Tin bất động sản ngày 9/9: Để xây thêm 1,8 triệu căn nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đề xuất gì?

11:00 | 09/09/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Greenhill Village Quy Nhơn được tăng vốn đầu tư lên gấp hơn 10 lần; Chấp thuận chủ trương thêm khu công nghiệp Gilimex Vĩnh Long; Thái Bình đề xuất giao 17 cụm công nghiệp cho nhà đầu tư hạ tầng… là những tin tức bất động sản đáng chú ý.
Tin bất động sản ngày 8/9: Hà Nội sẽ đối thoại với người dân về thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai vào tháng 10Tin bất động sản ngày 8/9: Hà Nội sẽ đối thoại với người dân về thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai vào tháng 10
Tin bất động sản ngày 7/9: 3 doanh nghiệp nào muốn đầu tư khu đô thị gần 3.000 tỉ đồng ở Quy Nhơn?Tin bất động sản ngày 7/9: 3 doanh nghiệp nào muốn đầu tư khu đô thị gần 3.000 tỉ đồng ở Quy Nhơn?

Để xây thêm 1,8 triệu căn nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đề xuất gì?

Bộ Xây dựng vừa trình Thủ tướng phê duyệt đề án xây dựng hơn 1,8 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trong giai đoạn 2021-2030.

Tin bất động sản ngày 9/9: Để xây thêm 1,8 triệu căn nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đề xuất gì?
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Theo Bộ Xây dựng, để xây thêm khoảng 1,8 triệu căn nhà ở xã hội trong những năm tới, Bộ Xây dựng đề xuất với Thủ tướng nghiên cứu sửa đổi Luật nhà ở, Luật đất đai, Luật đấu thầu, Luật thuế…, trong đó tập trung sửa đổi các cơ chế chính sách cho nhóm người thu nhập thấp, quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện thụ hưởng chính sách.

Cần lập quy hoạch, dành quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, tạo thuận lợi trong chọn chủ đầu tư dự án, hoàn thiện các cơ chế ưu đãi của Nhà nước.

Đồng thời, tách riêng chính sách nhà lưu trú công nhân, nhà ở cho lực lượng vũ trang khi sửa Luật nhà ở để có cơ chế khuyến khích phát triển.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đề xuất Thủ tướng chỉ đạo các địa phương phải công khai, giới thiệu quỹ đất xây nhà ở xã hội để các doanh nghiệp tiếp cận, nghiên cứu, đề xuất đầu tư. Quy hoạch, bố trí các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân độc lập, quy mô lớn tại các vị trí phù hợp, thuận tiện ở các đô thị Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ.

Nghiên cứu, đơn giản hóa thủ tục lập, phê duyệt, cấp phép dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân để khuyến khích doanh nghiệp tham gia.

Về nguồn vốn thực hiện đề án, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung đề án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và 2025-2030.

Giao Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội trình Thủ tướng quyết định phương án bảo lãnh phát hành trái phiếu của Ngân hàng Chính sách xã hội để huy động vốn cho cá nhân, hộ gia đình vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đẩy mạnh việc xây dựng các thiết chế công đoàn gồm nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, y tế, giáo dục, các công trình văn hóa thể thao tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành xây dựng khoảng 50 thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước.

Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Greenhill Village Quy Nhơn được tăng vốn đầu tư lên gấp hơn 10 lần

Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Greenhill Village Quy Nhơn của Công ty CP Greenhill Village vừa được UBND tỉnh Bình Định thống nhất điều chỉnh vốn đầu tư từ 230 tỷ đồng lên hơn 2.595 tỷ đồng, gấp hơn 10 lần so với vốn đăng ký ban đầu.

UBND tỉnh Bình Định vừa ban hành Quyết định số 2858/QĐ-UBND về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Greenhill Village Quy Nhơn tại tuyến Quy Nhơn – Sông Cầu, phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn.

Theo đó, UBND tỉnh Bình Định thống nhất điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Greenhill Village Quy Nhơn tại tuyến Quy Nhơn - Sông Cầu, phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn do Công ty CP Greenhill Village làm chủ đầu tư.

Cụ thể, điều chỉnh tổng vốn đầu tư dự án từ 230 tỷ đồng lên hơn 2.595 tỷ đồng, gấp hơn 10 lần so với vốn đăng ký ban đầu.

Đồng thời, tiến độ dự án từ quý 3/2018 - quý 2/2022 được điều chỉnh thành từ quý 3/2018 - quý 2/2024.

Theo đó, từ quý 3/2018 - quý 3/2020, chuẩn bị các thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng. Đồng thời từ quý 3/2020 - quý 2/2024, khởi công xây dựng công trình dự án và hoàn thành đi vào hoạt động.

Quyết định này điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 3031/QĐUBND ngày 07/9/2018 và Quyết định số 1250/QĐ-UBND ngày 07/04/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh.

UBND tỉnh Bình Định yêu cầu Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các ngành liên quan, Chủ tịch UBND thành phố Quy Nhơn và Công ty cổ phần Greenhill Village chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Chấp thuận chủ trương thêm khu công nghiệp Gilimex Vĩnh Long

Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Gilimex - Vĩnh Long.

Dự án khu công nghiệp Gilimex - Vĩnh Long do Công ty cổ phần khu công nghiệp Gilimex Vĩnh Long là nhà đầu tư. Khu công nghiệp Gilimex - Vĩnh Long được triển khai xây dựng tại thị trấn Tân Quới và xã Thành Lợi, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long.

Về quy mô dự án, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Vĩnh Long chỉ đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Long và các cơ quan liên quan hướng dẫn Nhà đầu tư phân kỳ đầu tư dự án theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 của Chính phủ.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về nội dung báo cáo kết quả thẩm định chủ trương đầu tư Dự án và thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước trong việc theo dõi, chỉ đạo các khu công nghiệp hoạt động đúng quy định pháp luật.

UBND tỉnh Vĩnh Long chịu trách nhiệm thực hiện dự án phù hợp với các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; kiểm tra, xác định việc Nhà đầu tư đáp ứng điều kiện được Nhà nước cho thuê đất tại thời điểm cho thuê đất; đảm bảo điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong quá trình cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án.

Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan có liên quan hướng dẫn Nhà đầu tư lập hồ sơ và thực hiện các thủ tục liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa theo quy định của pháp luật về đất đai, đồng thời có kế hoạch bổ sung diện tích đất hoặc tăng hiệu quả đất trồng lúa khác để bù lại phần đất trồng lúa bị chuyển đổi theo quy định tại Điều 134 Luật Đất đai.

Giám sát, đánh giá việc thực hiện dự án, trong đó có việc góp vốn và huy động vốn theo cam kết của nhà đầu tư, đảm bảo đáp ứng theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan; hướng dẫn Nhà đầu tư tuân thủ các điều kiện kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật kinh doanh bất động sản…

Thái Bình: Đề xuất giao 17 cụm công nghiệp cho nhà đầu tư hạ tầng

Theo báo cáo của Sở Công Thương Thái Bình, thực trạng phần lớn các Cụm công nghiệp (CCN) ở tỉnh không được đầu tư hạ tầng bài bản, chưa đáp ứng yêu cầu về quy hoạch và xử lý ô nhiễm môi trường; công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn, nhiều dự án chậm triển khai thực hiện... Sở Công Thương đề xuất một số phương án xử lý, cụ thể như sau:

Tin bất động sản ngày 9/9: Để xây thêm 1,8 triệu căn nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đề xuất gì?
Thái Bình đề xuất giao 17 cụm công nghiệp cho nhà đầu tư hạ tầng/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Tỉnh Thái Bình hiện có 28 CCN do UBND cấp huyện quản lý một phần hoặc toàn bộ. Phương án xử lý chia làm 3 nhóm gồm: Nhóm thứ nhất bỏ ra khỏi quy hoạch một số CCN; Nhóm thứ hai giao cho nhà đầu tư hạ tầng; Và nhóm thứ ba giao cho UBND huyện quản lý, đầu tư toàn bộ.

Theo đó, 6 CCN giữ nguyên hiện trạng, khi hết thời hạn thuê đất của doanh nghiệp sẽ bỏ ra khỏi CCN hoặc sẽ di dời đến CCN khác vì thay đổi quy hoạch thì giao UBND cấp huyện tiếp tục quản lý, khai thác, vận hành; 17 CCN có thể bàn giao cho nhà đầu tư hạ tầng tiếp nhận để đầu tư xây dựng hạ tầng; các CCN còn lại giao cho UBND cấp huyện đầu tư hạ tầng, quản lý và khai thác toàn bộ hạ tầng.

Lãnh đạo UBND tỉnh khẳng định các CCN trên rất quan trọng đối với phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của các địa phương, quản lý chặt chẽ công tác bảo vệ môi trường. Việc đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại và quản lý tốt nhằm phục vụ thu hút đầu tư và phát triển kinh tế của tỉnh.

Và thống nhất phương án xử lý do Sở Công Thương đề xuất, giao Sở này xây dựng lộ trình thực hiện xử lý đối với từng nhóm CCN. Về cơ chế chính sách theo hướng tỉnh cùng với huyện sử dụng vốn ngân sách và huy động các doanh nghiệp đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung đối với 5 CCN được giao cho UBND cấp huyện quản lý toàn bộ. Các sở, ngành cần chủ động báo cáo, xin ý kiến của các bộ, ngành liên quan làm rõ tính pháp lý và giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc bàn giao CCN cho nhà đầu tư hạ tầng quản lý, đầu tư, khai thác; nghiên cứu cơ chế, chính sách quản lý doanh nghiệp đang hoạt động tại các CCN không còn trong quy hoạch chặt chẽ theo quy định của pháp luật và bảo đảm quyền lợi cho doanh nghiệp.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)