Tiếp tục hạ mức lãi suất cơ bản

08:34 | 18/04/2012

605 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chỉ sau gần 1 tháng điều chỉnh hạ lãi suất (13/3) thì đến 11/4, NHNN lại tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất thêm 1%.

Trong quý đầu tiên của năm 2012, tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng được cải thiện tích cực, cùng đó, chỉ số CPI cũng ở mức 2,55% – thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Đây là một những tiền đề quan trọng và là thời điểm “chín muồi” để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định điều hành hạ thêm 1% mức lãi suất cơ bản – Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định tại cuộc họp báo ngày 11/4.

Cải thiện thanh khoản

Năm nay, Chính phủ khẳng định mức tăng GDP hợp lý vào khoảng 6% để vừa đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 10%, đồng thời ổn định kinh tế vĩ mô. Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, NHNN đã cân nhắc, tham khảo ý kiến các chuyên gia trong và ngoài nước cùng các tổ chức tài chính tiền tệ uy tín về thời điểm này. Lộ trình được NHNN dự kiến định hướng là phấn đấu mỗi quý có thể giảm 1% lãi suất. Tuy nhiên, mỗi quý cũng tùy theo thực tế mà thời điểm giảm rơi vào đầu, giữa hay cuối quý. Vì vậy, chỉ sau gần 1 tháng điều chỉnh hạ lãi suất (13/3) thì đến 11/4, NHNN lại tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất thêm 1%. Do đó, liên tiếp trong hai tháng, giảm lãi suất cơ bản tới 2% là phù hợp với lộ trình dự kiến ban đầu.

Trong quý I, thanh khoản ngân hàng được cải thiện tích cực và mạnh mẽ, thể hiện rõ nét nhất giữa nguồn vốn huy động và sử dụng nguồn vốn. Nếu quý IV/2011, việc sử dụng nguồn vốn cao hơn nguồn huy động thì nay tình trạng này đã được cải thiện. Hiện nguồn huy động và sử dụng nguồn chênh lệch khoảng 130.000 tỉ đồng nhưng nguồn vốn huy động lại cao hơn nguồn vốn cho vay. Dự trữ của các ngân hàng tại NHNN là hơn 60.000 tỉ đồng, cao hơn tiền gửi dự trữ bắt buộc trước đây khoảng từ 15.000-20.000 tỉ đồng. Bên cạnh đó, trái phiếu Chính phủ phát hành thành công với khối lượng cao chứng tỏ tính thanh khoản tốt của các ngân hàng. Chỉ tính riêng tín phiếu do NHNN phát hành từ giữa tháng 3 với các kỳ hạn 1, 3 và 6 tháng đã đạt tổng khối lượng 45.000 tỉ đồng. Những dữ liệu này cho thấy thanh khoản hệ thống ngân hàng đang rất dồi dào, tạo điều kiện để giảm lãi suất. Bên cạnh đó, điều kiện tiên quyết là kiềm chế được lạm phát cũng cho thấy tín hiệu tích cực.

Lãi suất trong hệ thống liên ngân hàng hết sức ổn định ở mức thấp; lãi suất cho vay qua đêm phổ biến ở mức 6-7,5%/năm; theo tuần và tháng cao nhất cũng chỉ ở mức 12%/năm. Những mức này còn thấp hơn trên thị trường mở và ổn định trong suốt 3 tháng vừa qua. Nếu so với quý IV/2011, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã giảm 4-5%/năm. Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay, tuy chưa xuất hiện đồng đều nhưng nhiều TCTD đã niêm yết lãi suất huy động theo các kỳ hạn khác nhau, thậm chí thấp hơn trần cho phép. Với lãi suất cho vay, quý I đã giảm xuống 2-3%/năm so với mặt bằng chung của quý IV/2011.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh hạ lãi suất đang khiến dư luận lo ngại về khả năng tăng trưởng tín dụng thấp. Theo tính toán của NHNN, tăng trưởng tín dụng tháng 1 giảm hơn 2% so với cuối năm 2011, tháng 2 giảm khoảng 0,07% – về cơ bản là cân bằng và đến tháng 3 đã tăng trên 1%. Như vậy, đà tăng trưởng đã trở lại nhưng nếu tính chốt tới 31/3 thì vẫn giảm hơn 1% so với thời điểm 31/12/2011. Giải thích biểu đồ tăng trưởng tín dụng, Thống đốc nhận định: Cuối năm 2011, một số TCTD có hiện tượng tăng ảo, lấy khối lượng để lấy chỉ tiêu nên chỉ tăng rất mạnh vào tháng cuối năm nhưng lại giảm rất mạnh ngay từ đầu năm 2012. Đây được gọi là tăng ảo. Do đó, nếu loại trừ yếu tố này thì tăng trưởng tín dụng chỉ giảm khoảng 0,4%. So với những năm gần đây thì tỉ lệ giảm này không quá lớn và không nghiêm trọng. Nếu không có biến động đột biến, tăng trưởng tín dụng các tháng trong năm tiếp tục duy trì khoảng 1,5-2% thì hệ thống ngân hàng vẫn đảm bảo chỉ tiêu tăng tín dụng từ 15-17%.

Mở van tín dụng cho bất động sản

“Kể từ ngày 11/4, van tín dụng tiêu dùng đã được mở hết các loại dư nợ, chỉ trừ dư nợ tiêu dùng ở nước ngoài bao gồm du lịch, chữa bệnh, du học. Cùng đó, bất động sản cũng được hưởng lợi”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh. Dư nợ cho vay bất động sản đã mở dần từ đầu năm và đến nay trừ một số nội dung, còn mở rất nhiều. Nếu trước chỉ cho vay mua nhà để ở nay đã cho phép cho vay mua nhà để đầu cơ, đầu tư bán hoặc cho thuê. Cũng tương tự, việc cho vay để xây dựng nhà cũng đã mở ra hết. Với bất động sản đã loại ra khoảng 50% đối tượng lĩnh vực trước đây không khuyến khích cho vay trong khi vẫn giữ nguyên tỉ lệ cho vay không khuyến khích là 16%, điều này đồng nghĩa với tỉ lệ cho vay không khuyến khích ở nhóm bất động sản đã được tăng gấp đôi.

Bất động sản là lĩnh vực rất rộng và dư nợ tín dụng trực tiếp cho vay không cao, chỉ 10% trong nhiều năm. Thực chất chỉ có dư nợ trong hệ thống ngân hàng được đảm bảo bằng bất động sản là cao, chiếm đến 60%. Năm 2011, để đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát, NHNN đã đưa toàn bộ bất động sản vào lĩnh vực phi sản xuất, không khuyến khích với tỉ lệ giới hạn là 16%. Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát có khả năng kiềm chế, tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng được cải thiện thì cũng nên xả dần van tín dụng cho lĩnh vực bất động sản để cải thiện tính thanh khoản cho thị trường nhạy cảm này.

Mặt khác, dư nợ tín dụng trong ngân hàng liên quan đến bất động sản rất lớn nên cũng cần tháo gỡ dần. Đặc biệt, nhu cầu nhà ở trong xã hội vẫn rất lớn và hiện mặt bằng giá nhà ở đã về gần mức phù hợp với nhu cầu của người dân với khả năng tiếp cận các phân khúc hàng hóa khác nhau. Việc mở van tín dụng cho bất động sản không chỉ góp phần giải phóng được lượng hàng tồn mà còn tạo dòng trung chuyển vốn hợp lý. Được tháo gỡ một phần khó khăn sẽ giúp không chỉ bất động sản mà còn nhiều lĩnh vực liên quan khác như xi măng, vật liệu xây dựng… giải phóng được tồn kho, tạo việc làm, tạo chu trình chuyển nợ dòng vốn và giảm nợ xấu.

NHNN mới đây đã yêu cầu các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp về hoạt động tín dụng theo nội dung Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 13/2/2012 của Thống đốc NHNN. Theo đó, các TCTD kiểm soát tỉ trọng dư nợ cho vay đối với lĩnh vực không khuyến khích không vượt quá 16% tổng dư nợ cho vay, dư nợ cho vay. Các TCTD thống kê dư nợ cho vay đối với các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh chứng khoán, bất động sản và cho vay tiêu dùng, gửi báo cáo cho NHNN chậm nhất vào ngày 12 hàng tháng.

NHNN cũng yêu cầu các TCTD thực hiện đúng quy định của NHNN về lãi suất tiền gửi tối đa của TCTD đối với khách hàng, tiết kiệm chi phí để giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng với lãi suất hợp lý nhằm mở rộng, phát triển hoạt động sản xuất – kinh doanh có hiệu quả. Đồng thời, TCTD chấp hành đúng các quy định của pháp luật về tỉ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động kinh doanh của TCTD; không được sử dụng các biện pháp nghiệp vụ chưa phù hợp với quy định của pháp luật nhằm che giấu nợ xấu…

Thu Hằng