Tin bất động sản ngày 27/8: Thu hồi và hủy bỏ biên bản giao đất Dự án Hamubay Phan Thiết

11:00 | 27/08/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Thanh Hóa sắp có thêm khu dân cư gần 11ha tại Hậu Lộc; Năm 2022, Bình Thuận chi hơn 7.400 tỷ đồng xây khoảng 11.800 căn nhà; Bác đề xuất không thu hồi dự án công viên chắn mặt biển Nha Trang… là những tin tức bất động sản đáng chú ý.
Tin bất động sản ngày 26/8: Viva Land chính thức là chủ đầu tư Siêu dự án Saigon One TowerTin bất động sản ngày 26/8: Viva Land chính thức là chủ đầu tư Siêu dự án Saigon One Tower
Tin bất động sản ngày 25/8: Bất động sản CRV muốn đầu tư dự án gần nghìn tỷ lại Hưng YênTin bất động sản ngày 25/8: Bất động sản CRV muốn đầu tư dự án gần nghìn tỷ lại Hưng Yên

Thu hồi và hủy bỏ biên bản giao đất Dự án Hamubay Phan Thiết

Dự án lấn biển, bố trí sắp xếp lại khu dân cư và chỉnh trang đô thị (Hamubay Phan Thiết) của Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Trường Phúc Hải bị thu hồi và hủy bỏ Biên bản bàn giao đất tại thực địa do việc giao và cho thuê của UBND tỉnh Bình Thuận là chưa đúng trình tự, thủ tục quy định.

Tin bất động sản ngày 27/8: Thu hồi và hủy bỏ biên bản giao đất Dự án Hamubay Phan Thiết
Thu hồi và hủy bỏ biên bản giao đất Dự án Hamubay Phan Thiết/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Việc thu hồi và hủy bỏ Biên bản bàn giao đất này có thể xuất phát từ kết luận trước đó của Thanh tra Chính phủ về dự án này vì chỉ ra nhiều sai phạm. Theo Thanh tra Chính phủ, đối với dự án này thay vì giao mặt nước biển để nhà đầu tư xây dựng kè và thực hiện lấn biển theo quy định, thì UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành quyết định giao và cho thuê đối với 26,9 ha đất mặt nước ven biển cho Công ty Trường Phúc Hải. Cho nên việc giao và cho thuê của UBND tỉnh Bình Thuận là chưa đúng trình tự, thủ tục quy định.

Còn tại thông báo số:17/TB-CCQLĐĐ do Chi cục Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận ban hành thì lý do thu hồi và hủy bỏ Biên bản giao đất trên thực địa của Chi cục Quản lý đất đai chỉ nêu ngắn gọn là do việc bàn giao đất trên thực địa chưa phù hợp với quy định tại Khoản 3, Điều 68 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ.

Cụ thể: Dự án Hamubay Phan Thiết của Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Trường Phúc Hải có tổng điện tích 129,9ha (tại phường Đức Long, xã Tiến Lợi và xã Tiến Thành, TP Phan Thiết), được UBND tỉnh Bình Thuận giao, cho thuê đợt 1 đối với phần diện tích lấn biển tại Quyết định số 590/QĐ-UBND ngày 27/2/2018 với diện tích 269.915,2m2.

Ngày 9/3/2018, Chi cục Quản lý đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận đã chủ trì, phối hợp cùng với các đơn vị liên quan tiến hành bàn giao đất tại thực địa theo Quyết định số 590/QĐ-UBND 27/2/2018 của UBND tỉnh Bình Thuận.

Đến ngày 18/3/2018, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Quyết định số 734/QĐ-UBND về việc điều chỉnh một số nội dung tại Quyết định số 590/QĐ-UBND 27/2/2018 của UBND tỉnh Bình Thuận (đính chính tại Công văn số 850/UBND-ĐTQH ngày 22/3/2018), đến nay biên bản giao đất tại thực địa dự án Hamubay Phan Thiết ngày 9/3/2018 cho công ty Trường Phúc Hải không còn phù hợp.

Thanh Hóa sắp có thêm khu dân cư gần 11ha tại Hậu Lộc

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu dân cư mới tại xã Hoà Lộc, huyện Hậu Lộc.

Theo đó, Dự án có diện tích 10,89ha, được đầu tư xây dựng phần thô và hoàn thiện mặt trước 122 công trình nhà ở, trong đó 115 nhà ở liền kề; 7 nhà biệt thự. Ngoài ra, cơ cấu sản phẩm nhà ở còn gồm 113 lô đất ở liền kề, 29 lô đất ở biệt thự được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền.

Sau khi nhà đầu tư hoàn thành toàn bộ phần xây thô và hoàn thiện mặt trước đối với 122 lô đất ở nằm tại mặt tiền các tuyến đường và hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án, nhà đầu tư mới được quyền kinh doanh, khai thác theo các quy định của pháp luật về nhà ở, kinh doanh Bất động sản.

Quy mô dân số tại dự án khoảng 2.000 người.

Dự án không có quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội.

Sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án khoảng 326,8 tỉ đồng, chưa bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm (được tính từ ngày nhà đầu tư được quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, quyết định chuyển mục đích sử dụng đất); người mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất được sử dụng đất ổn định lâu dài theo quy định của pháp luật.

Tiến độ thực hiện dự án không quá 3 năm (kể từ ngày phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư. Dự kiến từ quý 4/2022 đến quý 4/2025.

Dự án sẽ lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu.

Năm 2022, Bình Thuận chi hơn 7.400 tỷ đồng xây khoảng 11.800 căn nhà

Theo Kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2021-2025, vừa được chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong ký phê duyệt, tỉnh này dự kiến dùng 37.468 tỷ đồng để phát triển nhà ở trong 5 năm. Cơ cấu vốn nhà ở thương mại khoảng 9.200 tỷ đồng; nhà ở xã hội khoảng 4.493 tỷ đồng; nhà ở tái định cư khoảng 2.327 tỷ đồng…

Theo đó, trong năm 2022, tỉnh Bình Thuận sẽ dùng 7417,25 tỷ đồng để xây dựng 11.810 căn nhà, bao gồm 1626,10 tỷ đồng xây 1.414 căn nhà ở thương mại. Còn nhà ở xã hội sẽ được bố trí 992,57 tỷ đồng vốn xây 2.075 căn. Xây 376 căn nhà ở tái định cư với 316,86 tỷ đồng. Còn lại là nhà dân tự xây dựng

Theo tính toán từ chính quyền địa phương, Bình Thuận cần xây hơn 1,2 triệu m2 sàn để đáp ứng chỉ tiêu có hơn 30,1 triệu m2 sàn nhà ở, diện tích bình quân 24m2 sàn/ người trong năm nay, diện tích tối thiểu là 8,8 m2 sàn/người.

Với nhu cầu nhà ở như vậy, chính quyền địa phương dự kiến bố trí 208,50 ha đất để phát triển kế hoạch. Trong đó, đất ở phát triển nhà ở dân tự xây dựng là 158,93 ha; đất ở phát triển nhà ở tái định cư là 11,23 ha; đất ở phát triển nhà ở xã hội: 18,25 ha; còn 20,09 ha là đất ở phát triển nhà ở thương mại.

Căn cứ tình hình thực tế, đến năm 2025, tỉnh Bình Thuận đặt mục tiêu diện tích nhà ở tối thiểu lên 10 m2 sàn/người; diện tích nhà ở bình quân đạt 27 m2 sàn/người; tổng diện tích sàn nhà ở là khoảng 34.566.560 m2.

Như vậy, địa phương này cần xây dựng thêm hơn 6,6 triệu m2 sàn từ đây cho đến 2025. Trong đó, diện tích sàn nhà ở đầu tư xây dựng cho loại hình như sau: nhà ở thương mại 800.000 m2 sàn; nhà ở tái định cư 495.000 m2 sàn; nhà ở công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức 5.000 m2 sàn; nhà ở xã hội 595.000 m2 sàn; nhà ở dân tự xây 4.767.792 m2 sàn.

Chính quyền địa phương cũng tính toán, ngân sách nhà nước dành cho kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 5 năm sẽ khoảng 1.370 tỷ đồng. Số tiền còn lại, tỉnh sẽ huy động từ nguồn vốn xã hội hóa của các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng…; nhà ở riêng lẻ tự xây của các hộ gia đình bằng nguồn vốn của các hộ gia đình; vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chủ yếu từ nguồn vốn xã hội hóa của các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng ưu đãi, Ngân hàng chính sách xã hội…

Bác đề xuất không thu hồi dự án công viên chắn mặt biển Nha Trang

Ngày 25/8, một lãnh đạo Sở Tài Chính Khánh Hòa cho biết: Ngày hôm qua, đơn vị này đã làm việc với Ngân hàng TMCP An Bình - Chi nhánh Khánh Hòa (ABbank Khánh Hòa) nhằm làm rõ hoạt động của ngân hàng chấp nhận thế chấp tài sản là Công viên Phù Đổng từ Công ty TNHH Invest Park Nha Trang trong dự án Công viên Phù Đổng. Nội dung xoay quanh kiến nghị của ngân hàng này đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa xem xét lại quyết định thu hồi hơn 21.720 m2 đất bờ biển tại dự án công viên Phù Đổng (do Công ty TNHH Invest Park Nha Trang làm chủ đầu tư) để giao lại cho địa phương, phục vụ cộng đồng.

Tin bất động sản ngày 27/8: Thu hồi và hủy bỏ biên bản giao đất Dự án Hamubay Phan Thiết
Bác đề xuất không thu hồi dự án công viên chắn mặt biển Nha Trang/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Trước đó, Công ty TNHH Invest Park Nha Trang đã thế chấp cho ngân hàng các công trình trên đất gồm các hạng mục thuộc dự án là công viên, cây xanh… làm “tài sản đảm bảo”. Phía ngân hàng ABbank Khánh Hòa đã chấp nhận cho công ty này thế chấp vay hơn 40 tỷ đồng. Vì thế, quyết định thu hồi đất của tỉnh Khánh Hoà sẽ khiến ngân hàng gặp khó khăn, ảnh hưởng tới khả năng trả nợ của doanh nghiệp, ảnh hưởng giá trị tài sản và khoản tiền cho doanh nghiệp vay khi phải chuyển giao phần diện tích đất này.

Theo Sở Tài chính Khánh Hoà , quyết định thu hồi dự án, không bồi thường tài sản trên đất là đúng quy định. Quyết định trên căn cứ vào thỏa thuận từ ban đầu, thông báo chấp thuận chủ trương đầu tư mà tỉnh Khánh Hòa cấp cho doanh nghiệp, trong đó có cả nội dung sau khi xây dựng xong, nhà đầu tư phải bàn giao phần diện tích trên 21.720 m2 đất công cộng cho địa phương quản lý, không đền bù. Ngoài ra, phía doanh nghiệp chỉ được phép kinh doanh trên phần diện tích đất kinh doanh là khoảng 3.000 m2.

Vì thế, sau khi nghiên cứu, rà soát và làm việc với các bên liên quan, trong đó có cả ngân hàng ngân hàng ABbank Khánh Hòa, Sở Tài chính Khánh Hòa đã bác kiến nghị cũng như không giải quyết các kiến nghị của ngân hàng vì nội dung kiến nghị “không có cơ sở”. Lãnh đạo Sở Tài chính Khánh Hòa cho biết, sau khi được ngân hàng ABbank Khánh Hòa cho vay hơn 40 tỷ đồng, Công ty TNHH Invest Park Nha Trang sử dụng số tiền này vào đầu tư các hạng mục kinh doanh là chính, chỉ đầu tư một phần nhỏ trong diện tích đất công cộng của dự án công viên Phù Đổng.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)