Thủy điện sông Tranh 2: "Vẫn chưa có dấu hiệu nào làm mất an toàn đập"

09:39 | 11/04/2012

333 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tại buổi làm việc giữa các chuyên gia và chính quyền tỉnh Quảng Nam ngày 10/4, Ban quản lý Thủy điện sông Tranh 2 đã thừa nhận: lượng nước rò rỉ qua thân đập chính xác là 75 lít/giây, thay vì 30 lít/giây như công bố trước đó (trong khi khuyến cáo của cục giám định về các công trình xây dựng – Bộ Xây dựng chỉ cho phép không vượt quá 15 lít/giây).

Chuyên gia Cục giám định Nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng (Bộ Xây Dựng) túc trực ở công trường, giám sát xử lý sự cố rò rỉ, thấm dột ở đập thủy điện Sông Tranh 2.

Cũng tại buổi làm việc, các cơ quan chức năng đã thống nhất khảo sát 5 điểm đặt các trạm quan trắc về động đất quanh khu vực thủy điện Sông Tranh 2. Trước mắt các điểm khảo sát sẽ gồm: xã Trà Bui, Trà Đốc (huyện Bắc Trà My), Trà Mai (huyện Nam Trà My), Tiên Hiệp và Tiên Ngọc (huyện Tiên Phước).

GS.TSKH Nguyễn Tiến Khiêm – Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Cơ học Việt Nam cho biết: “Trong chuyến công tác, khảo sát trực tiếp bằng mắt thường lần này ở Thủy điện Sông Tranh 2, chúng tôi đang tìm hiểu nguyên nhân nước thấm qua thân đập Thủy điện Sông Tranh 2 ở vùng hạ lưu do đâu và dung lượng nước thấm qua thân đập như vậy có nằm trong sự cho phép hay không?

Qua quan sát bằng mắt thường mấy ngày nay, chúng tôi chưa thấy phát hiện có vết nứt trên thân đập chính Thủy điện Sông Tranh 2 do động đất kích thích gây ra. Tuy nhiên, chúng tôi kiến nghị Ban Quản lý dự án Thủy điện 3 phải theo dõi sát sao vết nứt làm rò rỉ của các “khe nhiệt” như thiết kế, đồng thời phải theo dõi chặt chẽ các thiết bị đầu dò sensor được gắng trong thân đập. Hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu nào làm mất an toàn đập”.

TS. Nguyễn Đình Kiên – Viện Cơ học Việt Nam lại băn khoăn: “Để đánh giá đập chính Thủy điện Sông Tranh 2 có an toàn hay không, theo cá nhân tôi không thể đánh giá ngày một ngày hai được. Cần phải có một đoàn khoa học vào cuộc và dựa trên các thông số kỹ thuật thiết kế công trình do chủ đầu tư cung cấp nữa thì từ đó mới phân tích, đánh giá đầy đủ về độ an toàn của đập chính được.

Tuy nhiên, với sự việc đã xảy ra, chúng tôi yêu cầu chủ đầu tư phải theo dõi sát sao, cập nhập liên tục. Không giải quyết dứt điểm trong tương lai sẽ ảnh hưởng đến độ an toàn của đập là điều hiển nhiên”.

“Nguyên nhân gây nên động đất kích thích ở khu vực huyện Bắc Trà My và Thủy điện Sông Tranh 2 là do khi hồ thủy điện tích nước, tải trọng nước hồ làm tăng áp suất nước lỗ rỗng trong các đới dập vỡ, do đó làm giảm độ bền cắt của các đất, đá trong đới.

Rất khó trả lời nước chảy qua thân đập có liên quan đến động đất hay không, bởi vì chúng tôi vào khảo sát thời gian ngắn quá nên cũng chưa thể trả lời ngay được mà cần phải có thời gian nhất định”, TS. Lê Huy Minh – Phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu khẳng định.

Ông Đinh Văn Thu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị, cần sớm thành lập một đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước về động đất ở khu vực thủy điện; gấp rút đặt một hệ thống quan sát động đất với 5 trạm địa chấn ở khu vực huyện Bắc Trà My.

Tại buổi làm việc, đoàn chuyên gia thống nhất kiến nghị chính quyền tỉnh Quảng Nam hỗ trợ tiền mua 5 máy quan trắc động đất (hơn 1,2 tỉ đồng) để lắp đặt quanh thủy điện.

Đồng thời phải gấp rút có một đề tài nghiên cứu cấp nhà nước cho công trình đập thủy điện Sông Tranh 2 về động đất và an toàn đập lúc này. Theo đó, sẽ nghiên cứu tác động của động đất có ảnh hưởng gì đến thủy điện hay không và trong tương lai công trình sẽ còn bị ảnh hưởng như thế nào. Ngoài ra, chi phí lắp đặt vận hành khảo sát nghiên cứu khoảng 4,8 tỉ đồng cũng đang đưa vào đề án.

Linh Nguyễn (Tổng hợp)