Tiết kiệm - Nên chăng bắt đầu từ… Quốc hội?

07:00 | 25/06/2013

570 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ cao. Vậy tại sao không sử dụng, tận dụng công nghệ ấy vào cải tiến cách họp hành. Quốc hội bàn bạc, thảo luận về Luật Tiết kiệm, chống lãng phí, nên chăng, hãy nghĩ cách tiết kiệm từ chính… Quốc hội!

Nguyễn Như Phong (NLM số 233)

1. Đất nước ta đang lãng phí rất nhiều thứ và tại kỳ họp Quốc hội vừa rồi, khi thảo luận về Luật Tiết kiệm, chống lãng phí, nhiều đại biểu đã có những dẫn chứng rất thuyết phục, đồng thời chỉ ra các nguyên nhân gây nên tình trạng đó.

Đúng là căn bệnh lãng phí đang là một “đại nạn” hoành hành ở nước ta và góp phần không nhỏ, gây nên những khó khăn cho sự phát triển kinh tế, xã hội và phần nào đó, ảnh hưởng đến tình hình chính trị, bởi lòng dân bất an, bức xúc.

Việc lớn thường bắt đầu từ việc nhỏ.

Việc chống lãng phí, thực hành tiết kiệm phải bắt đầu ngay từ mỗi người, nhất là những người lãnh đạo, chỉ huy và có lẽ ngay từ cơ quan… lập pháp, là Quốc hội.

Là người được đi theo dõi, đưa tin về các kỳ họp Quốc hội từ nhiều năm nay, tôi mới thấy sự lãng phí từ những kỳ họp này thật đáng bàn.

Không hiểu có cơ quan nào tính toán rằng, chi phí cho mỗi đại biểu khi đi họp gồm tiền ăn ở, tiền đi lại, tiền in ấn tài liệu là bao nhiêu chưa?

Không biết có cơ quan nào tính toán xem chi phí cho mỗi đoàn đại biểu đi ra Hà Nội họp là bao nhiêu chưa?

Cảnh thường thấy ở nhiều phiên họp tại Quốc hội

Rồi chi phí cho công tác bảo vệ tại hội trường, tại những nơi đại biểu nghỉ ngơi; rồi chi phí cho công tác dẫn đoàn, đảm bảo trật tự giao thông… Chắc chắn cũng chẳng ít.

Không biết có ai đã thống kê xem số đại biểu ra Hà Nội họp phải mang theo cán bộ giúp việc, người phục vụ, mang theo ôtô là bao nhiêu không? Chi phí cho họ thế nào? Những đại biểu Quốc hội là người đứng đầu các địa phương, chắc chắn chẳng ai chịu đi taxi, hoặc mượn xe bạn bè, chiến hữu để đi chơi vào những ngày nghỉ, hay những buổi tối rỗi rãi.

Rồi trong suốt hơn ba chục ngày họp ấy, số đại biểu phải đi về địa phương để xử lý công việc trong lúc mình đi vắng, thậm chí đi về nghỉ ngơi… tốn kém là bao nhiêu? Và chắc chắn, tiền ấy là từ kinh phí Nhà nước.

Rồi mỗi kỳ họp, các đoàn đại biểu tổ chức “giao lưu” bao nhiêu lần tại những nhà hàng sang trọng. Và tất nhiên, chi phí cho những lần “giao lưu” ấy chẳng có ai bỏ tiền túi?

Không rõ đã có ai thống kê trong mỗi kỳ họp, số đại biểu vắng mặt tại các phiên họp, phiên thảo luận là bao nhiêu chưa? Nhưng có một hình ảnh dễ nhận thấy nhất là ở nhiều phiên họp, số ghế trống khá nhiều - nhất là khi thảo luận về những bộ luật…

Rồi không biết mỗi kỳ họp, các đại biểu phải nhận bao nhiêu kilôgam tài liệu? Mà rất nhiều loại tài liệu đó, sẽ không được quan tâm, bởi lẽ, người làm ngành nghề nào, chịu trách nhiệm về lĩnh vực nào thì quan tâm đến lĩnh vực đó. Còn những vấn đề khác, hoặc là nghe cho biết, hoặc không quan tâm…

Giáo lý nhà Phật nêu: Đời người ta có “bát khổ” - tám nỗi khổ. Nỗi khổ, đầu tiên là “Oán tằng hội” - nghĩa là phải ở cùng hội với người mình không muốn, không thích, thậm chí thù ghét. Nếu nói rộng hơn nữa thì việc một người buộc phải nghe, phải đọc về những việc, những vấn đề mà mình không phụ trách, không hiểu biết và thậm chí chẳng liên quan gì… thì cũng là một nỗi khổ. Là đại biểu Quốc hội, không có nghĩa là phải am hiểu tất tật mọi việc.

Cho nên nếu đại biểu “vắng mặt có lý do”; hoặc điềm nhiên ngồi đọc báo, xem phim qua Ipad ngay tại hội trường, hoặc ngủ gật thì cũng là… “chuyện thường ngày” ở các kỳ họp Quốc hội.

Tôi chợt nhớ lại chuyện Thiếu tướng Phạm Chuyên, nguyên Giám đốc Công an Hà Nội và cũng từng là đại biểu Quốc hội. Ông Chuyên là người ham đọc sách lắm. Lúc sinh thời, Thượng tướng Lê Minh Hương, Bộ trưởng Bộ Công an có hỏi tôi về chuyện đọc sách, rồi ông bảo: “Lãnh đạo bây giờ nhiều anh lười đọc sách. Chú thấy Phạm Chuyên là người mê đọc hiếm có”. Và nhiều phiên họp ở Hội trường Ba Đình, tôi thấy ông cắm cúi đọc… tiểu thuyết. Khi tôi hỏi ông đang đọc sách gì? Và ông không ngại có người “dòm ngó” hay sao, ông nói tưng tửng: “Chỉ có cánh nhà báo chúng bay mới hay dòm ngó. Chứ đại biểu ai để ý. Mà thích nhất khi đi họp Quốc hội, lúc đó mới có thời gian đọc sách mà không bị… quấy rầy?”. Ờ, mà đúng thật. Đọc sách trong hội trường Quốc hội không lo bị réo điện thoại; không phải nghe bẩm báo công việc… Thật lý tưởng?

2. Thời gian gần đây, việc họp trực tuyến đã được nhiều cơ quan, bộ, ngành, các đơn vị kinh tế tổ chức và thực sự đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho việc đi lại, ăn ở. Ở một số đơn vị kinh tế, do đặc thù công việc, cán bộ, công nhân viên phân tán, không chỉ trong lãnh thổ Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia khác nên không những phải họp giao ban trực tuyến mà có khi còn phải tổ chức đại hội chi bộ Đảng trực tuyến, thậm chí qua hộp thư điện tử.

Vậy tại sao không thử suy nghĩ đến cách cải tiến họp Quốc hội nhỉ? Và một trong những cách ấy là họp trực tuyến?

Tất nhiên là vào những phiên quan trọng, cần phải có sự thống nhất cao về ý chí thì phải tập trung đại biểu về hội trường, nhưng trong một kỳ họp, không phải ngày nào cũng có những phiên như thế. Còn ngay cả những phiên chất vấn, cũng có thể họp trực tuyến chứ sao? Đến mổ tim cũng còn có thể thực hiện được qua màn hình và cả xuyên quốc gia được nữa kia mà?

Hẳn sẽ có bạn đọc khó chịu khi đọc đến “ý tưởng họp Quốc hội trực tuyến” và cho rằng, nếu làm như vậy sẽ mất tính tôn nghiêm của cơ quan quyền lực tối cao.

Thật ra, sự tôn nghiêm hay không chưa hẳn là ở chỗ đại biểu ngồi ngay ngắn, vỗ tay thật to, cười thật rạng rỡ… Sẽ chẳng có sự “tôn nghiêm” nào, nếu như các nghị sĩ xông vào choảng nhau như đã từng thấy ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.

Sẽ chẳng có sự “tôn nghiêm” nếu như có ông nghị chửi nhau và dùng cả blog để thóa mạ người khác.

Sự tôn nghiêm, sự kính trọng chỉ có được đối với đại biểu chính là từ cử tri. Mà đối với cử tri, họ chỉ dành sự kính trọng ấy cho những ai làm việc hiệu quả và có đạo đức trong sáng, vì quyền lợi của dân.

Trang bị cho mỗi phòng họp trực tuyến hẳn không tốn kém lắm, vài cái màn hình, một đường truyền, dăm chiếc camera… thế là xong. Mà có một phòng họp trực tuyến thì còn là nơi để chính quyền, tổ chức Đảng họp giao ban với các địa phương, đồng thời sử dụng vào được nhiều việc hữu ích khác.

Họp Quốc hội trực tuyến, chắc chắn sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền bạc và thời gian, thậm chí cả sức lực của đại biểu. Hẳn chả sung sướng gì khi một vị đại biểu họp xong buổi chiều, sấp ngửa chạy ra sân bay, hoặc lên ôtô đi hàng trăm cây số nữa để về địa phương xử lý công việc.

Nếu họp trực tuyến, các đoàn đại biểu Quốc hội không phải di chuyển nhiều, sẽ có rất nhiều cái lợi.

Vừa tiết kiệm được chi phí, tiết kiệm được thời gian; không lo bỏ bê công việc mà mình đang chịu trách nhiệm; đảm bảo được sức khỏe; và một điều rất quan trọng nữa là có điều kiện gặp gỡ, tiếp xúc cử tri ngay trong kỳ họp, để từ đó, phản ánh kịp thời nguyện vọng, đòi hỏi của người dân lên Quốc hội.

Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ cao. Vậy tại sao không sử dụng, tận dụng công nghệ ấy vào cải tiến cách họp hành. Quốc hội bàn bạc, thảo luận về Luật Tiết kiệm, chống lãng phí, nên chăng, hãy nghĩ cách tiết kiệm từ chính… Quốc hội!

N.N.P

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc