính tới thời điểm sáng nay, con số này có thể lên 7,75%, mức tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)

vietinbank
ajinomoto