Tìm hướng đi cho điện mặt trời (Kỳ 2)

09:05 | 01/02/2017

1,055 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những năm gần đây, cùng với những tiến bộ khoa học kỹ thuật, chi phí đầu tư cũng như giá điện mặt trời đã giảm mạnh và vẫn có khả năng giảm tiếp trong thời gian tới. Trong khi đó, nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển các dự án điện mặt trời đã được Chính phủ, Bộ Công Thương ban hành. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, để điện mặt trời có thể phát triển, bên cạnh những chính sách ưu đãi, hỗ trợ đó, Việt Nam cần xây dựng khung giá điện hợp lý, phải đưa các dự án điện mặt trời thành quy hoạch…

Để đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội đất nước thì phát triển năng lượng phải luôn luôn “đi trước một bước”. Trong những năm trước, tốc độ tăng trưởng năng lượng, đặc biệt là tăng trưởng nhu cầu điện của Việt Nam thường xuyên ở mức 13-14%, thậm chí 15%/năm. Và hiện nay, tăng trưởng về điện cũng vào khoảng 11-12%. Điều này cho thấy nhu cầu năng lượng của Việt Nam rất lớn và theo dự báo, từ năm 2016 trở đi, Việt Nam sẽ trở thành nước nhập khẩu năng lượng. Vì vậy, để đảm bảo an ninh năng lượng, chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đề ra những mục tiêu, giải pháp cụ thể cho việc phát triển của ngành năng lượng, trong đó có phát triển năng lượng tái tạo. Sự tham gia của năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn năng lượng thì ngoài việc đảm bảo an ninh năng lượng còn đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường, giải quyết bài toán cấp điện cho các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo.

tim huong di cho dien mat troi ky 2
Lắp đặt pin mặt trời trên mái nhà ở Hà Nội

Trong khi đó, phát triển năng lượng tái tạo không phải vấn đề mới mà đã được Chính phủ, Bộ Công Thương đặt ra từ nhiều năm nay đối với ngành điện. Nhưng do suất đầu tư lớn, giá thành lại cao, lợi nhuận thu về thấp nên việc phát triển năng lượng tái tạo luôn gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, năng lượng sinh khối… dù được đánh giá là giàu tiềm năng nhưng việc khai thác lại rất hạn chế, hầu như không đáng kể. Và thực tế, những số liệu thống kê của các cơ quan chức năng thì năng lượng tái tạo ở Việt Nam vẫn chỉ là dạng tiềm năng.

Tuy nhiên, trong xu thế phát triển năng lượng tái tạo chung trên thế giới, nhiều rào cản đối với việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo đã được tháo gỡ. Chẳng hạn, theo TS Nguyễn Huy Hoạch - chuyên gia của Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, trên thế giới đã có nhiều nước xây dựng nhà máy điện mặt trời có công suất lớn. Cùng với thời gian, hiện chi phí đầu tư các dự án điện mặt trời đã giảm mạnh, dao động quanh mức 1.400-1.800USD/kW và dự báo sẽ giảm xuống còn từ 1.100-1.300USD/kW trong thời gian tới.

Bên cạnh việc chi phí đầu tư giảm thì Chính phủ cũng đã xây dựng nhiều cơ chế hỗ trợ, ưu đãi các dự án phát triển điện mặt trời như biểu giá điện, ưu đãi thuế nhập khẩu thiết bị, thuế đất… Đặc biệt, trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, Chính phủ đã đặt yêu cầu phát triển nhanh các dự án nguồn điện sản xuất từ năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời. Mục tiêu được đặt ra là đưa công suất điện mặt trời từ không đáng kể như hiện nay lên khoảng 850MW vào năm 2020; khoảng 4.000MW vào năm 2025…

Mặc dù việc phát triển điện mặt trời đang nhận được nhiều hỗ trợ từ thị trường, từ cơ chế như vậy nhưng TS Hoạch cũng cho rằng, để cụ thể hóa được mục tiêu phát triển điện mặt trời là điều không đơn giản, đặc biệt là trong bối cảnh biểu giá điện hiện vẫn chưa hấp dẫn nhà đầu tư. Nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn khi đầu tư vào năng lượng mặt trời hiện nay còn cao và Chính phủ chưa ban hành giá bán năng lượng điện mặt trời. Nhà đầu tư chưa tiếp cận được nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ năng lượng tái tạo mà phải dùng nguồn vốn trong nước. Trong khi đó, đa phần các thiết bị đều phải nhập khẩu vì vậy giá thành của một số đơn vị sản phẩm khá cao.

Từ thực tế trên, TS Hoạch kiến nghị Chính phủ cần quy định giá mua, giá bán điện mặt trời hợp lý, hài hòa lợi ích của 3 bên. Giá mua bán điện cần điều chỉnh linh hoạt theo nguyên tắc giảm dần khi suất đầu tư vào điện mặt trời giảm; cần sớm ban hành quy hoạch điện mặt trời từng địa phương; nghiên cứu, bổ sung thêm các quy định về quản lý đối với việc mua bán chứng chỉ giảm phát thải hiệu ứng nhà kính đối với các dự án điện mặt trời...

Cùng đề cập về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Thực - Vụ trưởng Vụ Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho hay, bên cạnh các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo thì trong Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam, Bộ Công Thương có đặt ra yêu cầu về trách nhiệm sử dụng năng lượng tái tạo cho các đơn vị, doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng hóa thạch. Đây không phải vấn đề mới trên thế giới nhưng là lần đầu tiên được đặt ra ở Việt Nam. Tức là những nhà đầu tư đã sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch như than, dầu khí thì phải có trách nhiệm xây dựng các dạng năng lượng tái tạo. Ví dụ, anh đã có 1.000MW điện than thì đến năm 2020 anh phải có 30MW về năng lượng tái tạo và sẽ tăng dần đến năm 2030, 2050. Quyết định 2468 của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rất rõ trách nhiệm này.

Cũng theo ông Thực thì sở dĩ phải đặt ra vấn đề như vậy bởi nếu chỉ khuyến khích không thôi thì sẽ không hiệu quả. Vậy nên, cần có một chế tài để các nhà đầu tư cũng như chủ doanh nghiệp sử dụng năng lượng hóa thạch phải chuyển hướng hoặc có trách nhiệm tham gia phát triển năng lượng tái tạo. Chỉ có như vậy thì chúng ta mới có thị trường về năng lượng tái tạo và cũng là để không ai phải gánh vác trách nhiệm xã hội cho người khác. Ví dụ anh chỉ làm nhiệt điện than, nhiệt điện khí thì giá thành sẽ thấp hơn, thu lợi nhuận cao hơn nhưng làm năng lượng tái tạo thì giá thành sẽ đắt hơn, lợi nhuận thu về cũng ít hơn.

“Tôi nghĩ đây là vấn đề không dễ thực hiện. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng, với lộ trình thực Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo được Bộ Công Thương xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ thì khi được phê duyệt, Bộ sẽ có những thông tư hướng dẫn làm cơ sở cho các doanh nghiệp, địa phương… khi có nhà đầu tư trên địa bàn thì gắn với trách nhiệm làm năng lượng tái tạo” - ông Thực nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Thực cũng cho rằng, để phát triển năng lượng tái tạo thì chúng ta cũng cần có chính sách hỗ trợ về kỹ thuật, khuyến khích các cá nhân, tổ chức say mê về năng lượng tái tạo. Ví như làm điện mặt trời ở các gia đình chẳng hạn, với mức giá điện hiện nay thì rất khó đáp ứng được suất đầu tư. Trên thế giới, nhiều nước đã làm nhưng giá năng lượng của họ rất cao, như ở Đức, Đan Mạch, giá năng lượng họ bán ra lên đến 16 cent Euro. Nhưng ở Việt Nam, giá bình quân của Tập đoàn Điện lục Việt Nam (EVN) chỉ vào khoảng 7 cent, trong khi giá đầu tư lại lên đến mười mấy cent. Vì vậy, không ai dại mà đi đầu tư và không dùng điện của EVN. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đặt vấn đề phát triển điện mặt trời trong Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam để các chủ đầu tư, các cơ quan… có mặt bằng mái nhà họ sở hữu rộng, chịu lực tốt để thực hiện lắp đặt. Giai đoạn này nó còn chưa hấp dẫn nhưng dần dần, khi giá điện của EVN tăng lên, cơ chế này sẽ tạo hiệu ứng tốt trong xã hội.

Thanh Ngọc

Năng lượng Mới 582

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps