Tiếng ngoại tịch và tiếng song sinh

07:00 | 19/04/2013

|
(Petrotimes) - Bạn đọc: Trong cuốn “Cửa sổ tri thức” của PGS.TS Lê Trung Hoa (NXB Trẻ, 2005) có bạn đọc hỏi: “Có quan niệm cho rằng, trong tiếng Việt, trừ những tiếng ngoại tịch và tiếng song sinh thì mọi tiếng đều có nghĩa. Xin hỏi quan niệm này có đúng không?”. Ông Lê Trung Hoa đã trả lời: “Trong lý luận ngôn ngữ học, không có các thuật ngữ tiếng ngoại tịch và tiếng song sinh. Nếu chúng tôi không lầm, tiếng ngoại tịch bạn nói chính là từ mượn hay từ vay mượn (…); còn tiếng song sinh chính là biến thể từ hay từ biến thể (…)”. Nhưng cách đây gần 18 năm, tại mục “Chuyện Đông chuyện Tây” của Kiến thức Ngày nay số 177 (20/6/1995), chính ông An Chi đã sử dụng hai thuật ngữ này. Kính mong ông cho ý kiến nhận xét. Nguyễn Công Trực (Cao Lãnh, Đồng Tháp)

Học giả An Chi (Kính gửi TS Lê Trung Hoa): Trước khi được in vào “Cửa sổ tri thức”, câu trả lời này của TS Lê Trung Hoa đã được đăng trên tuần san Sài Gòn giải phóng thứ Bảy, ngày 4/10/2003. Hơn 10 năm đã trôi qua; tuy danh tính của người đề xướng hai thuật ngữ “tiếng ngoại tịch” và “tiếng song sinh” không được nêu rõ nhưng người sử dụng nó lần đầu tiên thì đích thị là An Chi tại “Chuyện Đông chuyện Tây” của Kiến thức Ngày nay số 177 (20/6/1995), đúng như bạn đã nhắc. Có điều là qua cung cách diễn đạt và lập luận của mình, TS Lê Trung Hoa cho thấy ông chỉ thuần túy căn cứ vào câu hỏi đã gửi đến để biện luận mà không hề tìm hiểu về quan niệm của người đề xướng hai khái niệm “tiếng ngoại tịch” và “tiếng song sinh”.

TS Lê Trung Hoa nói rất đúng. Trong lý luận ngôn ngữ học, không có các thuật ngữ “tiếng ngoại tịch” và “tiếng song sinh”. Nhưng các nhà ngữ học thì lại hiểu rằng, lý luận ngôn ngữ học đâu có nói hết mọi điều, mọi thứ về mọi ngôn ngữ. Nếu nó đã nói xong mọi thứ thì họ chỉ còn có nước… giải nghệ. Xin thông báo thêm với TS Lê Trung Hoa là, mới đây thôi, trên Báo Năng lượng Mới số 212 (12/4/2013), An Chi cũng vừa đưa ra hai khái niệm “nghĩa sự cố” (sens accidentel) và “từ ký sinh”. Hai thứ này đều chưa thấy nói đến trong lý luận ngôn ngữ học.

Trở lại vấn đề chính, xin nói rằng, TS Lê Trung Hoa không hề nắm được nội dung của hai khái niệm mà chính mình muốn bác bỏ. Trên Kiến thức Ngày nay số 177, An Chi đã viết:

“Cá nhân chúng tôi cũng cho rằng, trong tiếng Việt, trừ những tiếng ngoại tịch và những tiếng song sinh - xin gọi âm tiết là “tiếng” cho tiện - các tiếng đều có nghĩa hoặc vốn có nghĩa cả”.

Nghĩa là trong lập luận của mình, chúng tôi đã minh định rằng, “tiếng” ở đây chính là “âm tiết”, tức là cái mà tiếng Pháp gọi là “syllabe” còn tiếng Anh là “syllable”. Nhưng TS Lê Trung Hoa thì lại đoán mò nó là “từ” nên mới khẳng định rằng “tiếng ngoại tịch là từ mượn hay từ vay mượn”. “Từ” là cái mà tiếng Pháp gọi là “mot” còn tiếng Anh là “word”. An Chi chỉ nói về “tiếng (= âm tiết)/syllabe/syllable” mà TS Lê Trung Hoa thì lại nâng nó lên thành “từ/mot/word”. Nghĩa là ông Lê Trung Hoa hoàn toàn không hiểu gì về đối tượng mình muốn bài bác. Về “tiếng ngoại tịch”, chúng tôi đã trình bày rạch ròi như sau:

 “Tiếng ngoại tịch là những tiếng đi chung với nhau từ hai trở lên để phiên âm những từ ngoại ngữ, kể cả âm Hán Việt của những chữ mà người Trung Hoa hoặc người Nhật Bản đã dùng để phiên âm tiếng nước ngoài. Thí dụ: “sô”, “cô” và “la” hoặc “phó” và “mát” là những tiếng dùng để phiên âm tiếng Pháp “chocolat” hoặc “fromage”. “Boong” và “ke” là những tiếng dùng để phiên âm tiếng Anh “bunker”. “Câu lạc bộ” là âm Hán Việt của ba chữ mà người Nhật Bản đã dùng để ghi cách phiên âm danh từ “club” của tiếng Anh”.

Thế nhưng không cần biết người đề xướng khái niệm “tiếng ngoại tịch” hiểu nó như thế nào, TS Lê Trung Hoa còn giải thích:

“Từ mượn là những từ vay mượn của các ngôn ngữ khác, đối lập với từ bản ngữ. Thí dụ: trong tiếng Việt, “hỏa tiễn” là từ mượn của tiếng Hán, “cà-vạt” (cravate) là từ mượn Pháp, “mít-tinh” (meeting) là từ mượn Anh, “xô-viết” (cobem) là từ mượn Nga…”.

Xin thưa với ông Lê Trung Hoa rằng, với cách hiểu của chúng tôi thì trong những từ mượn của ông, “cà-vạt” có hai tiếng ngoại tịch là “cà” và “vạt”; “mít-tinh” có hai tiếng ngoại tịch là “mít” và “tinh” còn “xô-viết” thì có hai tiếng ngoại tịch là “xô” và “viết”. Nếu ông gọi “tiếng ngoại tịch” của chúng tôi là “từ mượn” thì ở đây, ông có đến 6 từ mượn (“cà”, “vạt”, “mít”, “tinh”, “xô” và “viết”)!

Sở dĩ chúng tôi đề xướng khái niệm “tiếng ngoại tịch” là để phân biệt chúng với những từ đồng âm, đương nhiên có nghĩa, trong tiếng Việt. Xin cho thí dụ để TS Lê Trung Hoa dễ rõ vấn đề: chẳng hạn trong “cà-vạt” thì “cà” chỉ là một tiếng ngoại tịch, vô nghĩa và không có liên quan gì đến “cà” trong “cà chua”, “cà tím”, “cà pháo”, v.v…, hoặc “cà” trong “cà răng căng tai”; “vạt” cũng chỉ là một tiếng ngoại tịch vô nghĩa, không có liên quan gì đến “vạt” trong “vạt áo”, “vạt cỏ” hoặc “vạt” trong “tầm vông vạt nhọn”; v.v...    

Thế là với chúng tôi thì “sô”, “cô’ và “la” là ba tiếng ngoại tịch đi chung với nhau mới thành một từ là “sô-cô-la”, dùng để phiên âm danh từ “chocolat” của tiếng Pháp. Còn theo thuyết “Lê Trung Hoa” thì 3 tiếng (âm tiết) ngoại tịch đó của An Chi sẽ là 3 từ vay mượn của ông! TS Lê Trung Hoa cũng biến “tiếng song sinh” của chúng tôi thành từ mà viết rằng, “tiếng song sinh chính là biến thể từ hay từ biến thể (variants of a word)”. Ông giải thích:

“Từ biến thể là những dạng thay đổi của một từ có thành phần hình vị như nhau, khác nhau không đáng kể về mặt nào đó: ở âm đầu (trời - giời), ở vần (bịnh - bệnh), ở thanh điệu (nhành - nhánh), ở nghĩa (cục đá - nước đá), ở vị trí các yếu tố (bảo đảm - đảm bảo)…”.

Nhưng chúng tôi đâu có nói đến những thứ như “trời - giời”, “bịnh - bệnh”, “nhành - nhánh”, v.v…, của ông Lê Trung Hoa. Chúng tôi đã viết rõ như sau:

“Tiếng song sinh (sinh đôi) là những tiếng phái sinh, theo từng cặp, từ những từ mà phần âm đầu là một tổ hợp phụ âm như bl-, kl-, thl-, v.v... Những tiếng đó có thể hoặc có cùng một khuôn vần với nhau (như “thằn lằn” có thể < *thlăn) hoặc tiếng thứ nhất trở thành một âm tiết lướt thường được gọi là tiền âm tiết còn tiếng thứ hai thì giữ lại phụ âm sau của tổ hợp phụ âm và phần vần của tiếng gốc (như “cà-rem” < crème)”.

An Chi gọi những âm tiết như “thằn”, “lằn”, “cà” và “rem” là tiếng song sinh; còn TS Lê Trung Hoa thì gọi đó gọi là “từ biến thể” thì chẳng phải là ông đã làm chuyện tréo ngoe, trái cựa hay sao? Nếu “thằn”, “lằn”, “cà” và “rem” đúng là từ thì không biết, trong 4 từ đó, ông có hiểu từng từ một có nghĩa là gì hay không.  

Cuối cùng, vì không hề tra cứu xem người đề xướng hai khái niệm hữu quan đã nói gì hoặc nói như thế nào, TS Lê Trung Hoa đã kết luận:

“Trong tiếng Việt hiện đại có rất nhiều tiếng, ta không biết rõ nghĩa như hấu trong dưa hấu, đao trong bí đao, bìm trong bìm bịp, ghiếc trong gớm ghiếc, săn trong săn sóc… Đấy là trên quan điểm đồng đại. Dĩ nhiên, một số tiếng ban đầu có nghĩa, nhưng theo thời gian và tác động của các quy luật ngôn ngữ, dần dần chúng mất nghĩa. Nhưng không vì một số tiếng vốn có nghĩa này mà ta kết luận trong tiếng Việt tiếng nào cũng có nghĩa”.
TS Lê Trung Hoa không hề biết rằng chính An Chi đã viết:

“Trong tiếng Việt, trừ những tiếng ngoại tịch và những tiếng song sinh - xin gọi âm tiết là “tiếng” cho tiện - các tiếng đều có nghĩa hoặc vốn có nghĩa cả (AC nhấn mạnh khi dẫn lại)”.

Rõ ràng là chúng tôi đã viết “các tiếng đều có nghĩa hoặc vốn có nghĩa cả” chứ đâu có phải thẳng tuột như TS Lê Trung Hoa là “trong tiếng Việt tiếng nào cũng có nghĩa”. Ông thực sự không biết người ta đã nói gì mà cứ lên tiếng “chỉnh sửa” và “giảng giải” như thế thì là hoàn toàn vô trách nhiệm với người đã quý mến mà nêu câu hỏi cho mình đó, thưa tiến sĩ.

A.C