Tiền điện tử & tiền ảo

22:17 | 22/09/2017

2,419 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vài năm trở lại đây, khái niệm tiền điện tử (mà nhiều người thường gọi là tiền ảo) đang ngày càng được nhiều người ở Việt Nam tham gia như một kênh đầu tư. Đây cũng là một xu hướng đang diễn ra trên thế giới, thí dụ như đồng Bitcoin, Litecoin, Onecoin, Ethereum… gắn liền với sự phát triển của công nghệ mang tên blockchain.

Tại hội thảo “Tiền điện tử và chuỗi khối blockchain” diễn ra mới đây, có chuyên gia cho rằng: “Một ngày nào đó sẽ thấy trên thị trường tài chính không còn tiền mặt, cũng không dùng thẻ ngân hàng. Với việc sử dụng công nghệ chuỗi khối blockchain, các thanh toán sẽ dựa vào vân tay và đồng tử mắt”.

Con số không chính thức ước đoán, hiện tại số người sở hữu tiền điện tử và sử dụng blockchain ở Việt Nam chỉ chiếm khoảng 1% dân số. Song, với tốc độ mở rộng như hiện nay, trong khoảng 10 năm tới số lượng người sử dụng blockchain ở Việt Nam dự báo lên tới 30 triệu người.

Vậy tiền điện tử khác với tiền ảo như thế nào?

Vấn đề này đang trở nên nóng bỏng khi được coi rằng, nếu tiền ảo phát triển, chủ quyền quốc gia trong việc phát hành và kiểm soát tiền tệ đang bị xâm phạm.

Chính vì vậy, ngày 21-8-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 1255/QĐ-TTg phê duyệt đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo và giao 4 cơ quan: Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nghiên cứu, đề xuất các nội dung trong đề án.

tien dien tu tien ao

Các chuyên gia đã phân tích, xét ở góc độ nào đó, một khi các loại tiền ảo tăng trưởng nhanh thì ít nhiều cũng ảnh hưởng đến tổng phương tiện thanh toán quốc gia, qua đó cũng có tác động đến lãi suất thị trường, tăng trưởng kinh tế và lạm phát. Đấy là chưa nói đến các loại tội phạm như rửa tiền, buôn bán ma túy, trốn thuế, thực hiện các giao dịch phi pháp khác... qua các hình thức tiền ảo này.

Chẳng thế mà mới đây, Trung Quốc lập tức tiến hành những bước đi nhằm thắt chặt quy định với loại tiền tệ này. Trong tuyên bố vào ngày 4-9 vừa qua, Chính phủ Trung Quốc đã khẳng định hoạt động ICO (huy động vốn bằng tiền ảo) là bất hợp pháp.

Trung Quốc hiện chiếm 23% lượng giao dịch đồng tiền ảo Bitcoin toàn cầu và ngay lập tức, sau khi đạt mức cao kỷ lục lên tới 4.921USD vào ngày 1-9, Bitcoin đã chứng kiến mức sụt giảm lớn nhất lên tới 40%, thổi bay ngay 20 tỉ USD giá trị thị trường.

Những biện pháp mạnh tay của Trung Quốc đối với tiền ảo Bitcoin được các chuyên gia nhận định sẽ là bước mở màn cho một cuộc "công kích" lớn hơn của chính phủ nhiều quốc gia khác nữa trên toàn thế giới để đề ra những chính sách cấm loại tiền kỹ thuật số lưu thông - công cụ được cho là sử dụng trong lừa đảo và các hoạt động chợ đen.

Ở Việt Nam, dưới góc độ là tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán, qua nghiên cứu, NHNN Việt Nam cho biết, hầu hết các quốc gia không chấp nhận tiền ảo là tiền tệ, phương tiện thanh toán hợp pháp, bởi hai lý do chính.

Thứ nhất, nếu chấp nhận nó là tiền tệ, là phương tiện thanh toán hợp pháp thì chủ quyền quốc gia về phát hành tiền tệ bị xâm phạm, ảnh hưởng đến hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, bởi tiền ảo nằm ngoài phạm vi quản lý, điều tiết của ngân hàng Trung ương.

Thứ hai, tiền ảo được chấp nhận sẽ tạo điều kiện để trốn thuế, chuyển tiền bất hợp pháp, thanh toán, tài trợ cho các giao dịch bất hợp pháp vì các giao dịch thanh toán bằng tiền ảo là ẩn danh, không có dấu vết.

Còn với “tiền điện tử”, NHNN cho biết thuật ngữ này chưa được quy định trong các văn bản pháp luật về ngân hàng, cụ thể là chưa được quy định trong Luật NHNN, Luật Các tổ chức tín dụng. Nhưng về bản chất, tiền điện tử là tiền thật được điện tử hóa (lưu giữ, thanh toán, chuyển tiền, giao dịch qua các phương tiện điện tử). Theo đó, NHNN khẳng định, hiện tại khung pháp lý quản lý đối với “tiền điện tử” đã có đầy đủ để điều chỉnh và đang được thực hiện bình thường, không nảy sinh vướng mắc cũng như cơ sở pháp lý để quản lý tiền điện tử đã hoàn thiện.

Như vậy, mặc dù còn nhiều tranh cãi nhưng có thể hiểu rằng, đầu tiên, tiền điện tử phải là tiền thật, được một quốc gia hay một cộng đồng kinh tế của một nhóm quốc gia độc quyền phát hành, kiểm soát và bảo đảm. Còn tiền ảo là đồng tiền không có thật, được những người trong một cộng đồng chấp nhận làm công cụ thanh toán nội bộ qua các giao dịch điện tử, có những ưu điểm và lợi ích nhất định nhưng chứa chấp đầy rủi ro và mạo hiểm về pháp lý.

tien dien tu tien ao

Jamie Dimon - CEO của JPMorgan Chase, ngân hàng lớn nhất nước Mỹ - đã chia sẻ tại một buổi họp báo rằng, Bitcoin cùng sự phổ biến của các đồng tiền ảo có sự ảnh hưởng còn tệ hơn “hội chứng hoa tulip”, một hiện tượng bong bóng kinh tế diễn ra vào thời kỳ hoàng kim của Hà Lan.

Vị giám đốc điều hành JPMorgan cũng khẳng định, tiền ảo chỉ là một trò lừa đảo và ông sẽ sa thải ngay lập tức tất cả các nhân viên bị bắt gặp giao dịch Bitcoin. Ông còn miêu tả họ bằng những từ như “ngu ngốc”, “nguy hiểm”.

Nguyễn Long Vân