Tin bất động sản ngày 22/9: Yêu cầu rà soát các bất cập của hệ thống thông tin đất đai

11:00 | 22/09/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Hòa Bình thu hồi đất tại 7 dự án nhà ở; Bình Dương kiến nghị cơ chế ràng buộc về xây dựng nhà ở xã hội; Mekong Smart City đề xuất quy hoạch cồn Đông Giang quy mô 600ha… là những tin tức bất động sản đáng chú ý.
Tin bất động sản ngày 21/9: TP HCM thu hồi 6.200m2 “đất vàng” của Việt Hân Sài GònTin bất động sản ngày 21/9: TP HCM thu hồi 6.200m2 “đất vàng” của Việt Hân Sài Gòn
Tin bất động sản ngày 20/9: Lâm Đồng sắp có “Thành phố Hạnh phúc” quy mô khoảng 13.000 ha?Tin bất động sản ngày 20/9: Lâm Đồng sắp có “Thành phố Hạnh phúc” quy mô khoảng 13.000 ha?

Yêu cầu rà soát các bất cập của hệ thống thông tin đất đai

Vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát các quy định pháp luật có liên quan đến hệ thống thông tin đất đai đã được ban hành kể từ khi Luật đất đai năm 2013 có hiệu lực đến nay.

Tin bất động sản ngày 22/9: Yêu cầu rà soát các bất cập của hệ thống thông tin đất đai
Yêu cầu rà soát các bất cập của hệ thống thông tin đất đai/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, tổng hợp các vướng mắc, bất cập trong thực tế liên quan đến hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn quản lý nhà nước (chia sẻ, kết nối dữ liệu, đầu tư, bảo mật…).

Trên cơ sở đó, căn cứ quy định của pháp luật hiện hành chủ động giải quyết theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải pháp phù hợp nhằm giải quyết các bất cập này trước khi Luật đất đai (sửa đổi) được ban hành, có hiệu lực thi hành.

Trước đó, Nghị Quyết số 19 ngày 31/10/2012 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại đã xác định mục tiêu: "Ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu, hạ tầng thông tin về đất đai và tài sản gắn liền với đất theo hướng hiện đại, công khai, minh bạch, phục vụ đa mục tiêu; từng bước chuyển sang giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai".

Để hoàn thành mục tiêu xây dựng hệ thống thông tin đất đai, trong những năm qua, ngành Quản lý đất đai đã và đang nỗ lực thực hiện xây dựng hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai, đồng thời, triển khai kết nối liên thông cơ sở dữ liệu đất đai với cơ quan thuế và các điều kiện cần thiết để vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia liên quan đến giao dịch đất đai.

Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã và đang triển khai mạnh mẽ việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai

Hòa Bình thu hồi đất tại 7 dự án nhà ở

HĐND tỉnh Hòa Bình vừa ban hành văn bản số 173/NQ-HĐND Nghị quyết về việc thông qua danh mục bổ sung các dự án cần thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng năm 2022 trên địa bàn tỉnh (lần 4).

Theo đó, trong danh mục bổ sung các dự án cần thu hồi đất thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất có một dự án với diện tích 20ha đất trồng lúa.

Danh mục bổ sung các dự án cần thu hồi đất thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân tỉnh chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất có 28 dự án, với tổng diện tích thu hồi đất 139,39ha, bao gồm: đất trồng lúa 30,42ha; đất khác 108,97ha.

Trong số các dự án này, có 7 dự án nhà ở gồm: Dự án Khu nhà ở Thăng Long Xanh tại xã Quang Tiến, xã Mông Hoá của Công ty TNHH Legacy Hòa Bình (diện tích 55,14ha); Khu đô thị Phúc Tiến Xanh tại xã Quang Tiến (diện tích 49,22ha); Dự án Khu nhà ở tại thôn Cầu Sơn và Đồng Bưng, xã Nhuận Trạch (0,5ha); Dự án đấu giá khu nhà ở Cầu Sơn (Đầm Rái) xã Nhuận Trạch (1ha); Dự án Khu nhà ở bên bờ sông Bùi, huyện Lương Sơn (giai đoạn 2) xã Tân Vinh (0,1ha); Dự án Khu nhà tái định cư nhà máy xi măng Trung Sơn xã Liên Sơn (2,9ha); Dự án xây dựng hạ tầng khu tái định cư các dự án trên địa bàn huyện xã Hoà Sơn (7ha).

Trước đó, HĐND tỉnh Hòa Bình cũng đã ban hành Nghị quyết về việc thông qua danh mục bổ sung (lần 2) các dự án cần thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng năm 2022 trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, về danh mục các dự án cần thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng (thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất) trên địa bàn tỉnh, tổng số danh mục bổ sung các dự án cần thu hồi đất là 5 dự án; tổng diện tích thu hồi là 414ha, trong đó đất trồng lúa 191,1ha; đất khác 215,99ha.

Về danh mục các dự án cần thu hồi đất (thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất) trên địa bàn tỉnh, tổng số danh mục bổ sung các dự án cần thu hồi đất là 116 dự án; tổng diện tích thu hồi 1.275ha, trong đó đất trồng lúa 294,21ha; đất rừng phòng hộ 34,55ha; đất khác 946,24ha.

Bình Dương kiến nghị cơ chế ràng buộc về xây dựng nhà ở xã hội

Ngày 20/9, đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết, toàn tỉnh này có 22 dự án nhà ở thương mại có dành quỹ đất ở 20% để xây dựng NƠXH với tổng diện tích đất ở là 64,53 ha. Bình Dương đã đầu tư xây dựng đưa vào sử dụng 25 dự án NƠXH với khoảng 1,4 triệu m2 sàn nhà ở. Trong đó, 11 dự án NƠXH tại Bình Dương có nguồn vốn ngoài ngân sách, giá bán nhà ở thấp nhất 5,6 triệu đồng/m2 và cao nhất là 14,89 triệu đồng/m2.

Là tỉnh phát triển công nghiệp, người lao động ngoại tỉnh đông, nhu cầu về nhà ở rất lớn, vì vậy Bình Dương tiếp tục triển khai các dự án NƠXH. Dự kiến, nguồn vốn để phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025 khoảng 130.000 tỷ đồng, trong đó nhà ở thương mại 49.800 tỷ đồng, dân tự xây từ vốn tích lũy 59.150 tỷ đồng; NƠXH, tái định cư khoảng 21.050 tỷ đồng.

Bình Dương dự báo đến năm 2025 tổng dân số đạt trên 3,25 triệu người và dự kiến sẽ dùng quỹ đất ở tăng thêm 1.600 ha.

Về đầu tư nhà ở xã hội giai đoạn 2016-2020, theo kế hoạch Bình Dương cần đầu tư hơn 2.000.000m2 sàn. Tuy nhiên, chỉ đạt được khoảng 65% kế hoạch vì nhiều nguyên nhân. Ngoài ra, hiện quỹ đất nhà ở xã hội tại 32 dự án nhà ở thương mại khoảng 100 ha hiện vẫn chưa triển khai xây dựng.

Bình Dương đã ban hành nhiều chính sách, thu hút nguồn vốn xã hội hóa đầu tư nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp. Trong số khoảng 1,2 triệu lao động ngoài tỉnh đến Bình Dương với khoảng 480.000 người đã có nhà ở ổn định (mua nhà riêng, mua nhà ở xã hội, ở cùng gia đình hoặc người thân di cư).

Ngoài ra, có khoảng 200 doanh nghiệp tự xây dựng nhà ở cho người lao động, đáp ứng khoảng gần 50.000 người, số còn lại người lao động đang phải thuê nhà để ở.

Ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết, đơn vị đã báo cáo UBND tỉnh đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.

Sở Xây dựng Bình Dương kiến nghị cấp thẩm quyền cần có quy định ràng buộc trách nhiệm của chủ đầu tư trong quy hoạch và phát triển khu công nghiệp, như quy định phải dành diện tích nhất định xây dựng nhà ở cho công nhân, người lao động; bảo đảm việc phát triển các khu công nghiệp phải đồng bộ với việc quy hoạch, phát triển nhà ở cùng các điều kiện về hạ tầng xã hội thiết yếu cho công nhân.

Đồng Tháp: Mekong Smart City đề xuất quy hoạch cồn Đông Giang quy mô 600ha

Mới đây, Công ty Cổ phần Mekong Smart City đề xuất quy hoạch cồn Đông Giang thành khu đô thị du lịch kết hợp nghỉ dưỡng sinh thái; đô thị thể thao giải trí kết hợp chăm sóc sức khỏe - trị liệu; đô thị giáo dục - đào tạo.

Tin bất động sản ngày 22/9: Yêu cầu rà soát các bất cập của hệ thống thông tin đất đai
Mekong Smart City đề xuất quy hoạch cồn Đông Giang quy mô 600ha/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Trong đó, bao gồm nhiều hạng mục như: Khách sạn, nhà hàng và khu thương mại dịch vụ được thiết kế kiến trúc mang nét hiện đại pha lẫn với nét đặc trưng của địa phương cùng với hệ thống công viên, vườn nhiệt đới; phát triển hình thức resort kết hợp với nông nghiệp, khai thác cảnh quan nông nghiệp đặc trưng của địa phương và vườn trái cây nhiệt đới, các homestay, vườn hoa và ao thủy sinh; các khu vực trò chơi thể thao mạo hiểm, bến thuyền du lịch, khu vực spa, sân golf đạt chuẩn quốc tế...

Tại buổi họp, các sở, ngành tỉnh đã có nhiều ý kiến đóng góp, trong đó cần bám sát theo đồ án quy hoạch chung của thành phố Sa Đéc; có phương án cụ thể đối với vấn đề tái định cư; đồng thời, đề xuất Công ty Mekong Smart City nghiên cứu bổ sung thêm khu vui chơi giải trí thể thao dưới nước, phục hồi phố cổ Sa Đéc.

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa đánh giá cao ý tưởng quy hoạch doanh nghiệp, đặc biệt lưu ý đơn vị trong quy hoạch cần có sự kết hợp với những nét đặc trưng riêng của Đồng Tháp, phát huy lợi thế của Sa Đéc là thành phố hoa, thành phố học tập.

Theo đồ án quy hoạch chung thành phố Sa Đéc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cồn Đông Giang thuộc phân khu số 8 với diện tích hơn 600 ha.

Trước đó, ngày 06/6/2022, Công ty Cổ phần Mekong Smart City có gửi Công văn số 03/2022/CV-MSC về việc xin chủ trương nghiên cứu, đề xuất dự án đầu tư xây dựng tại cồn Đông Giang (580ha) trên địa bàn thành phố Sa Đéc.

Liên quan dự án cồn Đông Giang, tháng 3/2022, ban lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đã thống nhất không tiếp nhận kinh phí tài trợ lập quy hoạch phân khu 8 và quy hoạch chi tiết 1/500 khu vực cồn Đông Giang, thành phố Sa Đéc của Công ty Cổ phần Đầu tư Tập đoàn Phương Trang.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng (T/h)

vietinbank
ajinomoto