Tìm vốn cho lưới truyền tải

07:37 | 18/05/2015

687 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo tính toán của Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), nhu cầu vốn để xây dựng, phát triển lưới điện truyền tải trong 5 năm tới sẽ vào khoảng 800-900 triệu USD. Đây là số tiền rất lớn so với khả năng tích lũy tái đầu tư của tổng công ty.

Năng lượng Mới số 422

Và để giải quyết bài toán này, ông Đặng Phan Tường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị EVNNPT vừa có chuyến công tác làm việc với Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và Ngân hàng BNP Paribas.

Tìm vốn cho lưới truyền tải

Thi công nâng công suất trạm 500kV Ô Môn (TP Cần Thơ)

Tại các buổi làm việc, ông Đặng Phan Tường cho hay, trong 5 năm tới, nhu cầu đầu tư lưới điện truyền tải hàng năm vào khoảng  800-900 triệu USD/năm. Để thu xếp số tiền đầu tư lớn như vậy, tổng công ty phải tiến hành vay từ nhiều nguồn như thương mại trong nước và ODA, trong đó ODA vẫn là chủ yếu. Ngoài ra, tổng công ty còn vay từ các tổ chức nước ngoài khác: NEXI, BNP Paribas. Và trong những năm qua, thông qua các nguồn vốn này, nhiều công trình lưới điện truyền tải trọng điểm của EVNNPT, góp phần quan trọng giải quyết bài toán cung ứng điện cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Đề cập cụ thể về vấn đề, trong buổi làm việc với AFD, ông Tường khẳng định: Sự đồng tài trợ của AFD cùng ADB cho 2 dự án là truyền tải điện miền Bắc và đầu tư lưới điện truyền tải 2 với tổng số tiền tương đương 140 triệu euro là minh chứng cho sự giúp đỡ hiệu quả này. Cả 2 dự án đều được triển khai thành công. Đặc biệt là dự án đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông thuộc Dự án đầu tư lưới điện truyền tải 2. Đây là dự án điển hình về thời gian triển khai thi công, lập kỷ lục trong công tác giải ngân (1 năm) so với các dự án thông thường khác (5-6 năm). Dự án đã đóng điện thành công trong tháng 5-2014, đưa vào vận hành giúp giảm gánh nặng và giải tỏa nỗi lo cung ứng điện cho khu vực phía nam.

Bày tỏ sự cảm ơn chân thành đến sự hỗ trợ, đồng hành của AFD trong những năm gần đây, ông Tường cũng bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, AFD tiếp tục cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật mới bên cạnh những hỗ trợ kỹ thuật không hoàn lại để tăng năng lực trong các lĩnh vực tăng năng suất lao động; nâng cao hiệu quả sản xuất; đào tạo nguồn nhân lực; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; nghiên cứu và phát triển lưới điện thông minh...

Bên cạnh đó, Chủ tịch HĐTV EVNNPT Đặng Phan Tường cũng đánh giá cao hình thức cho vay mới mà AFD đã áp dụng đối với một số khoản vay gần đây của EVN. Đó là hình thức cho vay không cần bảo lãnh của Chính phủ mà căn cứ trên cơ sở hợp đồng mua bán điện của EVN. Hình thức này thực sự hiệu quả và thuận lợi cho cả hai phía: rút ngắn đáng kể các thủ tục, giảm thiểu chi phí do chủ đầu tư không phải trả phí bảo lãnh, được Chính phủ Việt Nam ủng hộ do doanh nghiệp tự vay, tự trả không ảnh hưởng đến nợ công của Chính phủ.  Do vậy, ông Tường đề nghị AFD có thể xem xét áp dụng hình thức cho vay này đối với EVNNPT trong thời gian tới do tình hình tài chính 3 năm trở lại đây của EVNNPT rất khả quan.

Với riêng BNP Paribas, căn cứ trên những dấu hiệu khá khả quan và thuận lợi của thị trường tín dụng quốc tế hiện tại, ông Tường đã đề nghị BNP Paribas giảm mức lãi suất biên đề xuất. Những vấn đề liên quan đã được hai bên trao đổi, thương thảo cởi mở và thẳng thắn. Cuối buổi làm việc, BNP Paribas chấp thuận phương án trước mắt cắt giảm 0,05% mức lãi suất biên BNP Paribas đã chào, về mức 1,4%/năm.

Hà Lê

 

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps