Tiền lương & hối lộ

20:55 | 25/10/2017

1,361 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hối lộ và nhận hối lộ đều là hành vi phạm pháp. Người ta biết điều đó nhưng vẫn làm. Có người ngụy biện rằng, do lương thấp nên đành phải nhận quà biếu mới bảo đảm cuộc sống.

Nhưng rất nhiều người lương thấp không làm như vậy vì không phải ai cũng có điều kiện nhận hối lộ. Tệ nạn này cũng làm nhức nhối dư luận, nhiều kẻ tham lam vơ vét đã vướng vòng lao lý, song chưa có hồi kết.

Vì có người đồng ý nhận hối lộ nên mới có người đưa hối lộ. Trái lại, nếu người thừa hành công vụ mà công minh, chính trực, kiên quyết không nhận thì làm sao còn người đưa hối lộ.

Ngày xưa dân gian đã khái quát hình ảnh vị quan phụ mẫu xử kiện cho dân. Mở đầu phiên xét xử, quan thò tay vào cái đĩa để trước mặt xem có đồng tiền nào chưa. Mức án sẽ phụ thuộc vào số tiền mà bị cáo đặt lên đĩa; tiền ít thì án nặng, tiền nhiều có khi trắng án… Ngày nay tế nhị hơn thì người hối lộ cho tiền vào phong bì và dúi vào tay người thi hành công vụ. Nhiều vụ đã bị cơ quan chức năng bắt quả tang qua hình thức đưa hối lộ ấy.

Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ, Công an tỉnh Bình Định mới tạm giữ ông Hồ Minh Khiêm - Trưởng phòng Thanh tra Cục Thuế tỉnh Bình Định để điều tra hành vi nhận hối lộ. Chiều ngày 1-10, tại một quán cà phê gần trụ sở Cục Thuế Bình Định, ông Khiêm bị cảnh sát bắt quả tang đang nhận tiền của một doanh nghiệp xây dựng trong tỉnh. Ông này sau đó bị đưa về trụ sở công an tỉnh để thẩm tra. Số tiền ông Khiêm nhận hối lộ vẫn chưa được tiết lộ.

tien luong hoi lo
(Ảnh minh họa)

Tòa án TP Cần Thơ cũng vừa xử vụ 7 thanh tra giao thông (TTGT) thuộc Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ cùng 2 đồng phạm nhận tiền hối lộ "bảo kê" xe quá tải. Bản án sơ thẩm xác định: Đoàn Vũ Duy - nguyên Đội trưởng Đội TTGT số 11 được xác định là người cầm đầu, đã câu kết với "cò" Nguyễn Văn Cần nhận tiền hối lộ của 57 doanh nghiệp và cá nhân, nhiều nhất với số tiền lên đến 2,8 tỉ đồng. Từ năm 2013 đến 2016, "cò" Cần đã giúp Duy nhận tiền thông qua 6 tài khoản, trong đó Cần hưởng lợi 71 triệu đồng.

Đây là vụ án gây sự chú ý đặc biệt của dư luận khi chỉ vì muốn kiếm tiền mà các bị cáo đã câu kết thành một nhóm chuyên nhận tiền của nhiều doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vận tải có phương tiện vi phạm luật để không kiểm tra, xử lý theo quy định.

Ở TP HCM, Công an quận Gò Vấp đang xem xét trách nhiệm của các cán bộ sơ suất trong quá trình kiểm tra, giám sát bị can trong nhà tạm giữ, để bị can viết thư ra ngoài. Thượng úy N.T.B - Đội Điều tra tổng hợp Công an quận Gò Vấp, TP HCM, bị tố đã gợi ý gia đình nghi phạm đưa 300 triệu đồng sẽ cho nghi phạm tại ngoại. Trước đó ngày 27-3-2017, Công an quận Gò Vấp bắt giữ bà P.T.K.L để điều tra hành vi trộm cắp tài sản với số tiền gần 7.000 USD (tương đương 150 triệu đồng). Thượng úy N.T.B được phân công thụ lý vụ việc này. Theo nội dung tố cáo, trong thời gian điều tra, thượng úy B gọi điện thoại đề nghị bà D (là con gái của bà L), nói muốn bà L được tại ngoại phải "chạy" số tiền 300 triệu đồng.

Sáng 16-10 vừa qua, TAND tỉnh Đắk Lắk tuyên phạt bà Trương Thị Hoa (54 tuổi, nguyên Phó chánh án TAND huyện Ea Kar) 12 tháng tù về tội nhận hối lộ. Cuối năm 2016, bà Hoa được phân công xét xử vụ án ông Nông Văn Thụt (48 tuổi) vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Trước phiên tòa diễn ra, ông Thụt tìm gặp bà Hoa, tỏ ý muốn được giảm nhẹ hình phạt xuống còn án treo. Nguyên phó chánh án hứa giúp, với điều kiện ông ta phải chi 80 triệu đồng. Ngày 5-12-2016, ông Thụt cùng vợ tới nhà bà Hoa đưa tiền; đồng thời quay video, rồi đến báo cơ quan chức năng. Hôm sau, bà Hoa bị bắt, sau đó nộp lại số tiền đã nhận của ông Thụt.

Vì có người đồng ý nhận hối lộ nên mới có người đưa hối lộ. Trái lại, nếu người thừa hành công vụ mà công minh, chính trực, kiên quyết không nhận thì làm sao còn người đưa hối lộ.

Những cán bộ thi hành pháp luật là những người hiểu biết pháp luật hơn ai hết, vậy mà vẫn cố tình vi phạm pháp luật chỉ vì đồng tiền, sẵn sàng đổi trắng thay đen. Những người đó không phải do lương thấp. Đồng tiền làm con người tha hóa, đạo đức xã hội xuống cấp cùng bao nhiêu hệ lụy khác.

Những lĩnh vực nhạy cảm như giáo dục, y tế, giao thông, thương mại, hành chính công thì chuyện đưa và nhận hối lộ diễn ra hằng ngày. Người dân va chạm với các công chức nhiều nhất, muốn được việc là phải chi; muốn nhanh thì càng phải hối lộ nhiều. Lâu rồi thành quen, ai cũng coi là chuyện tất yếu. Thật đáng buồn.

Hàng triệu người lao động có mức lương chỉ vài ba triệu đồng/tháng nhưng vẫn sống và làm việc tốt, họ không có khái niệm gì về hối lộ. Đó là những con người đáng trân trọng và là gương sáng cho những kẻ chuyên lo nhận hối lộ.

Linh Trang

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc