Tin bất động sản nổi bật trong tuần qua: TP HCM kêu gọi đầu tư 197 dự án với tổng vốn gần 43 tỷ USD

10:30 | 19/06/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Hà Nội khẩn trương hoàn thiện đề án sử dụng nhà, đất công vào mục đích kinh doanh; Doanh nghiệp Hoa Kỳ 'rót' 60 triệu USD vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng; Kiên Giang lập tổ công tác đặc biệt xử lý vi phạm về đất đai ở Phú Quốc; Quảng Nam điều chỉnh KCN Tam Anh - Hàn Quốc nếu chậm tiến độ… là những tin tức bất động sản đáng chú ý trong tuần qua.

Tin bất động sản ngày 18/6: Thái Bình phê duyệt Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng bến cảng Diêm ĐiềnTin bất động sản ngày 18/6: Thái Bình phê duyệt Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng bến cảng Diêm Điền

Tin bất động sản ngày 17/6: Doanh nghiệp bảo hiểm không được đầu tư kinh doanh bất động sảnTin bất động sản ngày 17/6: Doanh nghiệp bảo hiểm không được đầu tư kinh doanh bất động sản

TP HCM kêu gọi đầu tư 197 dự án với tổng vốn gần 43 tỷ USD

UBND TP HCM vừa chấp thuận danh mục dự án kêu gọi đầu tư của TP HCM năm 2022 do Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, đề xuất gồm 197 dự án với tổng vốn đầu tư 943.937 tỷ đồng, tương đương 42,897 tỷ USD.

Tin bất động sản nổi bật trong tuần qua: TP HCM kêu gọi đầu tư 197 dự án với tổng vốn gần 43 tỷ USD
TP HCM kêu gọi đầu tư 197 dự án với tổng vốn gần 43 tỷ USD/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Trong đó có nhiều dự án thuộc hạng mục dự án chỉnh trang đô thị và xây dựng nhà ở, tái định cư, gồm:

Khu đô thị Hiệp Phước tại huyện Nhà bè với diện tích 1.354ha. Mục tiêu dự án đáp ứng yêu cầu di dời hệ thống cảng trên sông Sài Gòn, góp phần sắp xếp lại, xây dựng mới và phát triển hệ thống cảng biển TP HCM phù hợp với sự phát triển chung của thành phố; Xây dựng khu đô thị gắn với cảng biển, phát triển không gian đô thị và cơ sở hạ tầng, kết nối với toàn thành phố và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo điều kiện mở rộng không gian đô thị TP HCM ra biển.

Khu phức hợp trung tâm thương mại, dân cư, công viên phía Bắc đường Tạ Quang Bửu, phường 4, quận 8 với diện tích 14,7ha. Tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng.

Dự án khu phức hợp 621 Phạm Văn Chí, phường 7, quận 6, với diện tích 22,78ha bao gồm căn hộ, thương mại - dịch vụ và các hoạt động dịch vụ khác. Tổng mức đầu tư 16.382 tỷ đồng.

Khu nhà ở cao tầng kết hợp thương mại dịch vụ (khu 701/2 Kinh Dương Vương, phường 12, quận 6) với tổng mức đầu tư 359 tỷ đồng.

Khu nhà ở thương mại dịch vụ gồm 7 lô đất thuộc Khu chức năng số 3 (lô 4-3, 4-4,4-5,4-12,4-13,4-14,4-17) tại Thành phố Thủ Đức với diện tích 61.218m2.

Dự án khu trung tâm thương mại và dân cư khu vực phía Tây thành phố tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh với diện tích 239,9ha.

Dự án xây dựng nhà ở Điện lực Bình Chánh tại huyện Bình Chánh với diện tích 18,79ha gồm nhà ở xã hội và nhà ở thương mại.

Dự án đầu tư xây dựng khu trung tâm dân cư Tân Tạo - khu B, phường tân tạo A, Bình Tân với diện tích 145,68ha.

Xây dựng khu dân cư đô thị mới, dịch vụ thương mại, kết hợp du lịch giải trí - khu dân cư đô thị xã Tân Hiệp huyện Hóc Môn với diện tích 290,18ha.

UBND TP HCM giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện công bố danh mục dự án kêu gọi đầu tư của TP HCM năm 2022 và báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo quy định.

Hà Nội khẩn trương hoàn thiện đề án sử dụng nhà, đất công vào mục đích kinh doanh

Ngày 17/6, Đoàn giám sát số 2 của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội do Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Phạm Quí Tiên làm Trưởng đoàn, đã có buổi giám sát tại Sở Tài chính về thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước của thành phố.

Tại đây, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố đề nghị trong sắp xếp, xử lý tài sản công là nhà, đất tại các cơ quan, đơn vị, Sở Tài chính cần khẩn trương thống kê tổng số cơ sở nhà, đất là tài sản công cần được sắp xếp lại, xử lý trong kỳ giám sát, số cơ sở đã hoàn thành theo quy định, số cơ sở chưa hoàn thành, nêu rõ nguyên nhân và tiến độ thực hiện. Sở đôn đốc các đơn vị rà soát, hoàn thiện đề án sử dụng tài sản công là nhà, đất vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết và có biện pháp, lộ trình giải quyết, thẩm định các hồ sơ trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt cụ thể.

Sở Tài chính tổng hợp những khó khăn vướng mắc của các đơn vị, kiến nghị giải pháp liên quan công tác sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, kinh doanh, liên doanh liên kết.

Đối với quỹ nhà chuyên dùng, nhà tái định cư, Sở cần khẩn trương có các biện pháp tăng cường thực hiện rà soát, thẩm định giá thuê nhà chuyên dùng và định mức chi phí công tác quản lý nhà theo cơ chế đặt hàng cung ứng dịch vụ trong công tác quản lý nhà chuyên dùng; giá khởi điểm đấu giá các diện tích kinh doanh dịch vụ tại các chung cư tái định cư và các nội dung liên quan; trình Ủy ban nhân dân thành phố theo quy định.

Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố đề nghị, Sở Tài chính Hà Nội chủ trì nghiên cứu, tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện phân cấp về quản lý, tài sản công đối với tài sản là quỹ nhà, quỹ đất thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn thành phố nhằm tăng cường trách nhiệm đến các cơ quan, đơn vị, các tổ chức và doanh nghiệp trong công tác quản lý tài sản công; tăng cường công tác phối hợp, chủ động hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác quản lý Nhà nước theo chức năng nhiệm vụ cho các ngành, đơn vị, tổ chức cá nhân.

Doanh nghiệp Hoa Kỳ 'rót' 60 triệu USD vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng

Mới đây, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng cho biết, đơn vị vừa có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án nhà máy sản xuất bảng mạch in & vi cơ điện tử (MEMS) của nhà đầu tư VECTOR FABRICATION, INC. (Hoa Kỳ) tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng.

Tin bất động sản nổi bật trong tuần qua: TP HCM kêu gọi đầu tư 197 dự án với tổng vốn gần 43 tỷ USD
Doanh nghiệp Hoa Kỳ 'rót' 60 triệu USD vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo đó, dự án có tổng vốn đầu tư hơn 1.366 tỷ đồng (tương đương 60 triệu USD), diện tích đất sử dụng 40.000 m2; với mục tiêu sản xuất bảng mạch in điện tử (PCB) và nghiên cứu, phát triển và sản xuất sản phẩm vi cơ điện tử (MEMS).

Theo Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, dự án sẽ khởi công xây dựng ngay trong năm 2022 và đi vào hoạt động của giai đoạn 1 vào đầu năm 2025.

Dự án nhà máy sản xuất bảng mạch in & vi cơ điện tử (MEMS) với các sản phẩm chính là các loại bảng mạch in được sản xuất trên dây chuyền công nghệ cao, hiện đại, tỷ lệ chuyên môn hóa, tự động hóa cao.

Đồng thời góp phần tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo để thực hiện thành công mục tiêu phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao của TP. Đà Nẵng.

Với dự án nhà máy sản xuất bảng mạch in & vi cơ điện tử (MEMS) được chấp thuận chủ trương đầu tư nâng số dự án đã thu hút vào Khu công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin tập trung và các khu công nghiệp Đà Nẵng từ đầu năm đến nay là 11 dự án. Trong đó có 3 dự án FDI với vốn đăng ký đầu tư là 65,04 triệu USD; 8 dự án trong nước với vốn đăng ký đầu tư là 1.228,74 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, đã có 38 lượt điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trong đó 18 lượt điều chỉnh tăng vốn với vốn đầu tư tăng thêm là 17,56 triệu USD và 193,95 tỷ đồng; chấm dứt hoạt động 4 dự án với vốn đầu tư là 8,5 triệu USD và 42 tỷ đồng.

Lũy kế đến nay, Khu công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin tập trung và các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã thu hút 508 dự án, trong đó 378 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư trên 28.000 tỷ đồng và 130 dự án FDI với vốn đầu tư trên 1.860 triệu USD.

Kiên Giang lập tổ công tác đặc biệt xử lý vi phạm về đất đai ở Phú Quốc

UBND tỉnh Kiên Giang vừa ban hành Quyết định số 1397/QĐ-UBND về việc thành lập Tổ công tác đặc biệt kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về lĩnh vực đất đai, lâm nghiệp và xây dựng trên địa bàn TP. Phú Quốc.

Tổ công tác này do ông Lê Quốc Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang làm tổ trưởng. Các tổ phó gồm Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh và Chủ tịch UBND TP. Phú Quốc. Ngoài ra, tổ công tác còn có 15 thành viên là lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan.

Theo đó, từ ngày 15/6 đến ngày 31/12, tổ công tác sẽ tiến hành kiểm tra thực địa các khu vực đã bị các tổ chức, cá nhân có hình thức tác động, vi phạm pháp luật về lấn, chiếm đất; lấn, chiếm rừng; phá rừng trái pháp luật; sử dụng đất không đúng mục đích; xây dựng công trình không đúng quy định trên đất rừng...

Đồng thời, tập trung lực lượng liên ngành điều tra xác minh, xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Trong đó, việc điều tra sẽ được triển khai trước tại các khu vực trọng điểm gồm: các khu vực rừng đặc dụng, rừng phòng hộ thuộc Vườn Quốc gia Phú Quốc quản lý; đất quy hoạch rừng đặc dụng...

Tổ công tác cũng sẽ kiểm tra các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh; sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong quản lý nhà nước về đất đai, lâm nghiệp và xây dựng; việc xử lý các hành vi vi phạm về lấn chiếm đất, rừng, phá rừng trái pháp luật...

Theo Quyết định, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho phép tổ công tác được quyền tổ chức lực lượng liên ngành, áp dụng các biện pháp ngăn chặn, truy quét, xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về lấn chiếm đất, rừng; phá rừng trái pháp luật.

Quyết định nêu rõ: “Kiên quyết thu hồi diện tích đất bị lấn, chiếm giao các đơn vị tổ chức quản lý chặt chẽ, thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả và trồng lại rừng theo quy định của pháp luật” .

Đồng thời cũng cho phép tổ công tác chỉ đạo tổ chức di dời hoặc tiêu hủy các cây trồng, công trình xây dựng không đúng quy định trên đất rừng, đất nông nghiệp... theo quy định pháp luật.

Quảng Nam điều chỉnh KCN Tam Anh - Hàn Quốc nếu chậm tiến độ

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu vừa có văn bản về việc thực hiện dự án đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) Tam Anh - Hàn Quốc do Công ty TNHH C&N Vina Tam Anh - Hàn Quốc làm chủ đầu tư.

Tin bất động sản nổi bật trong tuần qua: TP HCM kêu gọi đầu tư 197 dự án với tổng vốn gần 43 tỷ USD
Quảng Nam điều chỉnh KCN Tam Anh - Hàn Quốc nếu chậm tiến độ/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam giao Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh làm việc, yêu cầu đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hoàn thành 100% hạ tầng trên phạm vi diện tích đất đã giao (giai đoạn 1) Khu công nghiệp Tam Anh - Hàn Quốc, theo đúng tiến độ trong quý IV/2022 và quy hoạch được duyệt, đảm bảo đáp ứng các điều kiện thu hút đầu tư các dự án thứ cấp vào KCN.

Bên cạnh đó, Lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu đẩy mạnh công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào KCN đảm bảo tỷ lệ lấp đầy ít nhất 90% diện tích đất công nghiệp giai đoạn 1 (50 ha đất công nghiệp giai đoạn 1).

Ban Quản lý chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, giám sát việc triển khai thực hiện của Công ty TNHH C&N Vina Tam Anh - Hàn Quốc. Trong trường hợp Công ty không thực hiện đúng tiến độ cam kết (giai đoạn 1) thì yêu cầu điều chỉnh phạm vi dự án, giảm phần diện tích chưa được giao đất.

Đối với phần diện tích 16ha trong phạm vi giai đoạn 2 KCN Tam Anh - Hàn Quốc, Ban Quản lý chủ động làm việc với UBND huyện Núi Thành và Công ty TNHH C&N Vina Tam Anh - Hàn Quốc đề xuất phần diện tích đất giao để đảm bảo mặt bằng bàn giao cho các nhà đầu tư thứ cấp đang thực hiện dự án và đấu nối nhánh đường số 2 đến đường Việt Hàn trước tháng 12/2022.

Trước đó, hồi tháng 3 năm nay, Ban Quản lý dự án đã có công văn đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam cho chủ trương triển khai lập thủ tục đầu tư dự án Xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Tam Anh 3 tại xã Tam Anh Bắc, huyện Núi Thành.

KCN Tam Anh - Hàn Quốc do Công ty TNHH C&N Vina Tam Anh - Hàn Quốc làm chủ đầu tư với quy mô 200 ha tại xã Tam Anh Bắc. Dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào ngày 5/4/2013, điều chỉnh lần hai năm 2017. Chủ đầu tư cam kết đến quý I/2018 hoàn chỉnh đưa giai đoạn 1 đi vào hoạt động với tổng diện tích là 90 ha.

Công ty TNHH C&N Vina Tam Anh - Hàn Quốc thành lập tháng 4/2013, trụ sở tại xã Tam Anh Bắc, huyện Núi Thành, Quảng Nam do ông Lee Chung Keun làm người đại diện pháp luật kiêm Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc. Doanh nghiệp có vốn điều lệ 525 tỷ đồng.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)

vietinbank
ajinomoto